Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trà, cà phê: Còn nhiều bất cập

LỮ Ý NHI| 27/08/2017 01:30

Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế thuế thụ đặc biệt sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành trà, cà phê đóng gói Việt Nam vốn còn đang non trẻ.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trà, cà phê: Còn nhiều bất cập

Trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp dự kiến nằm trong danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên vừa được Bộ Tài chính công bố tuần qua. Điều này được xem là bất cập và sẽ gây nhiều hệ lụy cho ngành chế biến cà phê, trà.

Ngay sau khi có thông tin Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) công bố trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyển sản xuất công nghiệp cũng là đối tượng chịu thuế TTĐB, rất nhiều ý kiến của các DN cho rằng, việc đánh thuế này sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành cà phê đóng gói Việt Nam đang rất non trẻ.

Theo ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa): "Trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho cà phê Việt Nam của Vicofa trình Chính phủ có đặt ra mục tiêu nâng tỷ lệ cà phê chế biến từ 10% lên 20- 25% trong 5- 10 năm nữa để mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê ở trong nước và thế giới. Nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê từ 3 tỷ USD hiện nay lên 6 tỷ USD. Nhiều DN cũng đang đầu tư vào sản xuất, chế biến cà phê rang xay đóng gói. Vì vậy, việc đánh thuế TTĐB không chỉ đi ngược lại chủ trương phát triển bền vững của ngành cà phê, gây khó khăn cho xuất khẩu mà còn dẫn đến hệ lụy là các DN sẽ không còn mặn mà đầu tư vào chế biến, xây dựng thương hiệu cho cà phê - vốn là con đường rất gian nan mà chỉ tập trung xuất khẩu thô. Như thế, giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế không những không cao mà Việt Nam mãi mãi chỉ là nước có danh xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới mà lại không có thực về giá trị”.

Nhìn lại thực tế xuất khẩu cà phê của Việt Nam cho thấy, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng phần lợi nhuận lại không thuộc về người trồng cà phê và DN trong nước mà thuộc về DN thu mua, chế biến ở nước ngoài. Đơn cử, năm 2016, Việt Nam xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê, đạt giá trị khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm 19% thị phần cà phê toàn cầu về số lượng nhưng chỉ đạt xấp xỉ 2% về giá trị. 

Ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh đưa ra phép tính: "Khi bán một ký cà phê nhân, chúng ta thu về khoảng 2 USD (tương đương giá một ly cà phê ở các nước nhập khẩu), trong khi một ký cà phê có thể pha được 50 ly cà phê. Tương tự, một ký cà phê cũng có thể cung cấp ra 100 gói cà phê hòa tan".

Cũng theo ông Thông, bất cập của việc đánh thuế TTĐB còn ở chỗ: "Cà phê đóng gói, hòa tan có sức tiêu thụ rất lớn trong nước, nếu bị đánh thuế thì sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến hạn chế sức mua của người tiêu dùng. Mà sức mua giảm, hạn hẹp dần sẽ kéo theo năng lực sản xuất của DN cũng sụt giảm".

Song, hệ lụy lớn hơn, theo ông Thông là hiện nay, các DN sản xuất cà phê trong nước mới nhen nhóm vào chuỗi sản xuất cà phê, còn rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, việc đánh thuế này sẽ khiến DN mất tinh thần, không còn mạnh dạn đầu tư sản xuất. Từ đó, các DN nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội để tấn công DN và thị trường cà phê Việt Nam.

Ông Phạm Quang Vũ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vinacafé Biên Hòa cũng khẳng định: "Chính sách thuế TTĐB là chưa hợp lý vì hiện nay, ngành cà phê vẫn trong tình trạng xuất thô, nông dân trồng cà phê thu nhập còn bấp bênh. Nếu đánh thuế, chắc chắn ngành cà phê Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và đi ngược với chủ trương khuyến khích, kêu gọi DN tập trung đầu tư sâu vào sản xuất cà phê”.

Ông Phan Trần Quân- Giám đốc R&D thương hiệu cà phê Quaffela cũng chia sẻ: "Thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ dành cho những mặt hàng xa xỉ, độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ cộng đồng với mục đích hạn chế việc tiêu thụ những sản phẩm này. Trà và cà phê là thức uống truyền thống, là nhu cầu cần thiết cho con người, chỉ đứng sau gạo và thức ăn hàng ngày. Trà và cà phê có lợi cho sức khỏe, cho cuộc sống con người. Vì thế, trà và cà phê không thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt".

Đại diện công ty Nestlé VN cũng tỏ ra rất e ngại về việc áp dụng thuế TTĐB cho mặt hàng thực phẩm và đồ uống bị cho rằng có hại cho sức khỏe như trà, cà phê vì hiện nay chưa thấy có bằng chứng rõ ràng rằng biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả trong việc phòng chống bệnh béo phì.

Với DN sản xuất trà (chè), báo cáo xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2016 vừa được Bộ Công Thương công bố cũng cho thấy mặc dù Việt Nam được xếp thứ 5 trong danh sách những quốc gia xuất khẩu chè nhiều nhất thế giới nhưng thị phần tại những nước nhập khẩu chỉ chiếm tỷ lệ thấp so với các đối thủ cạnh tranh.

Kèm với đó, giá chè xuất khẩu của Việt Nam luôn bị trả rẻ nhất, chỉ bằng 60 – 70% giá chung của thế giới. Nguyên do là chè Việt Nam vẫn chưa có giá trị thương hiệu. Cũng như các DN sản xuất cà phê, các DN sản xuất chè cũng đang nỗ lực đầu tư xây dựng thương hiệu và cho rằng việc dự kiến đánh thuế như kể trên là bất hợp lý.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ thương hiệu Song Hỷ Trà cho rằng, nếu áp dụng thuế TTĐB thì DN nội địa sức cạnh tranh đang yếu lại yếu thêm. Bà Nguyễn Thị Bích Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến cũng khẳng định: "Việc đánh thuế TTĐB cho trà là chưa hợp lý. Bởi trà là thức uống truyền thống của người Việt Nam, không gây ảnh hưởng sức khỏe. Hơn nữa, cũng chưa có nước nào đánh thuế TTĐB cho sản phẩm trà và cà phê. Việc đánh thuế TTĐB với trà sẽ khiến DN sản xuất trà bị mất năng lực cạnh tranh và ngành trà cũng sẽ khó xây dựng được thương hiệu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trà, cà phê: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO