Hiểu đúng về Bitcoin

Lê Duy| 08/12/2017 03:33

Chỉ riêng năm 2017, giá bitcoin đã tăng hơn 10 lần. Bitcoin có được giá cả như hôm nay là do nhận được sự săn đón nồng nhiệt từ phía các nhà đầu tư, vì họ vốn xem loại tiền mã hóa này như một phương thức thanh toán và lưu trữ giá trị trong tương lai.

Hiểu đúng về Bitcoin

Tăng trưởng nhờ "niềm tin"

Nhiều chuyên gia, trong đó có Jamie Dimon - CEO của JPMorgan - đã so sánh hiện tượng Bitcoin với bong bóng kinh tế đầu tiên được ghi lại trong lịch sử, vốn được gọi bằng cái tên mỹ miều là "Bong bóng uất kim hương" hay "Hội chứng củ tulip".

Vụ đầu cơ này diễn ra tại Hà Lan vào thế kỷ XVII và khi ấy, cơn sốt tulip lên tới đỉnh điểm đã đẩy giá bán của củ tulip đến mức chóng mặt. Ước tính, một số củ tulip hiếm nhất được bán với giá tương đương 100.000 USD hiện nay, gấp 10 lần thu nhập cả năm của một thợ thủ công lành nghề. Tuy nhiên, sau ít lâu, giá tulip đã lao dốc không phanh, chỉ còn 1% so với ban đầu và thậm chí có lúc còn ít hơn thế. Lợi nhuận ảo trên giấy tờ bị xóa sạch và "Hội chứng củ tulip" cũng kết thúc nhanh như cách mà nó bắt đầu.

Link bài viết

Và, với việc giá Bitcoin vượt mức 15.000 USD vào hôm 7/12, Stephen Roach - chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley - đã lên tiếng cảnh báo rằng loại tiền mã hóa này là một "bong bóng kinh tế nguy hiểm". Vốn được xem như một trong những chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng hàng đầu tại Phố Wall, Stephen Roach đã bày tỏ nhận định gay gắt về Bitcoin: "Đây là bong bóng đầu cơ nguy hiểm nhất mà con người có thể tưởng tượng ra được".

Ông nói: "Trong đời tôi chưa bao giờ thấy một loại cổ phiếu nào có đà tăng giá thẳng đứng cả. Và, Bitcoin là cái "thẳng" nhất mà tôi được thấy trong hơn 30 năm sự nghiệp của mình". Vị chuyên gia này cũng cho biết việc hợp thức hóa giao dịch Bitcoin cũng "gây nguy hiểm" cho nhà đầu tư, bởi vì "nội hàm kinh tế của Bitcoin chỉ là con số 0 tròn trĩnh".

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng thú nhận rằng bản thân không có hiểu biết rõ ràng về Bitcoin hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) đằng sau nó. Họ chỉ đơn giản đặt "niềm tin" vào Bitcoin, dưới tư cách một món đầu tư, sẽ tiếp tục sinh lời. Stephen Roach kết luận: "Như mọi bong bóng kinh tế khác, Bitcoin rồi sẽ nổ tung. Và một khi nó phát nổ, người đầu tư cuối cùng sẽ là nạn nhân hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đây là điều không cần bàn cãi".

Kết quả của một logic... không logic

Theo phân tích của các nhà đầu tư kỳ cựu thì Bitcoin - vốn tương đương với 0 USD mà lại đang được định giá hơn 15.000 USD/đồng - bị coi là một "bong bóng kinh tế" chắc không "oan". Đồng ý với nhận định ấy của nhiều nhà đầu tư - về mặt kỹ thuật, Bitcoin là một bong bóng kinh tế, Stephan Goss - CEO Zeeto, một công ty khai thác dữ liệu trụ sở ở Hoa Kỳ còn khẳng định rằng, "nó được xây dựng dựa trên một logic không logic".

Trên Fortune, Stephan có bài phân tích sâu cho quan điểm của mình: Nhìn chung, có thể xem Bitcoin là một loại hàng hóa sở hữu nguồn cung giới hạn, vì theo giao thức của loại tiền mã hóa này thì chỉ có thể tồn tại tối đa 21 triệu đồng Bitcoin. Và, với việc Bitcoin dần trở thành cái tên thương hiệu, nhu cầu sở hữu nó cũng vì thế mà gia tăng, dẫn đến việc giá thành của nó leo thang như hiện nay. Nói cách khác, giá của Bitcoin được quyết định bởi mức nhu cầu sở hữu với một mặt hàng khan hiếm.

Thế nên, ta không thể có sự đánh giá chính xác về Bitcoin nếu như đem so sánh nó với các loại tài sản truyền thống, vốn được biểu hiện bởi tiền tệ như đồng USD. Các loại hình tiền tệ được chính phủ một nước công nhận có giá trị về mặt tài sản và bị ảnh hưởng bởi sức mạnh kinh tế của quốc gia đó. Nếu nước đó tăng trưởng mạnh về kinh tế, đồng tiền của nó sẽ có giá hơn. Còn nếu quốc gia phát triển kém, đồng tiền sẽ xuống giá. Đối với Bitcoin, vì chẳng có nền kinh tế hay giá trị thực nào đằng sau cả, nên không thể nào so sánh nó với các loại tiền chính thống khác.

Thay vào đó, hãy so Bitcoin với thị trường mua bán tranh. Giống như Bitcoin, một bức tranh cổ hay do một danh họa nổi tiếng vẽ nên, không có giá trị tự thân. Thế nhưng, nó lại là một mặt hàng khan hiếm. Khi đơn vị bán đấu giá định giá một bức tranh của Picasso, người ta sẽ không tính đến các giá trị tự thân của nó như màu vẽ, nước sơn, khung tranh... Thay vào đó, họ sẽ tính xem nhu cầu muốn mua tác phẩm này của Picasso là bao nhiêu. Chính mức nhu cầu này sẽ là yếu tố quyết định xem người ta sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để có được nó. Nếu nhu cầu nhỏ, giá sẽ thấp, còn nếu nhu cầu lớn, giá sẽ tăng.

Link bài viết

Bởi lẽ đó mà các tay đầu cơ thị trường mong muốn kiếm lời rất biết cách tung nhiều chiêu bài quảng cáo, đồn thổi về mức độ nổi tiếng cũng như sự huyền hư của một tác phẩm nghệ thuật để khiến cho càng nhiều người thèm muốn nó càng tốt. Bitcoin cũng là một loại hàng hóa khan hiếm và tiềm ẩn tính đầu cơ cao như vậy. Giá thành của Bitcoin 50 năm sau phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu của những người muốn sở hữu nó. Thế nên, để ước định chính xác rủi ro của Bitcoin, hãy tự trả lời các câu hỏi sau:

  • Các loại hình tiền tệ hay tài sản trong tương lai có được dựa trên công nghệ sử dụng một sổ cái chung tương tự như Bitcoin hay không?
  • Giá trị của tiền tệ trong tương lai sẽ được dựa trên tài sản thực hay trên nhu cầu?

Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy rõ hầu hết các loại tiền mã hóa đều chỉ dựa trên nhu cầu. Và rất khó để có thể phát hành một loại tiền tệ dựa trên tài sản, vì nó đòi hỏi một lượng đầu tư cực kỳ lớn.

Còn nếu bạn cho rằng các loại tiền mã hóa, dù mang tính biến động rất cao, sẽ thống trị tương lai thì điều tiếp theo cần suy nghĩ chính là: Thương hiệu Bitcoin có đủ mạnh để chiếm thế thượng phong như hiện nay không, hay những Ripple, Litecoin hoặc thậm chí là một cái tên hoàn toàn mới sẽ soán ngôi nó?

Xác suất để có nhiều loại tiền mã hóa trong 50 năm tiếp theo là rất thấp, bởi vì chẳng có lý do gì để phát hành nhiều loại cả.

Nói tóm lại, khi bước vào thị trường tiền mã hóa, là bạn đang tham gia một trò chơi dự đoán về nhu cầu. Thành hay bại là cực kỳ mông lung và rõ ràng là chẳng có số liệu nào cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu đúng về Bitcoin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO