Bài học làm ăn từ "người chung tình" Nhật Bản

HỒNG NGA - THANH HUYỀN| 23/03/2017 03:31

Doanh nghiệp Nhật Bản rất kỹ tính trong hợp tác đầu tư nhưng một khi đã chọn được đối tác thì họ rất "chung tình".

Bài học làm ăn từ

Điều này lý giải vì sao bao giờ đi kèm với doanh nghiệp đầu tư cũng có các doanh nghiệp "vệ tinh".

Điều dễ thấy nhất ở các doanh nghiệp Nhật Bản là uy tín và liên kết rất chặt chẽ. Ngay từ khi chuẩn bị kế hoạch sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư đều "mang theo" các doanh nghiệp vệ tinh đến Việt Nam. Cùng với sự ra mắt của Honda Việt Nam, các doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ tụng xe máy - những đối tác của Honda đến từ Nhật Bản, Đài Loan cũng đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Tính đến nay, với đội ngũ vệ tinh này và các nhà sản xuất linh kiện trong nước, Honda Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa 95%. Với mức tiêu thụ thị trường đạt từ 2,7 - 3,1 triệu xe máy, trong đó Honda chiếm đến 70% thị phần, những năm qua, trong khi nhiều doanh nghiệp cơ khí khác làm cầm chừng vì không có đơn hàng thì các vệ tinh của Honda vẫn có doanh thu "năm sau cao hơn năm trước".

Không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp vệ tinh, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng liên kết với tinh thần dân tộc rất cao. Trừ những lĩnh vực không có doanh nghiệp Nhật tham gia thì hầu hết các công ty Nhật thường tìm đến nhau khi đầu tư ra nước ngoài. Và gần như thương hiệu Nhật là lựa chọn hàng đầu trong các mối quan hệ hợp tác kinh doanh.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông, từ nhiều năm nay, tất cả các chương trình quảng cáo của Honda Việt Nam đều thông qua Dentsu - công ty quảng cáo có vốn 100% đến từ Nhật. Không chỉ có Honda mà Toyota, Yamaha, Canon, Ajinomoto... cũng là khách hàng thường xuyên của Dentsu.

Là đối tác của các doanh nghiệp Nhật Bản Nissho, Iwai, Minoya... từ những năm 1993, bà Nguyễn Thị Điền - TGĐ Công ty May Thêu Đan Giày An Phước hiểu rất rõ các doanh nghiệp Nhật Bản. Bà cho rằng, người Nhật rất cẩn trọng, tỉ mỉ, do vậy yêu cầu về chất lượng đối với sản phẩm của họ rất cao. Và cũng nhờ là đối tác của Nhật nên An Phước mới có cơ duyên gia công cho thương hiệu Pierre Cardin (Pháp) và trở thành đối tác thương mại của thương hiệu này tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản 10 năm trở lại đây đạt mức tăng trưởng bình quân 13,9%/năm. Trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt gần 14,68 tỷ USD và Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta.

Năm 2006, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt 9,93 tỷ USD và nay đã đạt đến 30 tỷ USD, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 60 tỷ USD.

Là doanh nghiệp chuyên phân phối các sản phẩm nông sản, thực phẩm sạch, mới đây Công ty CP Đầu tư Thương mại Nhịp Cầu Doanh Nghiệp đã ký với đối tác Nhật để đưa nông sản Việt Nam sang thị trường Nhật và nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ thị trường Nhật vào Việt Nam.

Bà Phi Thị Ngọc Anh - TGĐ Nhịp Cầu Doanh Nghiệp cho biết, doanh nghiệp Nhật rất khó trong việc chọn đối tác và quyết định chậm. Muốn thuyết phục được họ không phải là dăm bữa nửa tháng mà là cả một quá trình.

"Bài học lớn nhất tôi học được ở họ là tính kiên nhẫn, kiên nhẫn đến tận cùng. Từng điều khoản đặt ra được đàm phán chặt chẽ. Chậm nhưng chắc. Họ nhìn rõ nhu cầu và tiềm năng thị trường Việt Nam bằng những "đôi mắt và cảm nhận trực tiếp" của đội ngũ bán hàng. Họ đi cùng chúng tôi, bất chấp thời gian ngắn dài và họ tin điều họ thấy bởi những việc chúng tôi đã cố công thực hiện", bà Ngọc Anh cho biết.

Theo hợp tác này, sắp tới đối tác Nhật sẽ cung cấp cho Nhịp Cầu Doanh Nghiệp các loại thực phẩm sạch như thịt bò, hải sản, gạo, rượu sake... và các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, trà, dừa... do Nhịp Cầu Doanh Nghiệp phân phối sẽ theo đối tác Nhật đến xứ sở hoa anh đào.

Cũng theo bà Ngọc Anh, doanh nghiệp Nhật có tính cộng đồng rất cao. Ngoài hợp tác trực tiếp, đối tác Nhật còn giới thiệu cho Nhịp Cầu Doanh Nghiệp những doanh nghiệp Nhật khác và cả doanh nghiệp Singapore có nhu cầu nhập khẩu cà phê.

Chia sẻ tại buổi Đối thoại Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2017 hồi cuối tháng 1 vừa rồi, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản đều là những doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh, kinh nghiệm xã hội cũng như hiệu quả đầu tư cao. Chính điều này sẽ góp phần mang lại sự thay đổi cho nền kinh tế Việt Nam đồng thời là tấm gương để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, nhất là trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.

Hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng tiến xa hơn và càng được cũng cố khi các hoạt động chính trị - kinh tế cấp quốc gia liên tục diễn ra. Cụ thể, giữa tháng 1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thăm chính thức Việt Nam. Mới đây, vua và hoàng hậu Nhật Bản cũng đã thăm Việt Nam.

Cùng với ngoại giao là các hoạt động kinh tế, xúc tiến thương mại. Trong tháng 1, đoàn 70 doanh nghiệp Nhật Bản do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Akio Mimuta dẫn đầu đã đến tìm hiểu thị trường và môi trường đầu tư tại Việt Nam. Tháng 2, đoàn 14 doanh nghiệp đến Việt Nam tìm hiểu về ngành nông đặc sản Việt Nam... Hiện JETRO đang chuẩn bị cho một chương trình vận động xúc tiến đầu tư lớn của Nhật Bản vào Việt Nam.

Việc đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Vào cuối năm 2016, trong khi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Và đây chính là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

>Việt Nam - “đất lành” của nhà đầu tư Nhật

>Làm sao thu hút nhà đầu tư Nhật?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài học làm ăn từ "người chung tình" Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO