Vốn ngoại ngược dòng

HOÀNG LONG| 18/07/2014 00:14

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) FDI trong giai đoạn 2000 - 2013.

Vốn ngoại ngược dòng

Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) FDI trong giai đoạn 2000 - 2013.

Đọc E-paper

Theo đó, vai trò của các DN thuộc khối này trong sự phát triển kinh tế nói chung tại Việt Nam ngày càng trở nên đáng kể. Năm 2013, DN FDI chiếm tới 45,4% tổng lợi nhuận và 30,5% tổng số nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng có một số điểm đáng quan tâm.

Doanh nghiệp FDI tăng trưởng khá nhanh trong hơn một thập kỷ qua. Theo con số thông kê, tổng số DN FDI đang hoạt động trên toàn quốc tính đến cuối năm 2013 là 9.093, gấp 6 lần năm 2000. Không những vậy, khu vực FDI cũng là khu vực sản xuất, kinh doanh ổn định và hiệu quả nhất.

Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên vốn và trên doanh thu của khu vực FDI năm 2013 lần lượt đạt 7,3% và 7,9% trong khi khu vực DNNN đạt 3,2% và 6%, thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước với 0,8% và 1,2%.

Về ngành sản xuất kinh doanh, nguồn vốn FDI vẫn chủ yếu tập trung vào khu vực công nghiệp và xây dựng. Khu vực này năm 2013 chiếm tới 73% tổng số DN FDI; 55,2% nguồn vốn; 81,5% doanh thu; và 47,9% lợi nhuận. Sau 13 năm đầu tư vào Việt Nam, cơ cấu dòng vốn FDI trở nên cân bằng hơn, và dần dịch chuyển sang dịch vụ.

Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào khu vực này đã tăng từ 31,7% trong năm 2000 lên 44,5% vào năm 2013. Ngược lại, mặc dù Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp, tỷ trọng vốn đầu tư FDI vào sản xuất kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp rất thấp (0,3% trong năm 2013) và có xu hướng giảm dần.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực chốt lời tại một số cố phiếu và tâm lý chờ đợi cơ hội để tích lũy cổ phiếu đã khiến cho Vn -Index giảm điểm nhưng điều này không cản bước dòng vốn FII (đầu tư gián tiếp).

Các nhà đầu tư ngoại mua ròng trở lại ở một số mã cổ phiếu. Vừa qua, điểm nhấn nằm ở cổ phiếu DBC, tại thời điểm đóng cửa cuối tuần trước, cổ phiếu này được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 243,9 ngàn cổ phiếu, tương đương 5,5 tỷ đồng.

Đây là phiên thứ 2 liên tiếp DBC nằm trong top mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chính dẫn đến điều này là do một số thông tin về diễn biến giá đậu nành, một trong những nguyên liệu đầu vào chính yếu trong sản xuất của Dabaco.

Theo quan sát, giá đậu nành từ đầu năm đến nay giảm khá nhiều, gần tương đương với mức giá năm 2010. Thêm vào đó, theo một số nguồn thông tin không chính thức lan truyền trong những ngày gần đây, DBC đã mua được đậu nành với giá rẻ, do đó, biên lợi nhuận kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể.

Một số công ty chứng khoán xác nhận diễn biến giá đậu nành đang ở mức thuận lợi cho các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng không cho rằng thông tin mua được nguyên liệu giá rẻ "đặc biệt" là đáng kỳ vọng. Sự trở lại của khối ngoại cho thấy khối này đang không quan tâm nhiều đến chỉ số chung của thị trường mà tập trung vào giá trị DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn ngoại ngược dòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO