Bán vốn Nhà nước ở Vinamilk: Kỳ vọng đợt 2

AN PHƯƠNG| 08/11/2017 09:56

Ngày 1/11 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã công bố mức giá bán cổ phần của Nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) trong đợt chào bán 3,33% cổ phần, tương ứng 48,4 triệu cổ phiếu vào ngày 10/11 tới tại Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mức giá khởi điểm 150.000đ/CP, cao hơn giá khởi điểm trong lần bán vốn đợt 1 là 6.000đ/CP.

Bán vốn Nhà nước ở Vinamilk: Kỳ vọng đợt 2

Bài học từ đợt 1

Ngày 12/12/2016, SCIC chào bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng 9% vốn điều lệ của Vinamilk. Tuy nhiên, kết thúc phiên bán đấu giá, SCIC chỉ bán được 78,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 60% số lượng cổ phiếu chào bán với giá đấu giá chỉ bằng giá khởi điểm, tức 144.000đ/CP, do chỉ có 2 nhà đầu tư mua nên hầu như không có sự cạnh tranh.

Đó là một bất ngờ lớn, đến mức Bộ Tài chính phải lên tiếng phân bua, rằng việc không bán hết 9% cổ phần thoái vốn tại Vinamilk là do thời gian chào bán quá ngắn trong khi khối lượng cổ phiếu quá lớn khiến các nhà đầu tư không đủ thời gian chuẩn bị nguồn lực.

Nhưng các nhà đầu tư chứng khoán thì không nghĩ vậy.

Để chuẩn bị bán 130,6 triệu cổ phiếu VNM, SCIC đã phối hợp chặt chẽ với Vinamilk thực hiện các bước đi bài bản, như thuê tư vấn có uy tín, sử dụng mối quan hệ tốt với các nhà đầu tư tài chính như VinaCapital, SSI, Morgan Standley. SCIC cũng đã thực hiện các buổi chào bán (roadshow) đến các các trung tâm tài chính lớn trên thế giới, như Hong Kong, Singapore, London nhằm thu hút sự quan tâm các tổ chức đầu tư quốc tế để có thể bán cổ phiếu Vinamilk với mức giá tốt nhất.

>>5 tháng, thu về hơn 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước

Nhưng SCIC vẫn chủ quan vì cho rằng cổ phiếu VNM là vào loại tốt nhất, là món hàng rất hấp dẫn đối với các quỹ đầu tư nước ngoài. Vì thế mà SCIC đưa ra nhiều điều kiện "làm khó” các nhà đầu tư. Chẳng hạn, có quá nhiều thủ tục phức tạp cho việc đặt cọc bằng ngoại tệ, chỉ được ký quỹ qua một ngân hàng duy nhất do SCIC chỉ định, mỗi pháp nhân không được mua quá 2,7% lượng cổ phiếu bán ra.

Quá nhiều rào cản như vậy nên chỉ có 2 nhà đầu tư đã chi gần 11.300 tỷ đồng để mua 60% lô cổ phiếu, đó là F&N Dairy Investment Pte., Ltd và F&N Bev Manufacturing PTE., Ltd. Đây là 2 quỹ được niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore, nhưng sở hữu 100% hai quỹ này là ông chủ của tập đoàn thực phẩm F&N của Thái Lan. Cũng nên biết F&N Dairy Investment đang là cổ đông ngoại lớn nhất của Vinamilk. Như vậy, F&N đã nâng sở hữu tại Vinamilk lên mức 16,35% vốn điều lệ.

Việc bán vốn nhà nước tại Vinamilk vào giữa tháng 12/2016 còn có ý nghĩa là một phép thử thị trường để tạo đà cho việc bán cổ phần nhà nước, bắt đầu từ đầu năm 2017 tại 10 doanh nghiệp làm ăn tốt.

Kỳ vọng đợt 2

Bài học không thành công từ đợt 1 đã buộc SCIC phải thuận theo thị trường, nên việc chào bán cổ phiếu VNM đợt 2 có nhiều điều kiện dễ dàng cho người mua.

Bà Đặng Thị Thu Hà - Phó trưởng Ban Đầu tư 3 của SCIC cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đặt cọc, kỹ quỹ 10% giá trị giao dịch theo giá khởi điểm bằng USD và việc ký quỹ được thực hiện tại các ngân hàng được cấp phép. Việc nộp mã giao dịch và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện đến ngày thanh toán thay vì bắt buộc ngay tại thời điểm đăng ký như lần trước. Với cơ chế thanh toán, nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100% giá trị giao dịch, thay vì bị bắt buộc 110% như năm 2016.

Nhà đầu tư còn được dừng chuyển nhượng trong trường hợp bất khả kháng cũng như được phép thay đổi, hủy đăng ký mua cổ phiếu khi giá thị trường biến động cao hơn dự báo. SCIC cũng không "ưu tiên" nhà đầu tư chiến lược trong đợt này, cơ hội sở hữu cổ phiếu Vinamilk được dành cho mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu. Tỷ lệ cổ phiếu mà nhà đầu tư tham gia mua không bị giới hạn.

Việc SCIC tiến hành thoái toàn bộ 45% cổ phần nhà nước tại Vinamilk, tương đương 82.000 tỷ đồng (khoảng 3,8 tỷ USD, tính theo giá trị cuối năm 2016), dù chia ra nhiều đợt, đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Nếu thành công trong đợt bán lần hai này, tỷ lệ cổ phiếu mà Nhà nước nắm giữ tại Vinamilk trở về mức 36%.

Với cơ chế mở như vậy, SCIC mong muốn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá cạnh tranh từ giá khởi điểm 150.000đ/CP được công bố trước 10 ngày để tránh ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Vinamilk trên thị trường và quyết định của nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, tại các buổi roadshow ở Singapore và Hong Kong, đã có 35 nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu đợt 2 của Vinamilk.

Rút kinh nghiệm lần trước, SCIC đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào về kỳ vọng mức giá cổ phiếu Vinamilk trong lần thoái vốn nhà nước lần hai này, nhưng nếu thị trường thuận lợi, SCIC dự kiến thu về 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Năm ngoái, SCIC phát tín hiệu trên thị trường là muốn bán cổ phiếu Vinamilk cao hơn 10 - 15% so với giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán, do tin rằng giá sẽ được đẩy tiếp lên vì các nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu Vinamilk để "ăn chênh lệch giá". Nhưng thị trường đã phản ứng ngược với tầm nhìn đơn giản ấy. May mắn là do nền tảng kinh doanh vững chắc và vốn hóa thị trường của Vinamilk quá lớn nên giá cổ phiếu VNM giảm không nhiều. Nhưng hệ quả là SCIC đã không bán được cổ phiếu với giá tốt nhất.

Ông Chi cho biết, liên danh tư vấn gồm UBS AG Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là đơn vị tư vấn được SCIC lựa chọn định giá khởi điểm cho đợt thoái vốn này theo phương pháp định giá mà các tổ chức tài chính quốc tế vẫn sử dụng, nhưng mức giá chính xác sẽ do thị trường quyết định.

Kết quả kinh doanh của Vinamilk 9 tháng của năm 2017 đạt 38.758 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 10%, lợi nhuận sau thuế đạt 8.545 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ 2016 sẽ là sự hỗ trợ tốt nhất cho đợt chào bán cổ phiếu nhà nước lần thứ hai ở công ty này.

>>Đâu là nút thắt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán vốn Nhà nước ở Vinamilk: Kỳ vọng đợt 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO