Bán hàng đa cấp: Tăng vốn 10 tỷ, hoa hồng còn 40%

Ý NHI| 05/08/2014 04:26

Nghị định 42/NĐ-CP siết chặt hơn các công ty bán hàng đa cấp để tránh tình trạng bát nháo kéo dài đã rất nhiều năm.

Bán hàng đa cấp: Tăng vốn 10 tỷ, hoa hồng còn 40%

Nghị định 42/NĐ-CP siết chặt hơn các công ty bán hàng đa cấp để tránh tình trạng bát nháo kéo dài đã rất nhiều năm.

Đọc E-paper

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngành hàng đa cấp của Việt Nam thời gian qua đã bộc lộ nhiều yếu kém, thậm chí núp bóng bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp (không được pháp luật thừa nhận) để lừa dối người tiêu dùng.

> Trắng tay vì bán hàng đa cấp

> Giảm tiêu cực trong bán hàng đa cấp

> 15 doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngừng hoạt động

> Bán hàng đa cấp hết đất sống?

> Dịch vụ chưa được phép kinh doanh đa cấp

> Sẽ cấm bán hàng đa cấp qua gian hàng trực tuyến

Tính đến hết năm 2013, cả nước có 67 doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng đa cấp, trong đó chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM với lượng người tham gia bán hàng lên tới 1,2 triệu. Trong năm ngoái, cơ quan chức năng đã rút giấy phép của 5 DN hoạt động do chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng đa cấp.

Đơn cử như trường hợp Công ty MB24, Công ty Tâm Mặt Trời, Công ty Cộng Đồng Việt, Colonyinvest... đã tung ra nhiều chiêu trò để dụ dỗ khách hàng, lôi kéo bán gian hàng ảo, lấy tiền của hội viên sau trả cho hội viên trước...

Để siết lại hoạt động này, ông Mừng cho biết, Nghị định 42/CP quy định doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được thực hiện mô hình kim tự tháp nhằm chú trọng đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm của công ty cũng như chăm sóc khách hàng. Nghị định cũng quy định những hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp.

Cụ thể, DN bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới; không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới; không được kinh doanh theo mô hình kim tự tháp...

Một trong những điểm mới trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP được nhiều DN đồng tình,đó là quy định DN bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định 10 tỷ đồng. Tiền ký quỹ cũng được nâng lên mức 5 tỷ đồng so với mức tối đa 1 tỷ đồng theo quy định trước đây.

Ở Việt Nam, đến nay đã có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, thu hút gần 1,2 triệu lao động, mỗi năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế.

Với số tiền "không nhỏ” ký quỹ này, DN làm ăn bất chính sẽ không thể "bỏ của chạy lấy người", nghĩa là chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác hoạt động khi làm ăn sai trái ở một địa phương nào đó bị phát hiện.

Ông Phan Đức Quế, Trưởng Phòng Điều tra xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương), cũng cho hay: "Nghị định mới đưa ra sẽ tạo cơ hội cho những DN chân chính, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Bởi trước đây do ký quỹ vốn rất thấp nên nhiều DN làm ăn bất chính kiếm lời trong thời gian ngắn rồi tự giải tán".

Bên cạnh đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp được giao cho Bộ Công Thương thay vì các sở như quy định trước đây. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp, theo đó, giấy chứng nhận cấp lần đầu có thời hạn 5 năm, sau đó DN được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Về phía DN, ông How Kam Chiong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Amway Việt Nam, cho rằng, nghị định mới là một thách thức với DN, vì theo quy đjnh, quá trình đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn giúp DN đào tạo lại các đào tạo viên, để họ được nâng cao kiến thức về các quy định của ngành cũng như các quy định của pháp luật.

Theo đại diện một số DN, dù mức hoa hồng đã được quy định chi tiết nhưng tình trạng lôi kéo người bán giữa các công ty có thể khiến quy định này bị biến tướng để lách luật. Mức hoa hồng trước đây được đẩy lên đến 80% giá trị sản phẩm. Nay phải giảm xuống sẽ giảm sức hấp dẫn người bán hàng.

Bởi vậy ngoài mức hoa hồng 40%, các công ty bất chính có thể lách luật và dùng nhiều hình thức thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác để lôi kéo người bán. Ông Bạch Văn Mừng cho rằng, không có văn bản pháp luật nào giải quyết 100% những vấn đề xảy ra trong thực tế mà cần có thời gian điều chỉnh.

Vì vậy, bên cạnh hành lang pháp lý mới, rất cần nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, ứng phó, bổ sung một cách linh hoạt các quy định mới phù hợp với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán hàng đa cấp: Tăng vốn 10 tỷ, hoa hồng còn 40%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO