Bài 1: 7 tỷ gói mì nhập cuộc

LỮ Ý NHI – THẢO MINH - Ảnh: QUÝ HÒA| 05/01/2012 07:40

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.

Bài 1: 7 tỷ gói mì nhập cuộc

Với khoảng 50 doanh nghiệp (DN) cùng hàng trăm nhãn hiệu mì khác nhau, sức tiêu thụ hằng năm luôn tăng trưởng từ 15-20%, thị trường mì gói tại Việt Nam dù hấp dẫn nhưng quá nhiều sức ép và rủi ro.

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam đang đứng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản. Năm 2012, khả năng tăng trưởng của mì gói có thể tăng đến trên 7 tỷ gói so với con số 5 tỷ gói của năm 2011, dự báo này không chỉ cho thấy nhu cầu gia tăng mà mức độ cạnh tranh để giành thị phần của các DN cũng sẽ khốc liệt hơn.

Nhất quảng cáo, nhì đa dạng hóa sản phẩm

Một vòng qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, chợ, sản phẩm mì gói của các công ty Vina Acecook, Asia Foods, Vifon, Uni-President, Massan, Miliket... đang chiếm lĩnh hơn 90% thị phần với hàng trăm nhãn hiệu khác nhau. Đó là chưa kể hàng chục nhãn hàng mì gói nước ngoài cũng đang hiện diện khắp nơi, tạo sự phong phú cho thị trường cả về bao bì, mẫu mã lẫn giá cả.

Tuy nhiên, cuộc đua này bắt đầu gay gắt khi ba nhãn hiệu lớn nhất là Vina Acecook, Asia Foods và Massan cùng đua nhau tăng tốc giành thị phần bằng quảng cáo và chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 65% thị phần. Tiếp theo là Asia Foods (DN trong nước) chiếm hơn 20% thị phần và thứ ba là Massan.

Ông Phan Sông Lam, chuyên viên tư vấn thương hiệu, cho rằng, với mì gói, công nghệ sản xuất của các công ty gần như giống nhau và sự khác biệt được tạo ra chủ yếu bởi chủng loại, giá cả và các chiêu thức quảng cáo chứ không phải ở chính sản phẩm.

Lấy thế mạnh dây chuyền công nghệ được chuyển giao từ Acecook Nhật Bản - cái nôi của mì ăn liền, cộng với bề dày kinh nghiệm trên 50 năm sản xuất mì và hơn 15 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, am hiểu thị hiếu và khẩu vị người tiêu dùng, Vina Acecook đã nhanh chân thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư bao bì bắt mắt, sang trọng hơn, đồng thời “nâng” giá trị cho mì gói bằng việc tung ra một số dòng sản phẩm cao cấp với giá bán gần gấp đôi so với các loại mì thông thường.

Trước đó, với quan niệm mì gói là sản phẩm bình dân nên giá bán của các hãng trên thị trường chỉ dao động trong tầm khoảng gần 2.000 - 3.000 đồng/gói, chất lượng, hương vị cũng na ná giống nhau.

Việc đột phá của Vina Acecook đã mang lại thành công cho công ty này, bởi không chỉ tạo cho thị trường mì gói một diện mạo mới với nhiều sự chọn lựa, phong phú về khẩu vị, màu sắc, chủng loại, Vina Acecook còn thâu tóm được tất cả các phân khúc người tiêu dùng, từ bình dân đến cao cấp.

Theo đánh giá của các chuyên gia thương hiệu, việc đa dạng sản phẩm có thể chỉ mang lại thành công về bề nổi cho các DN, còn xét về doanh thu thì không tăng trưởng nhiều bởi càng nhiều sản phẩm thì chính các thương hiệu sẽ tự “ăn” vào thị trường của nhau.

Tuy nhiên, ông Hoàng Cao Trí, Phó tổng giám đốc Vina Acecook, lại cho rằng: “Đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp hỗ trợ cho chủng loại sản phẩm kinh doanh chính, tìm kiếm các thị trường mới hoặc phân tán bớt rủi ro.

Ngoài ra, còn làm tăng khả năng phục vụ và tối đa hóa lợi nhuận trên cùng một phân khúc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi DN đã có những sự thấu hiểu và kinh nghiệm trong việc đáp ứng nhu cầu đối với phân khúc đó”.

Ông Phạm Trọng Bảo Châu, Giám đốc Thương mại Asia Foods, cũng đồng tình: “Thành công của thương hiệu thụ thuộc rất nhiều vào việc xác lập được định vị thương hiệu tạo nên sự khác biệt và gắn kết sâu sắc với người tiêu dùng mục tiêu. Việc đưa ra những dòng sản phẩm mới và thậm chí là những thương hiệu mới cũng nằm trong mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn, có ý nghĩa hơn cho nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.

Khác biệt hay biến mất

Để tạo độ phủ thị trường và “bành trướng” thương hiệu, Acecook cũng áp dụng chiến lược mở rộng hệ thống phân phối. Ông Trí cho biết:

“Hiện tại, Vina Acecook sở hữu trên 700 nhà phân phối, phủ kín 100% thị trường Việt Nam với 7 nhà máy đặt tại 6 tỉnh: TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên. Với mạng lưới phân phối phủ kín này, những năm qua, sản lượng của chúng tôi đã tăng trưởng ổn định và luôn đảm bảo cho người tiêu dùng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể mua được sản phẩm Vina Acecook một cách dễ dàng”.

Sau cuộc “đổ bộ” dồn dập về mẫu mã, chủng loại sản phẩm cùng với chiến lược quảng cáo rầm rộ của Acecook, Massan cũng không bỏ lỡ cơ hội và cũng tung ra nhiều dòng sản phẩm với bao bì bắt mắt không kém.

“Độc chiêu” hơn, khi tung ra sản phẩm mì Omachi và chọn phân khúc đối tượng là người tiêu dùng cấp trung, công ty này đã tạo sự khác biệt bằng thông điệp đang được nhiều người quan tâm, đó là “vấn đề an toàn sức khỏe”.

Với quảng cáo “Mì Omachi được làm bằng khoai tây, ăn không sợ nóng”, Omachi của Massan được coi là chiến lược thành công và đã thu hút sự lựa chọn đông đảo của người tiêu dùng.

Ông Lam phân tích thêm: “Mặc dù có lợi thế dây chuyền công nghệ Nhật Bản, kinh nghiệm lâu năm, đặc biệt nguồn nguyên liệu cũng đã được Acecook đặt nặng về yếu tố chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao, nhưng Acecook vẫn chậm chân hơn Massan trong việc tìm ra sự khác biệt đột phá cho sản phẩm. Bởi một khi người tiêu dùng đã bị hoa mắt vì nhiều loại sản phẩm thì việc tạo sự khác biệt mang tính đột phá chính là yếu tố mang lại thành công cho Massan”.

Cùng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm nhưng khác biệt của Asia Foods là nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng, giá cả với chủ trương: “Ngon miệng, tiện dụng, giá hợp lý nhưng phải an toàn vệ sinh”. Ông Phạm Trọng Bảo Châu cho biết:

“Khác biệt lớn nhất của Asia Foods là dựa vào những kinh nghiệm, bí quyết và sự vượt trội về mặt công nghệ để liên tục nâng chất lượng, cải tiến hương vị mì, tạo ra nhiều khẩu vị mới lạ. Vì vậy, cùng với việc đầu tư dây chuyền, chúng tôi còn chú trọng đầu tư phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm. Cuối năm 2010, công ty đã nâng cấp năng lực quản lý hệ thống lên một bước bằng việc thực hiện và ứng dụng thành công hệ thống quản trị tiên tiến nhất hiện nay ERP-SAP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: 7 tỷ gói mì nhập cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO