TCM hồ hởi chờ TPP

09/10/2013 04:05

Theo báo cáo, kể từ năm 2013, rủi ro "đầu cơ” giá bông đã được hạn chế khi Công ty CP Dệt may Đầu tư -Thương mại Thành Công (TCM) đã điều chỉnh tỷ lệ mua kỳ hạn/giao ngay còn khoảng 20/80 (so với 70/30 trước đó).

TCM hồ hởi chờ TPP

Theo báo cáo, kể từ năm 2013, rủi ro "đầu cơ” giá bông đã được hạn chế khi Công ty CP Dệt may Đầu tư -Thương mại Thành Công (TCM) đã điều chỉnh tỷ lệ mua kỳ hạn/giao ngay còn khoảng 20/80 (so với 70/30 trước đó).

Đọc E-paper

Ngoài ra, Công ty có khả năng sẽ được hưởng lợi lớn từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, cổ phiếu TCM được Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra phân tích và cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu TCM thời điểm này vào khoảng 18.900 đồng (tương đương với giá trị vốn hóa là 928,0 tỷ đồng), cao hơn giá thị trường ngày 30/9 khoảng 17,4% .

Theo đó, kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2013 của TCM khả quan nhờ chi phí đầu vào giảm và hoạt động xuất khẩu cải thiện. Sáu tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 57,7 tỷ đồng, cải thiện nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, khi mà TCM phải ghi nhận lỗ từ mảng kinh doanh sợi do mua nguyên liệu bông trên thị trường giao sau với giá cao.

Từ đầu năm đến nay, giá bông đã giảm đáng kể. Đồng thời, số đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Mỹ sau khi giảm mạnh trong năm 2012 cũng đã lấy lại đà tăng. Lũy kế 8 tháng, tổng doanh thu ước đạt 1.693 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 80 tỷ đồng.

Trong các tháng cuối năm, kết quả kinh doanh của TCM được dự báo tích cực nhờ nhu cầu hàng may mặc tại các nước phương Tây thường tăng trong dịp cuối năm.

Các đơn hàng hiện tại có thể đảm bảo cho TCM ghi nhận khoảng 11-12 triệu USD doanh thu/tháng từ nay đến cuối năm. Ước tính, cả năm doanh thu thuần có thể đạt 2.660,3 tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ước đạt 133,3 tỷ đồng (trong khi năm 2012 bị âm 23,4 tỷ đồng).

Dây chuyền sản xuất khép kín là lợi thế cạnh tranh lớn khi Hiệp định TPP được ký kết. Sau khi Việt Nam tham gia vào TPP, thuế xuất khẩu của 90% mặt hàng dệt may vào thị trường Mỹ sẽ được đưa về 0% từ mức trung bình hiện tại là 17%.

Để được ưu đãi về thuế, phía Mỹ yêu cầu sản phẩm dệt may của Việt Nam phải được sản xuất "từ khâu sợi trở đi" tại các nước TPP. Các thỏa thuận đạt được sẽ bắt đầu hiệu lực từ năm 2015.

Có sẵn dây chuyền sản xuất khép kín, TCM có thể hưởng lợi từ TPP ngay cả khi hiệp định này chỉ được thông qua một phần. Một mặt, TCM có thể được hưởng thuế suất ưu đãi sớm hơn các doanh nghiệp khác, mặt khác, từ nay đến khi TPP có hiệu lực, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chuyển dần đơn hàng sang các đối tác đã được giảm thuế để tiết kiệm chi phí.

TCM kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 25%/năm sau khi TPP được áp dụng. Hiện TCM đang tích cực đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất chuẩn bị cho TPP.

Tháng 6 vừa qua, TCM đã khánh thành nhà máy đan kim mới ở KCN Nhị Xuân, Hóc Môn với vốn đầu tư khoảng 1,6 triệu USD và công suất 1,18 triệu kg vải và 1,26 triệu chiếc bo cổ/năm. Đồng thời, Công ty đang tìm mua một cơ sở may trong nước để nâng công suất khâu may lên 17-20 triệu sản phẩm/năm.

Tuy nhiên, TCM cũng đang có những rủi ro nhất định vì nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất là bông nhập khẩu. Do đó, biến động giá bông trên thế giới và biến động của tỷ giá có tác động đáng kể đến lợi nhuận của Công ty.

(Bài viết do Công ty Chứng khoán Rồng Việt cung cấp, chỉ mang tính tham khảo)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TCM hồ hởi chờ TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO