Không nên đánh đồng các DN niêm yết lỗ khủng

HẢI VÂN thực hiện| 07/09/2016 01:15

Không nên đánh đồng các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đột ngột báo lỗ mới đây đều thiếu công khai, minh bạch.

Không nên đánh đồng các DN niêm yết lỗ khủng

"Vấn đề thiếu công khai, minh bạch thông tin chỉ là một phần và tùy từng trường hợp, không nên đánh đồng các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán đột ngột báo lỗ mới đây đều thiếu công khai, minh bạch hay khả năng quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng kém", chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định. 

Đọc E-paper

* Bất ngờ báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng, một số DN như Gỗ Trường Thành, Thiết bị Y tế Việt Nhật... đã gây sốc cho không ít nhà đầu tư khi cách đây không lâu, chính các DN này thông báo có lãi. Ông nhận định thế nào về tình trạng này?

- DN niêm yết trên sàn phải công bố thông tin là quy định. Nhưng thông tin của DN thường công bố theo quý và đang trong quá trình hoạt động nên cũng có thể xảy ra việc đưa thông tin không chính xác. Cạnh đó, các DN chốt sổ vào cuối năm nếu có báo cáo kiểm toán thì đến cuối năm mới có.

Chuyện lỗ lớn của DN niêm yết có ít nhất 3 trường hợp cần phân biệt rõ:

Một là, số liệu thua lỗ, thậm chí thua lỗ lớn của DN có thể đã kéo dài và xảy ra từ trước đó nhưng bị che giấu.

Hai là, thua lỗ xảy ra trong năm báo cáo, nên đến thời điểm báo cáo cả năm và có kiểm toán mới có con số lỗ đó. Ở đây, kiểm toán đã không làm tốt trách nhiệm, để DN niêm yết qua mặt, che giấu những khoản thua lỗ đấy.

Ba là, liên quan đến cơ quan quản lý, bởi niêm yết trên sàn chứng khoán có trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc buộc DN báo cáo theo định kỳ, đảm bảo chất lượng thông tin và công khai, minh bạch, kèm theo đó là các chế tài nếu DN niêm yết không công khai, minh bạch.

Ngoài ra còn có trường hợp liên quan đến nguyên tắc hạch toán của DN. Lỗ nhưng DN treo lỗ để tính toán bước đi tiếp theo, để có nguồn bù đắp khoản lỗ đó, nhưng đến khi không có nguồn bù đắp thì buộc phải công khai lỗ.

Thực tế lỗ, lãi là bình thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN niêm yết và các nhà đầu tư cần phải làm quen với những báo cáo lỗ kiểu như vậy.

* Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những khoản lỗ khổng lồ này của DN hầu hết đến từ việc bốc hơi hàng tồn kho hoặc do trích lập dự phòng phải thu quá lớn. Theo ông, xác định nguyên nhân như vậy có chính xác không?

- Điều đó có thể xảy ra trong hạch toán của DN. Như đã nói ở trên, nguyên nhân thua lỗ có thể tiềm ẩn từ một vài năm trước nhưng DN vẫn có cách hạch toán và vẫn kỳ vọng sẽ có thay đổi nào đó, thua lỗ đó sẽ không trở thành thua lỗ thật. Thế nhưng thực tế không như vậy.

* Vậy, kiểm toán và các ban kiểm soát công ty thành viên độc lập đóng vai trò gì khi DN niêm yết trong tình trạng thông tin không minh bạch?

- Kiểm soát nội bộ, thậm chí là của cổ đông trong việc kiểm soát HĐQT, cũng như HĐQT quản lý ban điều hành, ban giám đốc... thuộc về vấn đề quản trị DN. Còn cổ đông và những cổ đông sáng lập hay những cổ đông chỉ mua bán trên thị trường mới liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin.

Trường hợp DN cố tình che giấu số liệu thì kiểm toán không dễ phát hiện. Trên thực tế, kiểm toán chỉ kiểm toán sổ sách, họ không theo dõi hoạt động của DN để biết tình trạng lỗ của DN.

Một điểm nữa, trong DN, vai trò của kiểm soát nội bộ khá mờ nhạt và thường phục vụ cho HĐQT.

Ngoài ra, khoản thua lỗ đó có thể đã xuất hiện từ thời gian khá lâu trước đó, nhưng chỉ khi nó bộc lộ thì thị trường mới biết và thông tin đấy mới được công khai.

Cho nên, không hẳn là ngay khi vừa xuất hiện một khoản thua lỗ hoặc một khoản lỗ tiềm năng, DN phải công khai, minh bạch thông tin đó. Bởi vì thông tin đó lại liên quan đến thông tin quản trị, quản lý của DN, mà những thông tin này thì không bắt buộc phải công khai.

* Có quá đáng không nếu nhận định đây là lỗi hệ thống?

- Không có gì gọi là lỗi hệ thống. Hiện tượng này mới xuất hiện ở Việt Nam và quy mô lỗ là khá lớn, tác động lên các nhà đầu tư, nhưng việc này đã xảy ra ở nhiều thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, đây là dịp để củng cố lại các quy định, cách kiểm soát về sự công khai, minh bạch, chất lượng thông tin của DN, kể cả góc độ cơ quan quản lý, cơ quan kiểm toán, công ty niêm yết, hiệp hội các nhà đầu tư tài chính và các nhà đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, khoản thua lỗ đó có nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này lại phụ thuộc khá nhiều vào những biến động kinh tế vĩ mô thời gian vừa qua khiến cho DN có thể hôm nay lãi, nhưng ngày mai lại thua lỗ đậm.

Ví dụ trường hợp biến động giá cao su tác động lên Hoàng Anh Gia Lai. Không ai ngờ được giá cao su lại rớt tới mức đó, trong khi đầu tư cho cao su không phải trồng hôm nay, ngày mai có thu hoạch. Tất cả những biến động như thế thuộc về rủi ro của DN.

Do đó, không nên đánh đồng tất cả các DN đột ngột báo lỗ mới đây đều thiếu công khai, minh bạch hay khả năng quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng kém đối với DN niêm yết.

* Bảo vệ các nhà đầu tư, nước ta có thiếu chế tài xử lý những DN niêm yết không chịu minh bạch thông tin?

- Nước ta có chế tài cho tất cả, về thời hạn báo cáo, ai chịu trách nhiệm về báo cáo tài chính công bố hằng quý. Thậm chí, đơn vị kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu không công bố đúng thời điểm, đúng kỳ hạn hay công bố không đầy đủ hoặc che giấu thông tin... Các quy định trên thị trường là quan trọng nhưng bản thân nhà đầu tư phải lựa chọn DN đầu tư trên thị trường.

Các DN công khai, minh bạch, đặc biệt là không che giấu các khoản lỗ, thậm chí là có lãi, sẽ thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư và ngược lại. Thông thường, rủi ro cao thì khả năng lợi nhuận càng cao. Ở đây, các nhà đầu tư đã "bỏ phiếu" bằng tiền cho niềm tin vào DN. Trong niềm tin đó, một trong những tiêu chí là công khai, minh bạch, chất lượng thông tin của DN niêm yết.

* Cảm ơn ông!

>3 rủi ro lớn trên thị trường chứng khoán

>Quan hệ DN - cổ đông: Vẫn là chuyện minh bạch thông tin

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không nên đánh đồng các DN niêm yết lỗ khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO