Đối tác ngân hàng - một năm nhìn lại

06/01/2014 04:19

Kết thúc năm 2013, các ngân hàng không chỉ tái cơ cấu về nhân sự, hoạt động, nợ xấu… mà còn tái cơ cấu cả cổ đông.

Đối tác ngân hàng - một năm nhìn lại

Kết thúc năm 2013, các ngân hàng không chỉ tái cơ cấu về nhân sự, hoạt động, nợ xấu… mà còn tái cơ cấu cả cổ đông.

Thoái vốn và sáp nhập

EVN vừa giảm sở hữu vốn tại ABBank

Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, hôm 20/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã bán thành công 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho Geleximco để giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ.

Đây là động thái tất yếu của EVN trong một nỗ lực để đến hết năm 2015, tập đoàn này phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực ngoài ngành, tập trung cho hoạt động cốt lõi là sản xuất, kinh doanh điện năng.

Trước đó vài tuần, Vietnam Airlines cũng đã công bố hoàn tất việc bán đấu giá hơn 24 triệu cổ phiếu Techcombank cho 3 nhà đầu tư cá nhân, với mức giá chào bán 10.800 đồng/cổ phiếu. Vietnam Airlines là một trong những cổ đông sáng lập và nắm giữ cổ phần của Techcombank từ lâu và việc bán toàn bộ cổ phiếu lần này cũng nằm trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của “đại gia” hàng không này.

Sau hơn 7 năm đầu tư và là cổ đông ngoại chiến lược của VPBank, OCBC đã bán 85,83 triệu cổ phiếu, xấp xỉ 15% cổ phần của ngân hàng này. Một điểm khá thú vị, VPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên chào bán được cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.

Từ năm 1995, một số quỹ ngoại đã rót vốn vào ngân hàng này và sau này cũng lại rút vốn. Hồi cuối năm 2012, một cổ đông lớn khác của VPBank là Công ty đầu tư Châu Thổ đã bán ra gần 15% cổ phần tại ngân hàng này. Người ta đang chờ đợi các cổ đông mới của VPBank là ai và sẽ góp phần như thế nào để ngân hàng này tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển.

Cũng thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không phải do chuyển nhượng là trường hợp của PVcomBank. Ngân hàng này là kết quả của việc hợp nhất Ngân hàng Phương Tây (WTB) và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC).

Những người nắm giữ cổ phiếu của PVFC hoặc WTB sẽ được đổi sang cổ phiếu PVcomBank với tỷ lệ 1:1. Phương thức thay đổi sở hữu, rồi thay tên đổi họ còn có trường hợp của TrustBank, với tên mới là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam...

Những tưởng câu chuyện chuyển nhượng như trên chỉ sôi động ngoài sàn, nhưng thực tế ngược lại. Các ngân hàng niêm yết cũng đang có những chuyển dịch mạnh về người nắm giữ cổ phiếu, người điều hành. Vài tháng trước, khi được hỏi về việc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, người phụ trách đầu tư của một công ty quản lý quỹ hàng đầu chia sẻ, quỹ của anh vẫn mua “lai rai” những mã như VCB hay MBB, nếu có “giá tốt”.

Chia sẻ có phần úp mở này cũng phần nào chứng minh thông qua giao dịch tại những cổ phiếu ngân hàng lớn đang niêm yết như VCB, CTG, MBB… Mặc dù năm 2013 không phải là năm của cổ phiếu ngân hàng, các mã này cũng không tăng giá mạnh, nhưng lực mua từ khối ngoại vẫn được duy trì. Các ngân hàng này nhìn chung đã có cơ cấu cổ đông ổn định và việc cần làm bây giờ là phát huy những lợi thế sẵn có của mình.

Kỳ vọng dài hạn trong năm mới

Tính đến thời điểm hiện tại, ai cũng thấy đây là khoảng thời gian mà ngành Ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Từ lợi nhuận suy giảm đến nợ xấu còn cao, rồi cả nhiệm vụ tái cơ cấu còn nhiều việc phải làm. Nhưng về mặt dài hạn mà nói, đây cũng là thời điểm “đáy” khó khăn của các ngân hàng.

Nếu qua giai đoạn hoàn thành việc tái cơ cấu thì sự phát triển sau đó của các ngân hàng là điều có thể được kỳ vọng. Chính vì điều này, các đại gia “mạnh gạo, bạo tiền” cho rằng, nếu đổ vốn vào cổ phiếu ngân hàng sẽ là khoản đầu tư mang tính chất dài hạn.

Năm 2014 này, nếu BIDV (BID) lên sàn, nhiều khả năng đây cũng sẽ là cổ phiếu được nhiều người săn đón với vốn điều lệ vào loại lớn, tới 28.112 tỷ đồng. Các quỹ ngoại, nhất là các quỹ có chủ trương đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, có giá trị vốn hóa lớn, sẽ để mắt đến BID.

Nhưng BID chưa có đối tác chiến lược nước ngoài nên nếu ngân hàng chủ trương chào bán cũng sẽ là câu chuyện thu hút thị trường. Ngoài ra, vẫn còn đó những thông tin, phỏng đoán về việc ngân hàng này, ngân hàng kia cũng sẽ bán cổ phần cho đối tác, có thể là đối tác ngoại để thực hiện tái cơ cấu.

Một năm nhìn lại, có thể thấy rõ một điều, nếu muốn gia tăng sức cạnh tranh của mình, ngân hàng sẽ phải bổ sung về công nghệ, nghiệp vụ, hệ thống quản trị rủi ro chứ không chỉ có nguồn vốn.

Như vậy, đối tác mua cổ phần của ngân hàng ở vị thế lý tưởng sẽ phải là những ngân hàng có tiếng trên thế giới, tham gia nắm giữ dài hạn. Về mặt này, tìm được đúng đối tượng không dễ, việc đối tác ngoại tham gia trực tiếp vào hoạt động, hỗ trợ ngân hàng để xoay chuyển tình thế cũng mất nhiều thời gian.

Vậy nên, trong năm 2014 này, khả năng sẽ có ngân hàng tiếp tục thay đổi cơ cấu cổ đông nhưng cũng sẽ chừng mực, theo hướng tập trung vào thực chất.

Một giả thiết cũng nên suy nghĩ, trong một số thương vụ thay đổi sở hữu, có trường hợp bên mua chưa được công bố rõ ràng, người ta đặt câu hỏi rằng phải chăng bên mua muốn “làm nhiều hơn nói”. Tức là, chỉ tập trung vào hoạt động, khi ngân hàng chưa phát triển mạnh thì chưa muốn lộ diện.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, phải chăng đây chỉ là một thương vụ đầu tư đơn thuần. Tức là, đã mua được cổ phần ngân hàng với giá rẻ, nhà đầu tư có thể tham gia tái cấu trúc nhưng không nắm giữ dài hạn, hoặc chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính. Mục tiêu cuối cùng của những cổ đông này là bán ra khi được giá. Sự thể thế nào, có lẽ thị trường phải chờ đợi thêm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đối tác ngân hàng - một năm nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO