Nhập khẩu nghịch lý

DNSG| 21/08/2010 09:31

Nhìn chung kinh tế Việt Nam bảy tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực.

Nhập khẩu nghịch lý

Nhìn chung kinh tế Việt Nam bảy tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhập siêu ước khoảng 7,4 tỷ USD, bằng 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bảy tháng đầu năm 2010 tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2009... Các con số này cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát đang có dấu hiệu khả quan. Song, mọi việc cũng mới chỉ dừng lại ở mức gọi là “khả quan” mà thôi.

Vì theo một số nhà phân tích, khi nào cơ cấu nền kinh tế chưa hợp lý, trong khi thu nhập người dân ngày một tăng, tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu nhập khẩu ngày một lớn. Đó là chưa kể nạn nhập khẩu vô tội vạ khiến cho nền kinh tế mãi ở trong tình trạng “thấp thỏm”.

Tại hội thảo "Phục hồi kinh tế thế giới và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam" mới được tổ chức gần đây, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, chỉ ra hàng loạt nghịch lý trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.

Những nghịch lý này cho thấy, dù hội nhập kinh tế thế giới đã ba năm nhưng kinh tế Việt Nam không tăng trưởng bền vững và ngày càng thụt lùi so với nhiều nền kinh tế khác được bộc lộ ra ngoài bằng hàng loạt nghịch lý khác nhau: vốn FDI đổ vào nhiều, cơ hội thị trường lớn, thương mại đều tăng nhưng tăng trưởng lại giảm tốc, lạm phát tăng lên và bất ổn vĩ mô trở nên nghiêm trọng hơn; kích cầu lớn nhưng lạm phát lại giảm; tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều nước nhưng tụt hậu thì ngày càng xa hơn, kể cả tụt hậu về thu nhập trên đầu người...

Riêng về lạm phát, năm nay các nhà kinh tế dự báo là lạm phát có thể tăng mạnh, nhưng nó lại ghìm lại. Theo TS. Trần Đình Thiên, chúng ta quan tâm đến lạm phát ở góc độ sai lệch là giá đầu ra hay là CPI, mà quên mất một loại giá cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế là giá vốn, giá đầu vào. Sự quan tâm lệch lạc như thế dẫn đến ảo tưởng về thành tích và sự ổn định.

Không nói đến những mặt hàng xa xỉ phẩm mà báo đài đã đăng tải trong nhiều năm qua, chỉ nói thời gian gần đây, dư luận đang rộ lên về vụ Công ty CP Nhập khẩu thủy sản Cần Thơ được phép của Cục Nuôi trồng thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nhập 40 tấn (khoảng 24.000 con) rùa tai đỏ, khiến dư luận phải giật mình về rủi ro khi loài rùa rất có hại cho môi trường này bùng phát ở Việt Nam.

Hay nói về chuyện nhập khẩu thép. Do nôn nóng thu hút đầu tư, nhiều địa phương vẫn cấp phép cho nhiều dự án sản suất thép, dẫn đến nguy cơ phá vỡ cơ cấu ngành thép. Có thể nói việc các dự án thép ồ ạt ra đời không chỉ phá vỡ quy hoạch, mà còn dẫn đến dư thừa công suất; tài nguyên bị khai thác bừa bãi và làm mất cân đối cung cấp điện. Trong khi đó, người người nhà nhà vẫn phải đổ ngoại tệ để nhập khẩu thép, tỷ giá vẫn cứ có đà để “nhảy múa”.

Có thể nói, những ví dụ đơn giản trên chỉ mới đề cập đến cơ cấu một ngành điển hình, còn nếu nói đến quy mô của cả nền kinh tế thì thấy năng lực sản xuất trong nước còn nhiều bất cập. Bởi không chỉ các mặt hàng tiêu dùng như ô tô, điện tử, hàng nội thất, điện thoại di động, mỹ phẩm... cho đến lúa, gạo, hoa quả, thậm chí đôi đũa tre, cái tăm tre cũng nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan.

Đáng nói hơn dù là một nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam lại phải nhập khẩu cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa!

Có thể thấy, từ việc nhập khẩu “vô tội vạ” đã dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại triền miên. Hậu quả là sau khi gia nhập WTO, thâm hụt thương mại càng bùng lên dữ dội. Hiện nay, 90% thâm hụt thương mại của Việt Nam là với Trung Quốc.

Mà lệ thuộc thương mại vào một nước là vấn đề đáng quan tâm. Nói những chuyện nhập khẩu ấy, không đơn thuần là đưa ra những con số làm ví dụ, để cảnh báo một tai họa hiện hữu, mà sâu xa hơn, làm sao nhìn cho được cái tâm, cái tầm của người làm công tác quản lý.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu các doanh nghiệp vẫn còn quá đơn lẻ, thiếu tính gắn kết giữa các doanh nghiệp và gắn kết ngành. Một khi nhu cầu của ngành nào không được đáp ứng bằng nguồn nguyên liệu đầu vào trong nước thì sẽ sinh ra nhu cầu nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhập khẩu nghịch lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO