Cổ phiếu MWG: Cơ hội có đến từ Bách hóa Xanh?

THÁI AN| 13/11/2015 02:21

Trong 9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của Thế Giới Di Động (MWG) duy trì tại mức 15,1% và 4,2% trong khi biên lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2015 của FPTShop (đại diện bởi biên ròng mảng Bán lẻ trong báo cáo hợp nhất của FPT) chỉ khoảng 1,95%.

Cổ phiếu MWG: Cơ hội có đến từ Bách hóa Xanh?

Trong 9 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của Thế Giới Di Động (MWG) duy trì tại mức 15,1% và 4,2% trong khi biên lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2015 của FPTShop (đại diện bởi biên ròng mảng Bán lẻ trong báo cáo hợp nhất của FPT) chỉ khoảng 1,95%.  

Đọc E-paper

Tuy cả hai chỉ số này giảm nhẹ so với cùng kỳ lần lượt khoảng 0,5 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm do môi trường kinh doanh có phần cạnh tranh hơn so với cùng kỳ nhưng có thể thấy sự sụt giảm này không đáng kể so với sức cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường, với nhiều đối thủ đã mở rộng kinh doanh như: VinPro, Viettel, FPTShop...

Mặt khác, biên lợi nhuận ròng cả năm nay của MWG vẫn được đánh giá sẽ tăng mạnh nhờ hiệu quả hoạt động cao trong quý IV, quý mùa vụ kinh doanh của DN.

Bởi trong 3 năm gần đây, biên lợi nhuận ròng cả năm của MWG luôn tăng trung bình khoảng 0,64 điểm phần trăm so với biên lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm.

Đồng thời, trong tháng 10, MWG đã được Apple cấp phép nhập khẩu trực tiếp sản phẩm này (thay vì trước đây phải nhập hàng thông qua FPT Trading) nên điều này cũng sẽ góp phần cải thiện biên lợi nhuận của MWG trong giai đoạn quý IV cũng như các năm sau.

Với lợi thế hiện có, MWG luôn là cổ phiếu được săn đón từ trước đến nay. Tuy nhiên, một điểm mới đáng lưu ý của cổ phiếu này là nguồn thu có thể sẽ thu hẹp bởi nhiều yếu tố khách quan.

Đơn cử, tăng trưởng của hai hệ thống bán lẻ điện thoại và điện máy của MWG đang đến chủ yếu từ mở rộng hệ thống cửa hàng trong khi các cửa hàng trong các năm trước (trước năm 2014) đang đến ngưỡng bão hòa về tăng trưởng.

Mới đây, lãnh đạo của MWG cũng chia sẻ rằng tốc độ tăng trưởng doanh số của cửa hàng cũ (same store growth) của chuỗi Thế Giới Di Động chỉ khoảng 7% (trong khi con số này của năm trước là khoảng 20%) và chuỗi Điện Máy Xanh chỉ khoảng 10%.

Nếu dựa theo cách tính tỷ lệ tăng trưởng này thì tất cả các cửa hàng vừa mở mới trong năm 2015 và năm 2014 đều chưa được tính đến nên theo ước tính, hơn 140 cửa hàng Thế Giới Di Động và 19 cửa hàng Điện Máy Xanh đã mở trong năm 2015 sẽ đóng góp chính vào tăng trưởng của MWG trong năm 2016.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2016, cả hai chuỗi này sẽ gần như không mở rộng thêm quy mô cửa hàng mà chủ yếu duy trì khai thác nhằm giữ vững thị phần, với phấn đấu hết năm 2016, mảng điện thoại sẽ chiếm khoảng khoảng 35 - 40% và điện máy sẽ khoảng 20 - 30%.

Do đó, với MWG, triển vọng dài hạn (từ năm 2017 trở đi) đang phụ thuộc phần lớn vào thành công của mảng kinh doanh mới, kinh doanh bán hàng thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), tại chuỗi Bách hóa Xanh.

Được biết, trong tháng 11 này, MWG sẽ đồng loạt khai trương khoảng 5 - 10 cửa hàng Bách hóa Xanh.

Đồng thời, trong 12 - 18 tháng tiếp theo, MWG dự kiến sẽ mở 30 - 50 cửa hàng Bách hóa Xanh để tiến hành thử nghiệm, với 3 cửa hàng hiện hữu kinh doanh nhưng chưa chính thức khai trương. Về lý thuyết, MWG đang phát triển theo đúng xu hướng ngành bán lẻ.

Và dựa theo khảo sát thị trường của Kantar, tại khu vực thành thị, trong 4 nhóm bán hàng FMCG (đại siêu thị, siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng bách hóa), hình thức siêu thị mini đang ghi nhận mức tăng trưởng về mặt giá trị cao trên 15%, trong khi các hình thức còn lại đều đang suy giảm hoặc tăng trưởng thấp (theo báo cáo bán lẻ FMCG của Kantar Worldpanel tháng 6/2015).

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong thị trường siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi, hiện đang có sự cạnh tranh rất lớn từ nhiều đối thủ trong nước và cả nước ngoài.

Đồng thời, tất cả các đối thủ đều có thời gian tham gia hoạt động trong lĩnh vực này trên thị trường Việt Nam rất thấp, hầu hết dưới 2 năm.

Do đó, cơ hội đối với MWG để khai phá được mô hình kinh doanh đáp ứng được văn hóa mua sắm và thâm nhập sâu vào lĩnh vực này vẫn rộng mở nhưng hiện tại còn rất sớm để có thể đánh giá được sự thành công của dự án kinh doanh Bách hóa Xanh.

Bởi, điểm yếu của ban lãnh đạo MWG tính đến thời điểm này là chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực FMCG. Mặt khác, hàng FMCG không có mối quan hệ tương hỗ với hàng công nghệ.

Theo đó, MWG có thể khó gây áp lực cũng như thiết lập mối quan hệ với nhà cung ứng hàng hóa bên lĩnh vực FMCG trong giai đoạn ban đầu...

>FMCG: Sức hút từ thị trường nông thôn

>FMCG và "quyền lực" nhà bán lẻ

>FMCG "hạ nhiệt" ở các thị trường mới nổi

>Biến động ở nhóm FMCG đầu ngành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổ phiếu MWG: Cơ hội có đến từ Bách hóa Xanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO