"Khối ngoại bán ròng là chốt lời ngắn hạn"

DANH PHÚ thực hiện| 15/08/2014 03:33

Sau 3 tháng mua ròng liên tiếp, trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối lượng bán ròng gần 15 triệu đơn vị tương ứng 127 tỷ đồng.

Sau 3 tháng mua ròng liên tiếp, trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khối lượng bán ròng gần 15 triệu đơn vị tương ứng 127 tỷ đồng. Xu hướng này gây ra lo ngại về khả năng dòng tiền bắt đầu bị rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, ông Andy Ho cho rằng, dù xu hướng này tiếp diễn trong tháng 8, 9 thì cũng chỉ là hoạt động chốt lời.

Đọc E-paper

* Ông có nhận định gì về việc chuyển hướng bán ròng của khối ngoại trong tháng 7 vừa qua?

- Chúng tôi theo dõi việc mua bán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường và thấy rằng giá trị bán ròng trong tháng 7 chủ yếu là do ảnh hưởng của cổ phiếu VIC. Cụ thể, trong tháng 7, chỉ riêng cổ phiếu VIC bị bán ròng lên đến 756 tỷ đồng, trong đó, phiên 30/7/2014 khối ngoại đã thực hiện một lệnh giao dịch thỏa thuận bán VIC với khối lượng lớn, giá trị bán ròng tại ngày này lên đến 475 tỷ đồng.

Như vậy, nếu loại bỏ tác động đơn lẻ của cổ phiếu VIC, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trong tháng 7/2014. Do đó, đừng quá lo ngại về động thái bán ròng trên.

* Tuy nhiên, một số nhà đầu tư trong nước cho rằng đây là dấu hiệu khối ngoại bắt đầu rút dần. Và liệu đây có phải là sự lặp lại xu hướng bán ròng trong những tháng giữa năm của khối ngoại?

- Như đã nói ở trên, nếu loại bỏ ảnh hưởng của VIC, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trong tháng 7, do đó không phải quá lo ngại về việc này.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong 7 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng khi VN-Index tăng 18,1%, đặc biệt chỉ số này tăng rất mạnh trong tháng 6 và 7 (VN-Index đóng cửa cuối tăng 7 tăng 6,1% so với cuối tháng 5) khi đón nhận thông tin tốt về kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trong tháng 8 và 9 thì đơn thuần chỉ là động thái chốt lời trong ngắn hạn. Chúng tôi không nghĩ có việc nhà đầu tư nước ngoài rút tiền ra khỏi thị trường Việt Nam.

* Ông có thể đưa ra các dự báo ngắn hạn trong thời gian tới?

- Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài với các yếu tố hỗ trợ sau: P/E Việt Nam (14.7x) vẫn còn thấp so với trung bình P/E một số nước trong khu vực (17.x); tăng trưởng lợi nhuận trong năm tới vẫn trên 2 con số; các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tăng điểm trong thời gian tới.

* Nhà đầu tư đang trông chờ những thay đổi gì nhất trên thị trường?

- Mong chờ thay đổi thì rất nhiều. Về mặt sản phẩm, chúng ta thấy rằng sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn ít, không muốn nói là thiếu. Ngoài việc lựa chọn đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu, lựa chọn tiếp theo của họ chỉ có thể là đầu tư vào quỹ mở.

* Vậy họ đánh giá ra sao về việc đầu tư vào cổ phần khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi đã cổ phần hóa?

- Thị trường các công ty niêm yết và thị trường OTC Việt Nam mang đến những cơ hội đầu tư rất tốt. Tuy nhiên, những cơ hội này bị hạn chế bởi giới hạn sở hữu nước ngoài chỉ ở mức 49% tại các doanh nghiệp niêm yết (30% đối với ngân hàng). Và việc cổ phần hóa DNNN chính là đích nhắm tiếp theo của khối ngoại.

Hiện nay, các thị trường vốn của Việt Nam đang tăng trưởng. Nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến Việt Nam ở mức cao nhất trong những năm qua. Điều này đưa đến một cơ hội không thể bỏ lỡ để Việt Nam tiến hành cổ phần hóa khối DNNN vốn đã bị trì trệ bắt đầu từ những năm 2007 - 2008 vì thị trường sụt giảm mạnh.

* Nhận định của ông về khả năng thực hiện lộ trình cổ phần hóa DNNN trong hai năm 2014 - 2015?

- Cam kết cổ phần hóa 432 DNNN trong 2 năm 2014 - 2015, so với chỉ 180 DN được cổ phần hóa trong 3 năm từ 2011 đến 2013, là một chương trình đầy tham vọng nhưng thực tế. Quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam đã đạt được một bước tiến đáng kể. Cho đến nay, hơn 4.000 DNNN đã được cổ phần hóa, sáp nhập hoặc tái cấu trúc.

Lộ trình mà Chính phủ vạch ra trong Nghị quyết 15 là minh bạch và khả thi. Bối cảnh thị trường bên ngoài cũng như các đặc điểm cấu trúc nội tại của chương trình cải tổ 2014 - 2015 hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình này. Dù vậy, chương trình cũng đòi hỏi sự quyết tâm và quyết đoán cao giữa các bộ, các ban ngành để có thể thực hiện thành công.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Khối ngoại bán ròng là chốt lời ngắn hạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO