Áp lực từ siêu thị ngoại

HỒNG VINH| 16/03/2017 08:33

Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp (DN) đầu tuần trước, đại diện các DN, đơn vị cung ứng, hệ thống siêu thị trong nước bày tỏ sự lo lắng khi hàng nội có nguy cơ bị hàng ngoại lấn át...

Áp lực từ siêu thị ngoại

Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp (DN) đầu tuần trước, đại diện các DN, đơn vị cung ứng, hệ thống siêu thị trong nước bày tỏ sự lo lắng khi hàng nội có nguy cơ bị hàng ngoại lấn át... 

Đọc E-paper

Trong năm 2016, các hệ thống siêu thị nước ngoài có nhiều biến động, nhất là thay đổi chủ sở hữu. Việc thay đổi chủ sở hữu dẫn đến chính sách kinh doanh của siêu thị thay đổi. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hàng hóa trong nước cho các siêu thị có vốn FDI.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, cho biết: hệ thống siêu thị ngoại từ lâu có chiết khấu cao nhưng khi đổi chủ thì chiết khấu càng cao hơn, từ 15 - 30%, tùy mặt hàng. Vì thế Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phản ứng và đề nghị Big C giữ nguyên mức chiết khấu 15%.

Việc tăng mức chiết khấu cao khiến siêu thị nội không cạnh tranh nổi về giá. Từ việc chiết khấu cao như vậy, các DN sản xuất không có lãi khi đưa hàng hóa vào siêu thị ngoại.

Trong khi đó, mức chiết khấu cao nhất của các siêu thị nội là 10%. Riêng hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart của Vingroup đã giảm 50% mức chiết khấu cho hầu hết DN Việt Nam và không tính phí vận chuyển.

Có nhiều DN chỉ muốn bán được hàng chứ chưa muốn giữ thị phần. Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN thâm nhập thị trường cũng như xuất khẩu hàng hóa, do dó DN nên chọn những thị trường mục tiêu để kinh doanh, để không bị phân tán và lãng phí nguồn lực.

(Ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op)

"Có thể nói, từ việc các DN tự liên kết hoặc có sự hỗ trợ của hội, hiệp hội DN, sự lên tiếng của báo chí đã góp phần cảnh báo các DN ngoại phải xem lại cách kinh doanh. Nhưng đáng buồn là lại có DN trong nước âm thầm chịu đựng mức chiết khấu cao, vô tình tiếp tay để các siêu thị ngoại cạnh tranh không bình đẳng với hệ thống siêu thị nội. Ngay cả việc hệ thống cửa hàng tiện lợi của DN nước ngoài phát triển rất nhanh nhưng những nhà cung cấp hàng hóa trong nước cũng không được hưởng lợi vì chi phí phân phối và chiết khấu cao. Điểm yếu của nhiều DN Việt Nam là lâu nay không chia sẻ thông tin, chưa liên kết tạo sức mạnh nên để DN nước ngoài "móc túi" các nhà cung cấp hàng hóa", bà Lâm nói.

Khi đầu tư vào một quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn của các nước bao giờ cũng có một số nhà cung ứng đi kèm. Tức đằng sau các tập đoàn bán lẻ là cả "binh đoàn" các nhà cung cấp hàng hóa. Họ trở thành một liên minh hùng mạnh với bề dày kinh nghiệm kinh doanh và tiềm lực tài chính mạnh.

Theo ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, các DN bán lẻ nước ngoài có tầm nhìn dài hạn. Họ chiếm lĩnh thị trường từ từ và có chiến thuật rõ ràng. Không chỉ chia sẻ tầm nhìn mà họ còn san sẻ về trách nhiệm, chi phí.

Chẳng hạn, tập đoàn bán lẻ nước ngoài sẵn sàng bán sản phẩm của nhà cung cấp từ nước họ thấp hơn 40%. Không phải chỉ có DN bán lẻ gánh vác chi phí thâm nhập thị trường, marketing mà phía sau họ còn cả nhà cung cấp san sẻ. Nhìn lại, cộng đồng DN của ta chưa làm được điều đó.

DN sản xuất hàng hóa đang lo lắng khi biết có siêu thị nội đòi tăng mức chiết khấu. Chúng tôi đề nghị các siêu thị nội giữ nguyên mức chiết khấu, hoặc giảm mức chiết khấu để DN sản xuất tập trung hàng hóa cho kênh bán hàng hiện đại, và như vậy 2 bên cùng có lợi.

(Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food)

Bên cạnh áp lực từ DN bán lẻ ngoại, doanh nghiệp sản xuất trong nước còn đối mặt nhiều áp lực khác. Chẳng hạn, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh nêu thực tế, DN vừa và nhỏ ngành nhựa đang chịu áp lực rất lớn từ các DN nhựa nước ngoài, nhất là khi họ đang thực hiện chiến lược "thâu tóm".

DN Việt Nam còn bị nguy cơ hàng nhái, hàng giả, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. DN nhựa càng lớn thì sản phẩm càng bị làm giả, thiệt hại càng lớn. Nguyên nhân là do các cơ quan thực thi pháp luật xử không nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Việt Nam cũng chưa có hàng rào kỹ thuật đảm bảo hỗ trợ DN trong nước. Do đó, doanh nghiệp trong nước dù sản xuất được hàng chất lượng cao, vẫn bị hàng chất lượng thấp của nước ngoài tràn vào cạnh tranh. Chính quyền cần bảo vệ những DN làm ăn chân chính đúng lúc, kịp thời.

DN ngoại luôn liên kết tạo thành chuỗi cung ứng, chia sẻ tầm nhìn, giá trị và luôn cải tiến công nghệ, trong khi đa số DN Việt Nam khi gặp khó khăn thì chuyển qua lĩnh vực khác, tạo ra sự phát triển không bền vững.

Theo quy luật thị trường, ai nắm được hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ sẽ điều tiết được sản xuất. Vì vậy, các DN nếu không thay đổi cách sản xuất, kinh doanh và quản trị để có chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn và giá thành cạnh tranh thì rất có thể thua ngay trên sân nhà.

>Kinh doanh thời trang: Áp lực từ hàng ngoại

>Giải pháp cho thị trường bán lẻ: Đổi tư duy - thay kết quả

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực từ siêu thị ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO