Doanh nghiệp lỗ: Cổ phiếu nên tránh xa?

Khánh Phương| 01/11/2019 08:13

Thời gian công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III đã sắp hết, trong đó những doanh nghiệp (DN) lỗ khủng dần hé lộ và những biến động của giá cổ phiếu có thể khiến nhiều người bất ngờ...

Doanh nghiệp lỗ: Cổ phiếu nên tránh xa?

Lỗ và biến động giá cổ phiếu

Tính đến ngày 25/10/2019, đã có xấp xỉ 450 DN thuộc sàn HOSE và HNX công bố báo cáo tài chính quý III/2019, trong đó có 57 DN, tương ứng gần 13%, báo lỗ với tổng giá trị lỗ gần 660 tỷ đồng. Đáng lưu ý là có những DN tiếp tục báo lỗ lớn, ăn luôn cả vào vốn chủ sở hữu.

Dẫn đầu danh sách lỗ là Công ty CP Hùng Vương (HOSE: HVG), với mức lỗ gần 129 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 30 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2018. Theo giải trình từ HVG, doanh thu bị giảm mạnh do công ty đã thoái vốn khỏi Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, cắt giảm mảng kinh doanh nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh kéo theo giá xuất khẩu giảm sâu. 

Tuy nhiên, giá cổ phiếu HVG lại có những biến động đầy bất ngờ khi có 4 phiên tăng trần trong số 5 phiên giao dịch trong tuần vừa qua. Tính từ ngày 15-25/10/2019, giá cổ phiếu HVG đã có 8 phiên đi lên liên tiếp, từ mức 2.720đ/CP lên 3.900đ/CP, tương ứng mức tăng 43%. Nguyên nhân được cho là từ thông tin Mỹ giảm thuế bán phá giá cá tra Việt Nam về 0%, nên những DN có thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ lớn như HVG được cho sẽ hưởng lợi.

Xếp thứ hai trong danh sách lỗ cao nhất quý III là Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) với mức lỗ 120 tỷ đồng, chủ yếu do phải trích lập dự phòng một số khoản liên quan đến chuyển nhượng vốn đầu tư tại ScaleLab LLC, với số tiền là 2,4 triệu USD riêng trong quý III, tương đương 20% giá trị của khoản phải thu này tại ngày 30/9/2019. 

Theo đó, giá trị dự phòng phải thu đối với ScaleLab LLC của YEG tăng lên mức gần 139 tỷ đồng, tương đương 47% giá trị khoản phải thu là 293,6 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp Yeah1 báo lỗ hơn trăm tỷ đồng. Lũy kế sau 9 tháng năm 2019, Yeah1 lỗ hơn 230 tỷ đồng. Việc liên tục thua lỗ vừa qua của công ty này xuất phát từ việc YouTube đã chấm dứt hợp tác với công ty từ tháng 3/2019, sau khi phát hiện có những vi phạm về chính sách từ các công ty con của Yeah1.

Không được như HVG, cổ phiếu YEG đã ngay lập tức giảm sàn sau khi công bố BCTC quý III, và đã rớt hơn 8% chỉ trong 4 phiên của tuần vừa qua. Còn nếu tính từ đỉnh cao vào đầu tháng 3, giá cổ phiếu YEG đã bốc hơi hơn 77% giá trị chỉ trong gần 8 tháng.

Lỗ ăn luôn vào vốn

Công ty CP Thép DANA - Ý (HNX: DNY) tiếp tục lỗ lớn trong quý III, với mức lỗ 90 tỷ đồng, đánh dấu 4 quý liên tiếp lỗ. Nguyên nhân là DNY đã phải dừng sản xuất, kinh doanh 12 tháng liên quan đến sự cố môi trường. Đáng lưu ý là lỗ lũy kế của DNY đến ngày 30/9/2019 đã gần 279 tỷ đồng, chính thức vượt vốn điều lệ thực góp 270 tỷ đồng. Nếu tình hình này duy trì cho đến hết năm 2019, DNY sẽ buộc phải hủy niêm yết theo quy định.

Trước đó, vào tháng 8, cổ phiếu DNY bị đưa vào diện kiểm soát theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) do Công ty bị ngừng hoạt động trên 9 tháng, theo đó cổ phiếu chỉ được giao dịch trong phiên thứ 6 hằng tuần. Hiện, giá cổ phiếu DNY chỉ còn quanh 3.000đ/CP.

Một DN khác trong ngành thép là Công ty CP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) cũng báo lỗ hơn 75 tỷ, đánh dấu quý thứ 6 lỗ liên tiếp và nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên hơn 141 tỷ đồng, vượt xa số lỗ theo kế hoạch đặt ra cho năm nay ở mức 92,5 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2018, VIS lỗ hơn 326 tỷ đồng, theo đó lỗ lũy kế tính đến ngày 30/9/2019 là hơn 467 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu giảm chỉ còn 576 tỷ đồng. 

Cổ phiếu của VIS đã bị đưa vào diện cảnh báo từ giữa tháng 3 năm nay do lỗ lớn trong năm 2018. Điều ngạc nhiên là cổ phiếu VIS vẫn giữ ổn định trong những phiên gần đây quanh mốc 27.000đ/CP. Nếu so với mức đáy quanh 12.000đ/CP vào cuối tháng 7 năm nay, giá cổ phiếu VIS thậm chí đã đi lên trong gần 3 tháng qua.

Một DN khác có lỗ lũy kế ăn luôn cả vốn là Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UPCoM: DHB), với mức lỗ hơn 200 tỷ đồng, trong đó lỗ của cổ đông công ty mẹ là 199,7 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ của quý III/2018. Đáng chú ý, với số lỗ hơn 420 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019, DHB đã nâng tổng lỗ lũy kế lên 3.077 tỷ đồng. Đồng thời, vốn chủ sở hữu âm gần 310 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 2.722 tỷ đồng.

Một số DN khác cũng công bố lỗ trong quý III khiến giá cổ phiếu có diễn biến không mấy tích cực, như Công ty CP Chứng khoán Phố Wall, Công ty CP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí, Công ty CP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương, Công ty CP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc, Công ty CP Kinh doanh khí Miền Bắc...

Trong danh sách lỗ này cũng có một tên tuổi khó lường gần đây là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM), cổ phiếu đã giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9. Mới đây FTM cũng báo lỗ thêm 12,3 tỷ đồng trong quý III, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 43,3 tỷ đồng. Giá cổ phiếu FTM ngược lại biến động khó lường trong những phiên vừa qua, khi tăng trần rồi giảm sàn liên tiếp, khiến không ít nhà đầu tư trở tay không kịp.

Có thể thấy giá cổ phiếu của các DN báo lỗ không phải lúc nào cũng cắm đầu đi xuống, khi có thể có những thông tin khác hỗ trợ, hoặc dù vẫn lỗ nhưng trong cơ cấu tài chính có những sự cải thiện nhất định theo hướng tích cực. Dù vậy, việc lướt sóng ở những cổ phiếu thua lỗ có tính đầu cơ này luôn mang lại những rủi ro khó lường, nhất là đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ có những hạn chế nhất định trong việc phân tích, đánh giá và tiếp cận thông tin hoạt động của DN. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lỗ: Cổ phiếu nên tránh xa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO