Gom cổ phiếu OTC đón sóng niêm yết

THÀNH LONG| 23/11/2016 01:32

Cổ phiếu OTC vốn "ngủ đông" đã lâu bỗng chốc sôi động trở lại, giới đầu tư lại sôi sục săn lùng cổ phiếu OTC, đón chờ một làn sóng mới mang tên sóng niêm yết.

Gom cổ phiếu OTC đón sóng niêm yết

Cổ phiếu OTC vốn "ngủ đông" đã lâu bỗng chốc sôi động trở lại, giới đầu tư lại sôi sục săn lùng cổ phiếu OTC, đón chờ một làn sóng mới mang tên sóng niêm yết. 

Đọc E-paper

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2016. Đây có thể coi là cú hích để doanh nghiệp (DN) nhanh chóng lên sàn niêm yết. 

Tiếp bước Habeco

Ngày 28/10/2016, Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) - DN bia lớn nhất miền Bắc đã tiến hành giao dịch trên sàn Upcom với mã chứng khoán BHN. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của Habeco là 39.000đ/CP, nhịp tăng giá bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên giao dịch với tình trạng "cháy hàng".

BHN kéo dài nhịp tăng đến 166.400đ/CP trong chưa đầy 10 phiên giao dịch. Mặc dù tăng giá gấp nhiều lần nhưng thanh khoản của BHN không cao, tỷ lệ free float chỉ gần 1%, tương đương khoảng 2,7 triệu cổ phiếu. Chỉ 2 tháng trước khi lên sàn Upcom, cổ phiếu BHN trên sàn OTC đã được chào mua khá nhiều quanh mức 50.000 - 60.000đ/CP và tạo nên cơn sốt, tuy nhiên lượng hàng bán ra rất ít và do cầu nhiều cung ít nên giá liên tục tăng từng ngày.

Tiếp bước Habeco là Công ty CP Xây lắp điện 1 (HOSE: PC1) đã niêm yết trên sàn Hose từ 16/11, trong vòng 3 ngày giao dịch, cổ phiếu PC1 đã tăng 36% so với giá tham chiếu. Nhưng với những cổ đông mua cổ phiếu PC1 từ tháng 5 trên sàn OTC quanh mức giá 25.000đ- 30.000đ/CP, nếu tính cả cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng thì đến thời điểm hiện tại, họ đã lãi hơn 80% trong nửa năm đầu tư.

Còn đối với nhà đầu tư tổ chức, tiêu biểu là Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - một quỹ hiện đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Luân Đôn, được quản lý bởi Dragon Capital - sở hữu 11,48 triệu cổ phiếu PC1 với mức giá 33.000đ/CP. Sau 3 ngày giao dịch tăng giá của PC1, tài sản của quỹ này đã tăng thêm 184 tỷ đồng, tương đương hơn 40%. Cổ phiếu đầu tư siêu lãi này đã phần nào lý giải sự hấp dẫn của sàn OTC vốn đã bị bỏ quên từ lâu.

Giá cổ phiếu Petrolimex trên sàn OTC từ 17 - 19/11. Đồ họa: Tiến Đạt. Nguồn: Sanotc.com

Những thủ lĩnh mới

Một loạt các ông lớn trong ngành bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng chuẩn bị gia nhập thị trường, hứa hẹn những cơ hội đầu tư mới, bên cạnh đó thanh khoản sẽ được cải thiện giúp tăng quy mô của thị trường.

Từ những vụ làm ăn lãi hàng chục % trong thời gian ngắn do săn mua cổ phiếu OTC sắp lên sàn, chờ cổ phiếu đó niêm yết rồi bán với giá tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp nhiều lần đã làm nóng sàn OTC hơn bao giờ hết.

Cổ phiếu của Novaland trên sàn OTC cũng sôi động không kém khi công bố kế hoạch niêm yết cổ phần, dự kiến vào tháng 12/2016. Giá của Novaland liên tục tăng và luôn trong tình trạng "cháy hàng", "khan hàng".

Tập đoàn Novaland là đơn vị hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản với nhiều công trình lớn tại TP.HCM. Novaland đặt mục tiêu trở thành DN đầu ngành tại Việt Nam tập trung vào các khu căn hộ cao tầng và điền sản thuộc phân khúc trung, cao cấp.

Trong năm 2015, Novaland đã bán được trên 6.000 căn hộ. Hiện nay vốn điều lệ của Novaland là 5.220 tỷ đồng, sau khi phát hành cổ phiếu, số vốn sẽ tăng lên xấp xỉ 6.000 tỷ đồng với 52,2 triệu cổ phần và cộng thêm số cổ phần ưu đãi chuyển đổi.

Một DN ngành hàng tiêu dùng là đơn vị chủ quản Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (VINASOY), Nhà máy Bánh kẹo Biscafun, Nước khoáng Thạch Bích và Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký chứng khoán phục vụ việc nộp hồ sơ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom với mã chứng khoán QNS.

Tổng cộng tài sản của QNS đến cuối tháng 9/2016 đạt 5.663 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.308 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 1.875 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn dư gần 1.600 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần 288 tỷ đồng. Cổ phiếu QNS đang được săn đón trên sàn OTC với mức giá tăng liên tục từ 85.000 - 90.000đ/CP trong hơn một tháng qua.

Một cổ phiếu khác cũng đang trong tình trạng "cháy hàng" trên thị trường OTC là cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Theo báo cáo kinh doanh 9 tháng năm 2016, tổng tài sản của Tập đoàn hơn 51.000 tỷ đồng, tổng doanh thu của các đơn vị thành viên trên các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm đạt 88.059 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt 4.064 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 60% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của kinh doanh xăng dầu 2.329 tỷ đồng, chiếm 57,3% lợi nhuận trước thuế của cả Tập đoàn. Giá cổ phiếu Petrolimex trên sàn OTC liên tục tăng, tạo nên cơn sốt, nhà đầu tư đã mua được cổ phiếu trên sàn OTC trước đó vài ngày, nếu bán sang tay có thể kiếm lãi 15 - 20%.

Cẩn thận với rủi ro

Đối với những con sóng niêm yết, gom hàng OTC để chờ cổ phiếu lên sàn và bán là cách đầu tư khá hiệu quả, mang lại lợi nhuận ấn tượng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro mà nhà đầu tư cần cân nhắc trước khi nhấc điện thoại và gọi cho môi giới OTC để kiếm hàng.

Rủi ro về giá là rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải, có không ít trường hợp trước khi chào sàn, giá cổ phiếu trên sàn OTC rất cao, nhưng khi niêm yết giá tụt giảm mạnh. Điển hình như cổ phiếu HAD của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương là một ví dụ.

Trước khi niêm yết trên sàn HSX, cổ phiếu HAD được giới đầu tư tìm mua trên sàn OTC quanh mức 70.000 - 75.000đ/CP. Tuy nhiên, sau khi niêm yết đến nay, giá mỗi cổ phiếu này cao nhất là 58.000đ, thấp nhất là 8.300 đ/CP, hiện đang giao dịch quanh mức 44.000đ/CP.

Bên cạnh đó là rủi ro về pháp lý, các thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Nếu nhà đầu tư mua bán cổ phiếu của một công ty sau khi đã chốt danh sách để lưu ký và niêm yết thì công ty đó không được làm thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu. Thay vào đó, thời điểm mua bán trước khi chào sàn phải làm hợp đồng 3 bên: bên mua, bên bán và trung gian là công ty chứng khoán. Điều này cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro trong quá trình mua bán và làm thủ tục.

Như vậy, sàn OTC sau nhiều năm "ngủ đông" đã đến lúc thức giấc. Còn hàng trăm, hàng ngàn DN vẫn đang xếp hàng chờ đợi lên sàn, điều đó cũng có nghĩa là còn rất nhiều cơ hội mang tên cổ phiếu OTC trước con sóng niêm yết. Nhà đầu tư cần cân nhắc, phân tích kỹ cũng như tìm mọi biện pháp giảm thiếu rủi ro trước khi tham gia vào con sóng này.

>Giao dịch đầu cơ ngắn hạn: Cần theo sát dòng tiền

>Kỳ vọng nhóm cổ phiếu bất động sản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gom cổ phiếu OTC đón sóng niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO