DN tăng vốn: Áp lực từ khối ngoại

LỮ Ý NHI| 23/11/2015 06:25

Tăng vốn là giải pháp “đi tắt” để các DN tăng thêm nội lực. Tuy nhiên, với các DN lớn, có thương hiệu lợi nhuận cao, tăng vốn còn vướng nhiều băn khoăn, nhất là lựa chọn vốn ngoại hay vốn nội?

DN tăng vốn: Áp lực từ khối ngoại

Tăng vốn là giải pháp “đi tắt” để các các doanh nghiệp (DN) tăng thêm nội lực. Tuy nhiên, với các DN lớn, có thương hiệu lợi nhuận cao, tăng vốn còn vướng nhiều băn khoăn, nhất là lựa chọn vốn ngoại hay vốn nội?

Đọc E-paper

HĐQT Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây đã đưa ra quyết nghị tạm dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 982 tỷ đồng lên 1.179 tỷ đồng mà nghị quyết đã thông qua ngày 1/10/2015.

Thay vào đó, thông qua phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi có giá trị tối đa 500 tỷ đồng (mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu).

Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, sẽ được sử dụng để cơ cấu lại các khoản vay ngắn hạn của Công ty hiện nay (350 tỷ đồng) và đầu tư phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ (150 tỷ đồng).

Theo lý giải của đại diện PNJ, sở dĩ Công ty hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu, thay vào đó là phát hành trái phiếu là nhằm mục đích thu được dòng tiền ngay trong năm nay, để kịp thời mở rộng kinh doanh vụ cuối năm – thời gian cao điểm của PNJ.

Nếu phát hành cổ phiếu, phải đến năm 2016, PNJ mới có thể thu được tiền.

>>PNJ: Tránh "vạ gió” DongA Bank

Với mục tiêu hai năm 2015 - 2016 thực hiện 15 dự án với vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, trong quý 3/2015, Sao Mai Group đã phát hành tăng vốn và thu được gần 900 tỷ đồng, đẩy nguồn tiền mặt lên gần 1.300 tỷ đồng.

Cùng chiến lược mở rộng kinh doanh với mục tiêu năm 2015 đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2014, Công ty CP Đầu tư du lịch và Phát triển thủy sản (Trisedco) thuộc An Giang Group cũng vừa tăng vốn lên 762 tỷ đồng nhằm đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phụ phẩm từ 450 tấn/ngày lên 600 tấn/ngày, đầu tư nâng công suất nhà máy dầu tinh luyện Ranee từ 100 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày.

Ông Lê Văn Chính - Tổng giám đốc Trisedco kỳ vọng, trong tương lai gần, nhu cầu thức ăn chăn nuôi, ngành thuỷ sản và đặc biệt là nhu cầu dầu ăn tăng liên tục.

Chính vì thế, Công ty sẽ tăng vốn để đầu tư thêm dây chuyền công nghệ để nâng công suất sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu .

Gây chú ý nhiều nhất là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đề xuất nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay vì 49% hiện nay).

>>Vinamilk đề xuất 4 phương thức thoái vốn cho SCIC

Theo Vinamilk, Công ty tiếp tục phát triển theo định hướng chiến lược trong 5 năm và 10 năm tới, với mục tiêu trở thành công ty đa quốc gia hoạt động trên toàn cầu.

Vì vậy, việc nới room ngoại 100% sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút vốn nước ngoài hơn khi cần huy động.

Cùng với chiến lược tăng vốn của các DN, vấn đề được quan tâm là việc tham gia của các dòng vốn nước ngoài, liệu các DN Việt có bị thâu tóm, nhất là các thương hiệu lớn có bị mất tên tuổi?

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đang nôn nóng mua các DN Việt Nam khi sẵn sàng trả giá cao hơn 10 - 20% so với thị giá của cổ phiếu đang giao dịch khi có thông tin nới room.

Mối quan ngại càng hiện diện khi Tập đoàn SCG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh.

Với số tiền để mua cổ phiếu Nhựa Bình Minh từ phần sở hữu của SCIC không lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài (dự tính khoảng 1.800 tỷ đồng) thì SCG được cho là có nhiều cơ hội “nuốt trọn” các DN ngành nhựa xây dựng thông qua đợt bán vốn tới đây của SCIC.

>>SCIC thoái vốn ở Vinamilk: Thời điểm nào là "thích hợp"?

Tương tự, ngành dệt may Việt Nam cũng đang thu hút dòng vốn FDI rất lớn, tính đến thời điểm hiện nay đã là 3,5 tỷ USD. Dự kiến trong thời gian tới, dòng vốn này còn có sự đột phá hơn.

Vì vậy, nhiều NĐT e ngại rằng, DN FDI sẽ trở thành thách thức lớn đối với các DN nội địa.

Dù lo lắng nhưng việc nới room cho các NĐT ngoại và giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước tại các DN lớn vẫn được nhiều ý kiến cho là xu hướng khó tránh.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty Vinamit, cho rằng, áp lực tăng vốn để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô đang rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước lại hạn chế nên việc tăng vốn là rất cần, nhưng nới room cho NĐT nước ngoài phải cao thì nhà đầu tư ngoại mới mặn mà.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐTV Vinatex, cho rằng đây là cơ hội để DN học hỏi từ các thương hiệu nước ngoài.

Đại diện của Vinamilk nhận định, việc NĐT nước ngoài có thể chiếm đa số ở Vinamilk nhưng không đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu Việt.

Trong những năm qua, Vinamilk đầu tư mở rộng trang trại trong nước, đồng thời đầu tư vào các DN ngoài nước tại Mỹ, Ba Lan, New Zealand, Campuchia và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua bán, sáp nhập khác tại các thị trường mới.

>>Sản phẩm Vinamilk chiếm cảm tình của người dân Matxcơva

Vì vậy, việc có mặt của NĐT nước ngoài với một lượng vốn mới sẽ giúp Vinamilk hiện thực hóa tham vọng vươn ra thế giới. Hơn nữa, nếu DN Việt sau khi bị thâu tóm thì hàng hóa xuất xứ vẫn “made in Vietnam” nên không có chuyện mất thương hiệu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đề xuất nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 100% vô tình tạo yếu tố thị trường thuần túy loại bỏ quyền lợi của NĐT Việt và người Việt.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng đã khẳng định: “Thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu vốn, không thiếu nhà đầu tư có năng lực và dám mua”.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, 4 tỷ USD có lẽ khá lớn để một tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng cho quyết định đầu tư cho thương vụ Vinamilk. Tuy nhiên, không nhất thiết phải sử dụng một số tiền “khổng lồ” như vậy.

Thay vào đó, tổ chức mua lại có thể sử dụng một nghiệp vụ khá phổ biến được giới tài chính biết đến là LBO (Leveraged buyout).

Với đối tượng mua lại là một công ty có thương hiệu đầu ngành sữa Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng ổn định trong khi cơ cấu nợ/tổng tài sản khá thấp (6,7%) như Vinamilk, việc dùng chiến lược LBO càng thêm khả dĩ.

Không quá khó để kiếm một ngân hàng tài trợ đến 90% thương vụ này. Giả sử giá chuyển nhượng là 167.000 VNĐ/cổ phiếu, tổ chức mua lại chỉ cần bỏ ra 10% của con số 4 tỷ USD tức 400 triệu USD.

Sau khi mua lại Vinamilk, với vị thế cổ đông lớn nhất, tổ chức này có thể tác đông để Vinamilk tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ nhằm thay đổi cơ cấu vốn hiện không tận dụng được lợi thế chi phí vốn vay thấp của doanh nghiệp này, đồng thời thu hồi một phần vốn đã bỏ ra.

Dựa trên bảng cân đối quý 3/2015 của VNM và giả định Công ty vay nợ được 80% giá trị tài sản ngắn hạn (không tính tiền mặt) đồng thời thanh khoản các khoản đầu tư ngắn hạn, tổng số tiền có thể có thể huy động được để mua lại cổ phiếu quỹ là 12.279 tỷ đồng, tương đương với 73,5 triệu cổ phiếu quỹ (tính theo mức giá mua lại 167.000 đồng/CP).

Nếu tổ chức mua lại bán ra tương ứng để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, họ sẽ thu về được khoảng 246 triệu USD. Kết quả là, số tiền thực sự mà tổ chức bỏ ra để mua lại VNM chỉ khoảng 154 triệu USD, chỉ 3,9% số tiền 4 tỷ USD.

>>Còn gì ngọt hơn VNM?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN tăng vốn: Áp lực từ khối ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO