Nửa là dự báo, nửa là rối ren

QUỲNH CHI| 08/04/2010 07:52

Ngày 30/3, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đề nghị dừng cung cấp thông tin liên quan khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nửa là dự báo, nửa là rối ren

Sau hàng loạt nhận định, dự báo về nền kinh tế Việt Nam, ngày 30/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đề nghị dừng cung cấp thông tin liên quan khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân của vấn đề trên được NHNN lý giải: Để chủ động đối phó với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới Việt Nam, NHNN đã có công văn đề nghị các chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cung cấp các thông tin về diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, kinh tế thế giới đang hồi phục và dần ổn định, vì vậy, NHNN đề nghị các chi nhánh NH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dừng cung cấp thông tin.

Chưa nói đến chuyện việc NHNN ban hành văn bản này đúng hay sai, bản báo cáo nào là "tốt hoặc xấu", hoặc dụng ý đưa ra của các tổ chức tài chính quốc tế là gì..., nhưng phải thừa nhận, các bảng số liệu phân tích và công bố của các tổ chức tài chính quốc tế nhiều lúc không chuẩn xác. Ví dụ bản phân tích của IMF và HSBC đưa ra trong thời gian qua có sự nhầm lẫn trong việc tính toán các chỉ tiêu EPS, P/E. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành nền kinh tế cũng như tâm lý của nhà đầu tư trong nước, mặc dù sau đó đã có số liệu cải chính.

Đơn cử trong báo cáo vừa công bố về tình hình lạm phát Việt Nam, NH Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) cho rằng, trên cơ sở những áp lực lạm phát còn đeo đẳng, HSBC dự báo NH NN sẽ nâng lãi suất cơ bản VND thêm 1% trong một vài tuần sắp tới, từ mức 8% hiện nay. Ngoài ra, HSBC dự báo tỷ lệ lạm phát của Việt Nam sẽ lên tới mức 12% vào cuối quý II năm nay.

Tuy nhiên, thực tế lãi suất cơ bản vẫn được giữ ở mức 8%/năm áp dụng cho đến nay. Hay một số báo cáo về nền kinh tế của Việt Nam khá nặng nề như: Tập đoàn tài chính HSBC Holdings cho biết, chỉ số lạm phát của Việt Nam đã tăng đến mức đáng lo ngại, trong khi các nước Đông Nam Á đang trong tiến trình phục hồi kinh tế; Wellian Wiranto, một tổ chức nghiên cứu kinh tế có trụ sở tại Singapore của tập đoàn tài chánh HSBC, cho biết ,Việt Nam đang tiến dần đến tình trạng lạm phát cao hơn dự đoán của chính phủ...

Ông Nguyễn Sơn, phó trưởng ban phụ trách Ban Phát triển Thị trường Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói rằng, quy trình phân tích, đánh giá cũng như các tham số xác lập mô hình ở mỗi tổ chức đều có sự khác nhau. Về cơ bản, cách tiếp cận dữ liệu của các tổ chức phân tích trong nước thường cập nhật và có độ chính xác cao hơn.

Ngoài ra, các dữ liệu phân tích bổ sung cũng chính xác hơn. Trong khi đó, dữ liệu thu thập của các tổ chức phân tích đầu tư nước ngoài thường chậm và trong một số trường hợp là không chuẩn xác.

Ông Sơn ví dụ: “Như trường hợp bản báo cáo của HSBC đưa ra trước đây chỉ do vài nhân viên từ Hồng Kông tới Việt Nam thu thập trong vòng một tuần tại một số tổ chức nên kết quả sẽ không tránh khỏi những khiếm khuyết về mặt số liệu, tính cập nhật. Chưa nói đến trường hợp có thể nhầm lẫn số liệu trong quá trình tính toán. Trường hợp báo cáo của Merill Lynch cũng có những điểm tương đối khác biệt với đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế khác”.

Nhìn chung, các bản phân tích đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những bức tranh đa dạng, nhiều chiều về nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, chỉ nên nghiên cứu mang tính tham khảo và so sánh với tình hình thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nửa là dự báo, nửa là rối ren
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO