7 giải pháp phát triển cho doanh nghiệp dệt may

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN (HỒNG VINH ghi)| 16/03/2017 01:37

Mỹ rút khỏi TPP, nhiều khả năng hiệp định này không được thông qua. Doanh nghiệp dệt may trong nước có nhiều thời gian để chuẩn bị cho các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết.

7 giải pháp phát triển cho doanh nghiệp dệt may

Dệt may là ngành có nhiều "cái nhất" của Việt Nam: kim ngạch xuất khẩu cao nhất (chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ năm 2015 mới nhường vị trí cho nhóm điện thoại di động và linh kiện), trong đó, 50% xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Dệt may trở thành ngành đứng thứ 2 về tạo nhiều việc làm (2,5 triệu lao động năm 2016), đứng thứ 6 thế giới về kim ngạch xuất khẩu. 

Đọc E-paper

Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu hoạt động ở công đoạn cắt may với giá trị gia tăng thấp. Xuất khẩu qua trung gian các đại diện thương mại, chưa chủ động được nguyên liệu, nhãn hiệu. Đó là chưa nói đến việc nếu TPP được thông qua, thuế xuất khẩu giảm nhưng phải thỏa mãn các điều kiện về xuất xứ nội khối, cam kết về lao động, môi trường, là các điều kiện mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng. Hơn nữa, phần ưu đãi về giảm thuế có khi là cái cớ để các đại diện thương mại ép giá  xuất khẩu.

Mỹ rút khỏi TPP, nhiều khả năng hiệp định này không được thông qua. Như vậy, trước mắt áp lực của doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ ít hơn, có nhiều thời gian để chuẩn bị cho các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã và sắp ký kết.

Trong thời gian đàm phán TPP, nhiều doanh nghiệp từ Hong Kong, Hàn Quốc, Đài Loan đã vào Việt Nam để đón đầu ưu đãi thuế, tránh rào cản về "quy tắc xuất xứ". Do đó, dòng vốn FDI dệt may năm 2015 tăng kỷ lục, chủ yếu từ các nền kinh tế ngoài TPP, ví dụ Texhong Hongkong, Kyungbang Hàn Quốc. Doanh nghiệp FDI núp bóng doanh nghiệp trong nước dưới hình thức sở hữu chéo đang cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Nếu không có TPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ gặp phải thách thức chủ yếu là cạnh tranh với doanh nghiệp FDI đã vào Việt Nam nhằm đón đầu TPP. Tuy nhiên, dòng FDI sẽ tiếp tục vào Việt Nam bất chấp việc có TPP hay không, nhằm tận dụng ưu thế về chi phí sản xuất. Nay không có TPP thì việc cạnh tranh trong xuất khẩu giữa các doanh nghiệp dệt may trở nên gay gắt hơn bởi thị trường hẹp hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn tới một số công đoạn sản xuất bị thay thế bởi máy móc, tức là việc sử dụng lao động ít đi. Như vậy, một số doanh nghiệp FDI có thể đưa nhà máy hay một số công đoạn trở về nước mình sản xuất. Khi đó lao động cũng không còn là lợi thế của Việt Nam.

>>Ngành dệt may không còn lợi thế lao động giá rẻ?

Trước tình hình ấy, theo tôi, doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên thực hiện 7 giải pháp sau:

- Tăng cường phát triển sản xuất, kinh doanh theo phương châm tăng năng suất, chất lượng, cạnh tranh về giá.

- Liên kết giữa các DN để tăng năng lực phòng vệ trước sự cạnh tranh của DN FDI

- Chuẩn bị nhân lực có khả năng hấp thụ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước tự động hoá các công đoạn sản xuất.

- Chuẩn bị tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại mới.

- Lưu ý đến các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương. Bởi vì đây là xu hướng quan hệ quốc tế trong thời gian tới khi chủ nghĩa dân túy lan rộng trên thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 càng thúc đẩy xu hướng này.

- Các hội và hiệp hội doanh nghiệp tích cực kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp để chia sẻ đơn hàng, kết nối doanh nghiệp với nhà tư vấn để phát triển công nghệ, kết nối doanh nghiệp với trường dạy nghề để phát triển nguồn nhân lực.

- Sớm thành lập Trung tâm Thời trang TP.HCM (đã có chủ trương) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành may gia tăng giá trị sản phẩm.

>>Giải pháp nâng lương cho công nhân ngành may

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
7 giải pháp phát triển cho doanh nghiệp dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO