Vay tín chấp không thúc đẩy tăng tín dụng

LAM ANH| 29/10/2014 09:23

Sau khi chủ trương tăng cường vay tín chấp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, các DN nhỏ và vừa, vướng hàng tồn kho, cạn tài sản đảm bảo kỳ vọng rất nhiều vào gói vay này. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong muốn.

Vay tín chấp không thúc đẩy tăng tín dụng

Sau khi chủ trương tăng cường vay tín chấp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, các DN nhỏ và vừa, vướng hàng tồn kho, cạn tài sản đảm bảo kỳ vọng rất nhiều vào gói vay này. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong muốn.

Trên thực tế, NHNN "bật đèn xanh" cho vay tín chấp nhưng cũng yêu cầu các NH phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế gia tăng nợ xấu. Vậy nên, lãnh đạo các NH vẫn giữ vững quan điểm vay tín chấp là hình thức vay vốn dựa trên sự tín nhiệm đối với DN với các khoản vay ngắn bổ sung vốn lưu động.

Lâu nay, các NH chủ yếu tập trung cho vay ở những DN có quan hệ lâu dài hoạt động hiệu quả. Hay nói cách khác, lâu nay NH chủ yếu "nắm người có tóc" nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khi DN không trả được nợ, dù có tài sản thế chấp nhưng thủ tục xử lý tài sản đảm bảo kéo dài nhiều năm.

Vì thế, với việc "nắm người trọc đầu", NH phải cân nhắc và thận trọng hơn rất nhiều. Cụ thể, vài năm gần đây, NH càng hạn chế cho vay tín chấp vì mức độ rủi ro ngày càng cao và cán bộ NH cũng đứng trước áp lực lớn khi những thất thoát trong kinh doanh tiền tệ, không thu hồi được vốn vay đều bị hình sự hóa.

Về nguyên tắc, NHTM có nhiều lý do để siết cho vay tín chấp, nhất là trong thời điểm này. Bởi từ khi áp dụng Thông tư 09, nợ xấu của các NHTM đã tăng mạnh so với trước đó. Theo đó, DN nằm trong diện nợ quá hạn cũng tăng lên.

Nợ quá hạn không trả được, hàng tồn kho cao, không còn tài sản đảm bảo, như vậy thì không có NH nào dám cấp vốn tiếp tục cho DN. Tương tự, nếu NH cho vay tín chấp, rủi ro sẽ rất cao, kéo theo trích lập dự phòng cũng phải cao. Điều này không khả thi khi NH đang chạy đua với lợi nhuận trong hoàn cảnh áp lực trích lập dự phòng các khoản nợ xấu.

Với diễn biến hiện tại, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng, NHNN đưa ra chủ trương nhưng không thể bắt buộc thực hiện vì NHTM chịu trách nhiệm trực tiếp nếu khoản vay biến thành nợ xấu.

Vì vậy, cho vay như thế nào còn tùy thuộc vào việc NHTM xem xét khả năng giám sát dòng tiền DN, xem xét đối tượng vay vốn. Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, thúc đẩy cho vay tín chấp cũng khiến dư luận nghĩ rằng NHNN đang kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra.

Đồng quan điểm, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng, vay tín chấp chủ yếu là bơm vốn lưu động nên cũng chỉ có thể đưa một lượng tiền nhỏ vào sản xuất, kinh doanh, phía NH cũng chọn lọc khắt khe để không làm tăng thêm nợ xấu, nên cũng chỉ đóng góp rất nhỏ cho tăng trưởng tín dụng. Vay tín chấp không thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng như mục tiêu nên các NH cũng không vội vã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vay tín chấp không thúc đẩy tăng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO