AEC - Cuộc "đổ bộ" lao động trình độ cao?

NGUYÊN BẢO - QUÝ YÊN| 14/12/2015 01:32

Những nhân sự thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt những cơ hội mới từ AEC

AEC - Cuộc

Báo cáo của ILO và ADB chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%. Tuy nhiên, những nhân sự thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt những cơ hội mới khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Liệu có hay không sự dịch chuyển mạnh mẽ về nhân sự có trình độ và tay nghề cao trong thời gian tới?

Đọc E-paper

Dưới góc nhìn của đơn vị tuyển dụng nhân sự trực tuyến, bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành Anphabe.com bày tỏ quan điểm, thời gian đầu, tác động của việc công nhận lao động lẫn nhau giữa các nước trong cộng đồng ASEAN vẫn chưa tác động đến thị trường lao động rõ rệt. Bởi, đoạn đường đi từ lý thuyết đến ứng dụng vào thực tế luôn có độ trễ nhất định.

Xét ở hai luồng dịch chuyển, luồng thứ nhất, người nước ngoài đến Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn bởi với người nước ngoài, Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về mặt đời sống, văn hóa, ẩm thực, bối cảnh kinh tế còn mới mẻ, nhiều cơ hội, vấn đề là chế độ mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam dành cho họ có đồng bộ được với mặt bằng chế độ của DN các nước.

Có nhiều ngành, nhân sự cấp trung và cao vẫn đang có nhu cầu về nhân lực người nước ngoài, cụ thể như quản lý nhà hàng, khách sạn, những môi trường có tính sáng tạo cao như các công ty quảng cáo, digital marketing....

Trong 5 năm vừa qua, nhu cầu nhân lực cao cấp ở Việt Nam vẫn tăng từ 10% - 20%, gần như gấp đôi, trong khi kinh tế vẫn có những khó khăn nhất định.

Cũng cần lưu ý rằng, trong đơn đặt hàng các đơn vị "săn đầu người" cho những vi trí đặc biệt cao cấp, mỗi năm chỉ có vài vị trí và đối tượng đáp ứng nhu cầu đều có sẵn.

Nghĩa là họ đã và đang sống ở Việt Nam, họ dịch chuyển từ công ty này đến công ty khác chứ không phải là những người đang sống ở nước ngoài, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm ở Việt Nam.

Với những tập đoàn đa quốc gia, ít nhất họ đã có bề dày từ 15 - 20 năm ở Việt Nam thì nhu cầu nhân lực trung và cao cấp lại thiên về đào tạo để bản địa hóa nguồn nhân lực cao cấp. Họ thực hiện chiến lược ấy từ đầu và hiện tại là thời điểm "hái quả”.

Nghĩa là, nguồn nhân lực cao cấp của các tập đoàn thường là người có thời gian gắn bó lâu dài và vươn lên chứ không có nhu cầu tuyển từ bên ngoài vào.

Như vậy, nhu cầu tuyển thêm nhân lực nước ngoài cũng sẽ không có. Tuy nhiên, với những vị trí đặc biệt cao cấp, chưa có thể đào tạo để bản địa hóa ở những ngành đặc thù như ngân hàng, bảo hiểm... thì vẫn phải cần đến người nước ngoài.

Thế nhưng, đối tượng này cũng là thuyên chuyển trong nội bộ tập đoàn. Họ đến Việt Nam cũng với mục đích là chuyển giao để có thể giao cho nhân lực bản địa vị trí đó chứ cũng không phải lâu dài.

Điều này cho thấy, làn sóng dịch chuyển nhân lực nước ngoài vào Việt Nam sẽ khó thể xảy ra, ít nhất là trong vài năm tới.

Ở chiều thứ hai, dịch chuyển từ nhân lực Việt Nam ra các nước, cũng là điều không dễ. Bởi, nhân lực Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn chưa phải là sáng giá.

Chẳng hạn, nếu so sánh với Philippines hay Thái Lan, vốn ngoại ngữ, kỹ năng... nhân lực Việt Nam vẫn chưa bằng nên lựa chọn của các DN các nước vẫn chưa hẳn ưu ái cho người Việt.

Luồng dịch chuyển này cũng sẽ tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Cũng liên quan đến sự dịch chuyển nhân sự trong khối ASEAN khi AEC hình thành, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho rằng, xét về mặt tuyển dụng nhân sự, đây là một cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có sự công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Agreements).

Trong 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận, những lao động được đào tạo và có tay nghề của các ngành này khi được tự do di chuyển để tham gia thị trường lao động trong toàn AEC, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho DN cũng như các cá nhân.

Đối với các DN, đứng trên góc độ cơ hội, họ sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng đối với các nhân sự giỏi không chỉ đến từ trong nước mà còn đến từ các nước ASEAN.

Đối với các cá nhân có trình độ chuyên môn, họ cũng có nhiều sự lựa chọn về việc phát triển nghề nghiệp tại Việt Nam hoặc tại các nước khác trong khu vực, một điều mà trước kia người lao động Việt Nam không có nhiều cơ hội để nghĩ đến.

Tuy nhiên, việc DN có nhiều cơ hội lựa chọn nhân sự phù hợp đối với người nước ngoài ngay tại chính đất nước mình sẽ khiến cho việc tuyển dụng tại thị trường Việt Nam sẽ "bận rộn" hơn, đa dạng hơn và chắc chắn sẽ xuất hiện những yêu cầu tuyển dụng ngày càng chuẩn mực, giúp cho thị trường tuyển dụng trong nước đến gần hơn với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Việc AEC ra đời sẽ thúc đẩy những sự đổi mới trong giáo dục và đào tạo. Đây là một trong những yếu tố sống còn đối với thị trường nhân sự.

Bên cạnh các trường đại học, thì các trường dạy nghề đang đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo lao động có tay nghề cao và tạo ra được nguồn cung chất lượng tốt cho thị trường trong nước và khu vực.

"Cũng cần lưu ý rằng, lao động chân tay ở Việt Nam vẫn rẻ nhất trong khu vực, vậy, lao động dịch chuyển chỉ là lao động tri thức", bà Vân Anh đánh giá. Việc tự do luân chuyển trong 8 ngành nghề trước mắt đòi hỏi những lao động này phải có chứng chỉ hành nghề và được thừa nhận trong khối ASEAN.

Đây là những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao. Ngoài các yếu tố đó ra, các lao động phải đáp ứng về tiếng Anh, ngôn ngữ chính khi sang làm việc tại các nước trong khu vực.

Theo khảo sát của Navigos thực hiện trong năm nay, kỹ năng ngoại ngữ của nhân sự cấp trung người Việt Nam vẫn còn là một rào cản.

Việt Nam và một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore có một số điểm mạnh giống nhau như khả năng học hỏi nhanh, sự chăm chỉ bên cạnh những điểm hạn chế liên quan đến kỹ năng quản lý.

Tuy nhiên, so với 2 nước nói trên, nhân sự Việt Nam lại yếu hơn về ngoại ngữ. Do vậy, việc thành thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh là điều kiện bắt buộc để hòa nhập với các nước trong khu vực.

"Mặc dù kỹ năng chuyên môn của người lao động giỏi nhưng kỹ năng tiếng Anh kém thì không thể cạnh tranh được ngay tại thị trường Việt Nam, chưa nói đến việc luân chuyển giữa các thị trường trong khu vực", bà Vân Anh thẳng thắn.

Mặt khác, về phía đơn vị kinh doanh dịch vụ "săn đầu người", đại diện Navigos cũng nhìn nhận, AEC có hiệu lực sẽ khiến các DN thuộc lĩnh vực này "bận rộn" hơn nhưng thách thức lớn nhất của họ là không chỉ giúp khách hàng tìm được nhân sự phù hợp về chuyên môn, kỹ thuật mà nhân sự đó phải phù hợp về văn hóa DN.

"Đây là một trong những yếu tố quan trọng được các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là khách hàng của chúng tôi yêu cầu. Giờ đây việc phù hợp với văn hóa DN còn phải đi cùng với sự phù hợp về văn hóa của người lao động đối với văn hóa bản địa nữa", bà Vân Anh khẳng định.

>Gia nhập AEC: "Đấu trường" nhân lực

>Lào nỗ lực chuẩn bị cho AEC

> DN lo ngại AEC vì chưa hiểu về hội nhập

>AEC: Những điều cần biết về chuyển dịch lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
AEC - Cuộc "đổ bộ" lao động trình độ cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO