Tiền chạy lòng vòng

VŨ HOÀNG (*)| 29/04/2011 09:00

Chỉ số giá tiêu dùng CPI kể từ tháng 10/2010 đều tăng trên 1% so với tháng trước đó và tính đến tháng 4/2011 đã đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Tiền chạy lòng vòng

Chỉ số giá tiêu dùng CPI kể từ tháng 10/2010 đều tăng trên 1% so với tháng trước đó và tính đến tháng 4/2011 đã đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Cụ thể, CPI trong tháng 4 của cả nước là 3,32%. Nếu tính từ đầu năm, CPI đã tăng 9,64%, con số này cũng góp phần đưa lạm phát của 4 tháng đầu năm lên mức xấp xỉ 10%, vượt qua mức Quốc hội cho phép gần 3%.

Theo Quỹ Vietnam Property Fund Limited do Tập đoàn Dragon Capital quản lý, tỷ lệ lạm phát có thể sẽ lên tới mức 20%, trước khi hạ xuống còn 13% vào cuối năm nay.

Lạm phát cao cho thấy chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ chưa phát huy tác dụng.

Nhiều người hy vọng trong tháng cuối của quý II/2011, tác động tăng giá này có thể sẽ được giảm bớt nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 8% được đề ra từ đầu năm có thể khó đạt được.

Có thể thấy, việc Chính phủ tiến hành ra Nghị quyết số 11 để điều chỉnh một số mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2011 với định hướng chống lạm phát bằng các giải pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa là đúng.

Mặc dù vậy, vẫn còn vướng mắc trong khâu thực hiện nên đến nay chưa đem lại hiệu quả nhiều như mọi người mong đợi.

Lấy chuyện quản lý vàng làm một ví dụ. Có thể thấy nội dung quan trọng trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định chính thức về vấn đề này.

Phản ứng của thị trường trong thời gian qua cho thấy, cho dù hoạt động kinh doanh vàng miếng bị điều chỉnh thế nào đi nữa, dòng tiền của người dân sẽ chỉ chuyển từ vàng miếng qua các tài sản khác như vàng nhẫn hoặc tài sản tích trữ khác chứ không chảy vào ngân hàng hay chứng khoán.

Ví dụ khác là về điều hành lãi suất. Hiện tại, lãi suất đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì chính sách tiền tệ thì hướng tới thắt chặt, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại quy định trần lãi suất 14% thông qua Thông tư 02.

Trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát của người dân tăng cao, trần lãi suất này sẽ giới hạn khả năng huy động vốn của ngân hàng và một số ngân hàng đã phải nâng lãi suất không kỳ hạn từ 2 - 4% lên mức 6 - 12%/năm.

Đối diện với thực tế lãi suất tín dụng tăng cao làm tăng gánh nặng nợ nần của phía đi vay, Ngân hàng Nhà nước đang đứng trước áp lực buộc phải sử dụng các biện pháp khác, như siết chặt lượng tín dụng và lượng tiền phát hành.

Rõ ràng, nếu việc cố gắng chặn trần lãi suất huy động kéo dài ở mức quá thấp so với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dự báo lạm phát tăng cao sẽ có khả năng tạo ra một nút thắt đối với việc lưu chuyển dòng tiền tiết kiệm trong nền kinh tế. Lúc đó tiền tiết kiệm không tiếp tục đổ vào ngân hàng mà chạy lòng vòng trong các tài sản tiết kiệm khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền chạy lòng vòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO