Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng: Khó khăn đã qua

HOÀNG LONG| 02/04/2015 08:30

Sự ấm dần của thị trường bất động sản (BĐS) và sự hồi phục trong xây dựng dân dụng cũng như xây dựng công nghiệp trong năm 2015 hứa hẹn cải thiện về sản lượng đầu ra và theo đó là doanh thu và lợi nhuận của một số công ty vật liệu xây dựng (VLXD).

Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng: Khó khăn đã qua

Sự ấm dần của thị trường bất động sản (BĐS) và sự hồi phục trong xây dựng dân dụng cũng như xây dựng công nghiệp trong năm 2015 hứa hẹn cải thiện về sản lượng đầu ra và theo đó là doanh thu và lợi nhuận của một số công ty vật liệu xây dựng (VLXD).

Đọc E-paper

Xi măng: Nguồn cung mới tương đối hạn chế trong khi nhu cầu nội địa dự kiến tăng khá sẽ tạo dư địa để doanh nghiệp (DN) xi măng giảm tồn kho và duy trì giá bán. Đồng thời, lợi nhuận tài chính của các DN có thể cải thiện nhờ lãi suất và tỷ giá VND/EUR có xu hướng giảm.

Cụ thể, đến cuối năm 2014, phần lớn DN xi măng đang niêm yết vẫn còn hệ số nợ vay/VCSH khá cao (HT1: 1,9x, BCC: 2,3x, BTS: 2,5x...). Điều này đã tạo ra áp lực tài chính không nhỏ khiến lợi nhuận của một số DN thậm chí tăng trưởng âm trong giai đoạn 2011-2013.

Việc mặt bằng lãi suất thấp và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong năm 2015 sẽ là một yếu tố hỗ trợ đối với lợi nhuận của nhóm DN này. Bên cạnh đó, các DN thuộc Tổng công ty Vicem thường phải vay những khoản lớn bằng đồng EUR trong quá trình đầu tư dây chuyền sản xuất là nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong giai đoạn 2009-2010 khi đồng EUR tăng giá mạnh.

Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ EUR của BTS, HT1 và BCC còn chiếm gần một nửa tổng nợ vay ngắn và dài hạn của các công ty này. Tính đến ngày 28/2/2015 đồng EUR đã giảm khoảng 9,1% so với thời điểm đầu năm. Điều này hứa hẹn khả năng ghi nhận lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá cho các DN xi măng niêm yết trong năm 2015.

Riêng Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) có tình hình tài chính tốt, ROE cao và tỷ lệ nợ thấp nhất trong các DN xi măng niêm yết (tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,8x). Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 ( HT1) là đơn vị có năng lực sản xuất xi măng lớn nhất trong khối Vicem với công suất 7,3 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 9% thị phần nội địa (năm 2014).

Đa phần công nghệ sản xuất mới được đầu tư nên lượng tiêu hao nhiên liệu của HT1 là khá thấp so với các DN trong ngành. HT1 sử dụng lượng lớn nợ vay để tài trợ cho tài sản cố định và sản xuất, kinh doanh (tỷ lệ nợ vay/VCSH khoảng 1,94x). Việc lãi suất đi vay có thể tiếp tục giảm thêm sẽ giúp tiết giảm chi phí lãi vay và cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tài chính cho HT1.

HT1 còn khoản dư nợ ngoại tệ bằng đồng EUR ở thời điểm 2014 khá lớn, khoảng 1.806 tỷ đồng (chiếm gần 35% vay và nợ dài hạn). Nếu đồng EUR tiếp tục suy yếu trong năm 2015 thì HT1 có thể được ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá lớn.

Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) là doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ lớn thứ 2 VICEM (sau HT1) và thứ 4 cả nước (sau HT1, Holcim và Nghi Sơn). Cổ phiếu này có nhiều tiềm năng vì BCC còn khoản vay bằng đồng EUR khá lớn, chiếm khoảng 69% vay và nợ dài hạn. Năm 2015, nếu đồng EUR tiếp tục giảm giá thì BCC sẽ được ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá lớn.

Nhựa xây dựng: Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 DN chuyên sản xuất ống nhựa xây dựng niêm yết là Bình Minh (BMP), Tiền Phong (NTP), Đà Nẵng (DPC) và Đồng Nai (DNP). Trong đó, hai công ty niêm yết lớn là BMP và NTP đang nắm giữ hơn 50% thị trường nhựa xây dựng.

Rào cản gia nhập ngành thấp khiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều DN, trong đó chủ yếu là các DN nhỏ, đang cạnh tranh bằng cách tăng chi phí hoa hồng cho đại lý và giảm giá đấu thầu vào các dự án làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và biên lợi nhuận hoạt động của 2 DN đầu ngành.

Sự tham gia mới đây của Tập đoàn Hoa Sen, một DN sẵn có hệ thống phân phối rộng và tiềm lực tài chính mạnh được dự báo sẽ khiến tình hình cạnh tranh trên thị trường ống nhựa trở nên gay gắt hơn. Tuy nhiên, trong ngành vẫn có những cổ phiếu được nhà đầu tư ưa thích.

Chẳng hạn, BMP là một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực ống nhựa xây dựng tại Việt Nam với hệ thống phân phối gần 1.500 cửa hàng trên cả nước. Khó khăn nhất là khoản thuế thu nhập DN bị truy thu nay đã được giảm khoảng 29 tỷ đồng từ mức 75 tỷ đồng ban đầu và có thể tiếp tục được giảm thêm.

Đặc biệt hơn, BMP có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ hằng năm từ 20% đến 30%. Năm tài chính 2014, BMP dự định trả 35% cổ tức bằng tiền mặt (10% đã tạm ứng). Ngoài ra, với số dư lợi nhuận giữ lại và thặng dư khá lớn, khả năng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là điều được nhiều NĐT kỳ vọng.

Giống như BMP, NTP là một trong những DN lớn nhất trong lĩnh vực ống nhựa xây dựng với hơn 70% thị phần ở phía Bắc và khoảng 30% thị phần cả nước. NTP có thế mạnh ở các sản phẩm ống kích cỡ lớn với đường kính lên tới 2m. NTP có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ cổ tức bằng tiền hằng năm từ 15 - 35%.

Việc SCIC (sở hữu 37,1%) sẽ thoái vốn cùng khả năng có thể nới room cho NĐT nước ngoài sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT nước ngoài và cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu NTP...

Nói tóm lại, với ngành VLXD, các DN có hệ thống phân phối rộng, quản lý hiệu quả, thương hiệu mạnh và có thể mở rộng công suất ngay trong năm nay có thể giữ vững và gia tăng thị phần khi nhu cầu thị trường đang hồi phục.

Riêng với xi măng, các DN có thị trường tiêu thụ ở các địa phương đang thu hút FDI có nhiều dự án BĐS và hạ tầng giao thông như Hà Nội, TP.HCM, Tây Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh... có thể hưởng lợi nhiều hơn khi nhu cầu xây dựng gia tăng...

>TPHCM đăng tải vật liệu xây dựng không đủ tiêu chuẩn lên internet
>Thị trường vật liệu xây dựng: Ưu thế công nghệ cao
>Vật liệu xây dựng “hồi tỉnh” cùng bất động sản
>Công ty vật liệu xây dựng theo nhau giảm chỉ tiêu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu ngành vật liệu xây dựng: Khó khăn đã qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO