Đông Nam Á vẫn là miền đất hứa

PHÚC AN - QUÝ HÒA| 22/09/2012 05:28

Hầu hết các nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng vào những cơ hội và tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại trước những bất ổn chín trị và sự thiếu nhất quán trong chính sách kinh tế của các quốc gia ASEAN.

Đông Nam Á vẫn là miền đất hứa

Nhiều chủ đề “nóng” liên quan đến cơ hội đầu tư hấp dẫn tại Đông Nam Á - khu vực được đánh giá là thị trường mới nổi đầy tiềm năng với các nhà đầu tư tư nhân trên khắp thế giới - đã được đưa ra tại hội thảo “Tăng trưởng bền vững trong thời kỳ kinh tế bất ổn” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Trung tâm Vốn đầu tư tư nhân Thunderbird (TPEC) trực thuộc Trường Quản lý toàn cầu Thunderbird, Mỹ tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 20 và 21/9.

>>Hàng tiêu dùng - ngành hấp dẫn nhất với giới đầu tư

Lạc quan nhưng cần cẩn trọng

Trung tâm Vốn đầu tư tư nhân Thunderbird (TPEC) TPEC là hiệp hội có hơn 40.000 thành viên gồm các công ty quản lý quỹ, tài sản cá nhân, các quỹ hưu trí và quỹ giáo dục..., với tổng vốn quản lý khoảng 50 tỉ USD.

Tham gia diễn đàn lần thứ 3 này có các quan chức Chính phủ, chuyên gia kinh tế, các quỹ đầu tư quốc tế và khu vực và các doanh nghiệp tiềm năng tại Đông Nam Á.

Hầu hết các nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng vào những cơ hội và tiềm năng tại khu vực này nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến lo ngại trước những bất ổn chính trị và sự thiếu nhất quán trong chính sách kinh tế của các quốc gia ASEAN.

Ông Brian T.Neubert, Trưởng ban kinh tế Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM đánh giá, các nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục lạc quan trong vòng 3 đến 5 năm tới và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn quỹ dồi dào này. Myanmar và Campuchia đang nổi lên như là những thị trường mới mẻ nhưng các nhà đầu tư chưa thể kiếm lời ngay trong thời gian ngắn.

Dominic Scriven, CEO và đồng sáng lập Dragon Capital nhận định, trong vài năm qua, Đông Nam Á đã trở thành một “địa chỉ” thu hút các nhà đầu tư tư nhân (Private Equity - PE). Sự hiện diện của các nhà đầu tư tư nhân tại thị trường Indonesia và Phillipines đã bão hòa, ở Việt Nam thì tương đối và các nhà đầu tư đang tập trung tìm kiếm các cơ hội M&A. Đẩy lùi tham nhũng, tăng cường sự minh bạch là mục tiêu mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới.

“Đông Nam Á từng được các nhà đầu tư quốc tế xem như khu vực sản xuất thuê ngoài với nguồn lao động rẻ. Tuy nhiên, trong tương lai, sự phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu từ thị trường nội địa và chắc chắn sẽ lấn át thị trường xuất khẩu“, ông Marcus Yeung - Tổng giám đốc ConceptBank Pte.Ltd, Singapore khẳng định.

Với 20 năm làm việc tại Việt Nam, luật sư Sesto Vecchi từ công ty Russin &Vecchi cho rằng, từ khi chính thức mở cửa cho đến giờ, Việt Nam rất tin tưởng, lạc quan vào tiềm năng của mình và thực sự đã thu hút được đông đảo các nhà đầu tư FDI.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã không còn mấy mặn mà vì môi trường đầu tư khó khăn hơn. Chính phủ Việt Nam đã gỡ bỏ không ít các chính sách khuyến khích đầu tư và điều này có thể khiến Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh so với với các nước láng giềng, vốn đang thay đổi mạnh mẽ.

Những thay đổi trong khu vực, đặc biệt là tại Myanmar đang thu hút một làn sóng đầu tư và biến Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung trở thành một thị trường vốn sôi động.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư cũng đồng tình, các thị trường mới nổi mở ra nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là những rủi ro và thử thách mà trong đó rủi ro lớn nhất chính là... không dự đoán được rủi ro. Sự thay đổi và thiếu nhất quán trong các chính sách khiến các nhà đầu tư rất khó xoay sở.

Các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam nói riêng các quốc gia khác nói chung cần thiết lập một số luật cơ bản, cải thiện luật đầu tư, luật doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề cốt lõi liên quan đến thủ tục hành chính, nhất quán trong cách hiểu luật và thực thi luật ở các cấp khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong quá trình rót vốn, thoái vốn.

Ngoài ra, điều cốt lõi là nghiên cứu kỹ trước khi giao dịch. Nhà đầu tư cũng không khác gì doanh nghiệp, cần hiểu rõ mình đang kinh doanh, mua bán thứ gì, am hiểu thị trường và các luật lệ ảnh hưởng.

Một câu hỏi được đặt ra, là vì sao các nhà đầu tư tư nhân lại chuyển hướng tập trung vào khu vực Châu Á mà không phải là những nơi khác, trong khi nếu so sánh các điều kiện như dân số, thị trường thì có nhiều khu vực khác lớn hơn nhiều trong khi chi phí vốn lại thấp hơn?

Với hầu hết các quỹ đầu tư toàn cầu thì đây không phải là một vấn đề, vì các nhà đầu tư luôn khẳng định sẽ đầu tư ở bất cứ nơi nào có cơ hội. Tuy nhiên, ở thị trường Mỹ, các nhà đầu tư không còn nhiều cơ hội tốt do các công ty đã có điều kiện phát triển tối ưu.

Yếu tố cạnh tranh nằm ở nguồn nhân lực

Ông Christopher Zorbrist - nhà sáng lập và giám đốc SAVVi Investors Forum khẳng định: “Cơ hội mà chúng tôi muốn đầu tư là những doanh nghiệp có ý tưởng mới, chứ không phải là những doanh nghiệp gia công, sao chép những ý tưởng đã có trên thế giới. Chi phí khởi nghiệp thấp, nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi tiếng Anh, thành thạo công nghệ, được đào tạo từ các trường kinh doanh lớn trên thế giới là lợi thế cạnh tranh đặc biệt của Việt Nam”.

Phản biện lại ý kiến cho rằng quy mô các doanh nghiệp và thị trường Việt Nam còn nhỏ bé, chưa phù hợp với sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn, ông Anirban Lahiri cho rằng, quy mô của từng giao dịch tại thị trường Việt Nam hiện tại không lớn, nhưng điều đó không phản ánh quy mô thị trường. Với những đặc điểm riêng của dân số và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để khai thác.

Theo ông Varun Sood, đồng sáng lập và giám đốc điều hành Capvent AG, không giống với xu hướng đầu tư vào công nghệ như ở Mỹ, những lĩnh vực quan trọng nhất để đầu tư ở Việt Nam là những ngành không bị ảnh hưởng bởi chính trị hoặc chính sách vĩ mô như y tế, giáo dục, môi trường.

Những ngành này gắn chặt với nhu cầu của xã hội và tầng lớp trung lưu đang giàu lên, có nhiều nhu cầu hơn, yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là những ngành nghề có giá trị vững bền, không ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế vĩ mô.

Đầu tư để gia tăng giá trị cho doanh nghiệp

Ông Kiên Phạm, Chủ tịch Red Square Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thành công khi đầu tư, đó là chú ý đến các yếu tố con người cũng như văn hóa địa phương, xây dựng mạng lưới quan hệ vững chắc và tập trung chăm sóc khách hàng.

Ông Varun Sood nói thêm, nhà đầu tư không thể chỉ mua bán kiếm lời, trục lợi nhờ thị trường mà không cần làm gì cả. Những nhà quản lý quỹ có khả năng sẽ giúp làm tăng giá trị cho doanh nghiệp.

Một thách thức lớn cho các nhà đầu tư là bộ phận doanh nhân Việt Nam còn chưa có tầm nhìn dài hạn, ít chú ý đến các hoạt động xây dựng thương hiệu, sáng tạo.

Ông Matt Millard nhà tư vấn uy tín trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu kể, có một công ty dệt may thuộc quân đội tìm đến công ty Purple Asia của ông để tư vấn xây dựng thương hiệu. Họ đã có hệ thống nhà máy, cửa hàng nhưng chưa có thương hiệu nổi trội và đang phải chống đỡ với sự cạnh tranh của một thương hiệu nước ngoài. Rốt cuộc, họ không sử dụng dịch vụ mà  ông cung cấp nhưng ông cho rằng đây là một tín hiệu khả quan cho thấy các doanh nghiệp đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu cũng như sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường.

Ông Chris Freud, nhà điều hành Mekong Capital lại cho rằng, quỹ đầu tư của ông thích tìm đến những doanh nghiệp bảo thủ, vì ông có thể tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ hơn, cộng thêm nhiều giá trị mới cho doanh nghiệp đó. Theo kinh nghiệm của Mekong Capital, hầu hết các doanh nghiệp sau khi làm việc các bên tư vấn kỹ thuật, thương hiệu, marketing... đều có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn.

Không ít các doanh nghiệp Việt vẫn xem chi phí đầu tư cho marketing là xa xỉ, nhưng các nhà đầu tư khẳng định, khoản này không phải là chi phí mà khoản đầu tư thích đáng nhằm tăng cường sức mạnh cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đông Nam Á vẫn là miền đất hứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO