Áp lực từ hàng Thái

MINH HÀO| 19/08/2015 08:30

Sự hiện hiện sâu rộng của hàng Thái đang đặt ra nhiều áp lực cho nhiều doanh nghiệp trong nước.

Áp lực từ hàng Thái

Hàng Thái không chỉ có trong các chợ, cửa hàng tạp hóa mà xuất hiện ngày càng nhiều ở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Sự hiện hiện sâu rộng của hàng Thái đang đặt ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp (DN) trong nước.

Đọc E-paper

Phải xác định rằng, hàng Thái đang ngày càng phủ rộng hơn ở các kênh bán lẻ. Tại Maximark và Aeon-Citimart, hàng Thái có mặt ở tất cả các nhóm ngành hàng.

Bà Nguyễn Ánh Hồng - Chủ đầu tư hệ thống siêu thị Maximark cho biết, hàng Thái đều có mặt trong các nhóm ngành hàng tại Maximark, từ thực phẩm, hóa mỹ phẩm, gia dụng... với tỷ trọng lớn so với hàng các nước.

Chủ trương kinh doanh hàng Việt nhưng tại Co.opmart, Big C, Satra Mart..., tỷ lệ hàng Thái cũng cao hơn rất nhiều so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực.

Ông Hồ Quốc Nguyên - Giám đốc Truyền thông siêu thị Big C, cho biết, hàng Thái đã có trên kệ hàng của Big C từ năm 2009 và hiện chiếm tỷ trọng lớn trong gần 10% hàng ngoại nhập tại Big C.

Hàng Thái tại đây phần nhiều là những mặt hàng gia dụng, như nhựa, thủy tinh... "Siêu thị phải nhập những mặt hàng có chất lượng cao hơn hàng sản xuất trong nước hoặc trong nước chưa sản xuất được để tạo giá trị cộng thêm cho khách hàng", ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Truyền thông Big C, cho biết lý do của sự xuất hiện ngày càng nhiều các mặt hàng Thái tại đây.

>>Big C kích hoạt "cuộc chiến" giá rẻ

Hàng Thái còn được mở rộng bằng chính sự gia nhập thị trường bán lẻ của các nhà đầu tư đến từ Thái. Sự xuất hiện của chuỗi Robins của Tập đoàn Central Group tại Hà Nội và TP.HCM đã cho thấy đều đó.

Ông Tos Chirativat - Tổng giám đốc Central Group, từng cho rằng, với dân số hơn 90 triệu người, trong đó, hơn 60% trong độ tuổi lao động và khả năng chi trả cao, Việt Nam đang trở thành mục tiêu lý tưởng cho các nhà bán lẻ.

Đó chính là lý do khiến nhà đầu tư này không dừng lại ở 2 trung tâm mua sắm mà đặt kế hoạch mở 9 trung tâm tại Việt Nam vào năm 2016.

Trong lĩnh vực kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh - lĩnh vực mà hàng Thái đang chiếm áp đảo, Central Group cũng đã thâu tóm Nguyễn Kim với tỷ lệ 49%. Ngay sau Nguyễn Kim, tập đoàn này cũng đã thâu tóm thành công thương hiệu bán lẻ điện máy Pico.

Nguyễn Kim đã đặt mục tiêu phát triển mạng lưới bán hàng lên 50 điểm vào năm 2019. Pico hiện có 6 siêu thị, với sự đầu tư từ Central Group cũng thực hiện kế hoạch nâng số siêu thị lên hơn 20.

Với hệ thống phân phối phủ rộng của Central Group, hàng nhập từ Thái Lan sẽ càng có nhiều cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

>>Tập đoàn Thái Lan mua 49% cổ phần Điện máy Nguyễn Kim

Sự hiện diện ngày càng tăng của hàng Thái đang là nỗi lo của nhiều DN. Số liệu của Bộ Công Thương công bố năm 2014, cho thấy, trong số các mặt hàng nhập khẩu, hàng xuất xứ từ Thái Lan đứng thứ hai, sau hàng Trung Quốc.

Các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác.

Cao nhất là mặt hàng điện tử, điện lạnh với 70% thị phần hàng nhập khẩu. Trái cây mặc dù là thế mạnh của Việt Nam nhưng hoa quả có xuất xứ từ Thái Lan cũng chiếm đến 40% thị phần trên thị trường.

Không chỉ phủ sóng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng là mục tiêu mà nhà đầu tư Thái đang hướng đến nhằm đưa sản phẩm vào Việt Nam.

Cùng với Central Group, một tập đoàn khác của Thái là BJC đang từng bước mở rộng hoạt động tại Việt Nam mà chiến lược kinh doanh cũng lấy lợi thế từ hàng Thái.

Năm 2013, BJC đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành Bs Mart với tuyên bố chuỗi này sẽ bán 70% hàng Thái. Tại lễ ra mắt thương hiệu hồi giữa năm 2013, Tổng giám đốc Phidsanu Pongwatana tuyên bố, Bs Mart không chỉ tập trung vào cửa hàng tiện lợi mà sẽ mở thêm nhiều siêu thị, đại siêu thị, nhà sách và nhà thuốc.

>>Thương vụ mua lại Metro: BJC đã hết khát?

Và hiện nay, tại hệ thống cửa hàng này, hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan hoặc do các DN Thái sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng số lượng trong cơ cấu hàng hóa bày bán.

3,2 tỷ USD

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2013, Việt Nam đã nhập siêu từ Thái Lan 3,2 tỷ USD hàng hóa. Sáu tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập siêu từ nước này 1,37 tỷ USD.

Nhưng chưa dừng ở kế hoạch kinh doanh 70% hàng Thái tại Bs Mart, nhà đầu tư này còn muốn nhiều hơn thế. Giữa năm 2014, sau một năm mua Family Mart, BJC tiếp tục thâu tóm chuỗi 19 siêu thị Metro tại Việt Nam.

Mặc dù hiện nay, việc chuyển giao giữa hai bên vẫn chưa hoàn tất và cơ cấu hàng hóa vẫn chưa có sự thay đổi nhưng giới phân tích cho rằng, việc mua lại Metro của BJC là bước tạo dựng thương hiệu cho hàng hóa Thái Lan phân phối rộng khắp Đông Dương, sẵn sàng cho quá trình hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) của tập đoàn này.

Phải công nhận rằng, sự "phủ sóng" hàng Thái đang tạo cho người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn, song DN Việt Nam lại đứng trước nguy cơ mất thị phần. Hàng Thái đang đặt ra nhiều thách thức đối với DN trong nước bởi chất lượng khá cao và ổn định, giá lại tương đương hàng Việt.

Hiện tại, thuế suất nhập khẩu vẫn đang áp dụng, nhưng đến cuối năm nay, nhiều mặt hàng của các nước trong khối ASEAN về 0% thì DN không chỉ lo hàng Thái mà phải đề phòng với cả hàng Malaysia, Indonesia...

Đánh giá về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cảnh báo: "Chẳng bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam. Vì vậy, các DN cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống phân phối...".

>>Hàng Thái: Vì sao chọn Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực từ hàng Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO