Cơ hội giảm lãi suất đã đến?

LÊ LOAN| 08/06/2016 08:25

Liệu lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới?

Cơ hội giảm lãi suất đã đến?

Ngày 27/5/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, trong đó nội dung đáng chú ý là yêu cầu các tổ chức tín dụng "ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay". Vậy liệu lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm theo định hướng của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới? 

Đọc E-paper

Điều kiện cần: thanh khoản ngân hàng đang thừa

Trước khi có Chỉ thị 04 đã có một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ mức 0,5 - 1% từ đầu tháng 5, như BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Một số ngân hàng như Tienphongbank, Bản Việt cũng áp dụng các gói vay với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy cửa giảm lãi suất không phải không còn, nhất là khi thanh khoản của các ngân hàng đã cải thiện đáng kể so với đầu năm.

Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động đến tháng 3/2016 là 87,35%, đã giảm 2 tháng liên tiếp. Một tín hiệu khác cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang thừa là lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng liên tục đi xuống trong tháng 5, cụ thể đến 25/5/2016, lãi suất qua đêm chỉ còn 0,64% và một tuần là 0,95%. Nếu so với mức cao 4 - 5% duy trì trong suốt 4 tháng đầu năm nay thì lãi suất liên NH cho thấy giảm rất mạnh.

Nhu cầu mua trái phiếu chính phủ của các ngân hàng cũng tăng trong tháng 5. Thống kê cho thấy tỷ lệ trúng thầu lên đến 87%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trúng thầu trong 4 tháng đầu năm nay, đặc biệt ở các kỳ hạn 3 năm và 5 năm, mặc dù lãi suất trúng thầu trong tháng 5 thấp hơn từ 0,2% -1% so với giai đoạn 4 tháng đầu năm. Việc dư thừa vốn khiến các ngân hàng đang đổ vốn vào kênh trái phiếu chính phủ khi hoạt động trên kênh liên ngân hàng có biên lợi nhuận quá thấp do thanh khoản toàn hệ thống đang dư thừa.

Còn cho vay, theo số liệu gần nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 8/5 chỉ mới đạt mức 3,69%, khá thấp so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay. Đặc biệt mức 3,69% trên còn thấp hơn mức tăng trưởng 4% thống kê vào thời điểm cuối tháng 4, cho thấy dư nợ đã giảm trở lại trong những ngày đầu tháng 5.

Với diễn biến trên, kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong thời gian tới vì các ngân hàng không thể đẩy nguồn vốn dư thừa quá lớn vào thị trường trái phiếu do lo ngại rủi ro lãi suất và rủi ro kỳ hạn.

Trong khi đó, dù lãi suất cho vay có giảm thêm thì vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ, đặc biệt là ngân hàng có thể quản lý được rủi ro kỳ hạn và rủi ro lãi suất tốt hơn.

Điều kiện đủ: Chi phí vốn giảm

Một số ngân hàng gần đây đã giảm lãi suất huy động đầu vào, cho thấy dấu hiệu thanh khoản của hệ thống đã tốt hơn. Việc huy động vốn tiếp tục tăng trưởng, trong khi dư nợ tăng trưởng chậm khiến các ngân hàng đủ tự tin để giảm lãi suất đầu vào nhằm hạ chi phí vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Việc Thông tư 06/2016/TT-NHNN của NHNN ban hành hôm 27/5 vừa qua càng tạo điều kiện để các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất đầu vào. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nói chung vẫn được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%.

Như vậy, các ngân hàng trước đây đã tăng lãi suất huy động để có thể thu hút nguồn vốn nhằm đáp ứng tỷ lệ này với dự thảo ban đầu sẽ giảm về ngay 40%, thì nay sẽ không phải chịu áp lực nữa, và do đó có thể giảm lãi suất huy động trở lại để giảm chi phí vốn.

Thực tế nguồn vốn huy động tại các ngân hàng là khá đa dạng, trong đó nhiều ngân hàng có các khoản tiền gửi không kỳ hạn rất lớn và ổn định, giúp chi phí vốn của các ngân hàng này khá thấp nếu so với mặt bằng lãi suất huy động hiện có trên thị trường. Với việc tận dụng nguồn vốn giá rẻ này, các ngân hàng có khả năng giảm lãi suất cho vay thêm mà vẫn đảm bảo được biên lợi nhuận.

Thông tư 06 đã tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại nhà nước từ 15% lên 25%. Điều này sẽ giúp lãi suất trên thị trường trái phiếu tiếp tục ổn định ở mức thấp hoặc thậm chí giảm thêm, làm tiền đề kéo lãi suất huy động và cho vay xuống thấp hơn.

Thậm chí các ngân hàng cũng có thể tìm đến nguồn vốn tái cấp vốn tại NHNN thông qua việc vay cầm cố trái phiếu đặc biệt, với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất tái cấp vốn đến 2%.

Thực tế trong năm 2015 cũng đã có một số ngân hàng cầm cố trái phiếu đặc biệt VAMC để vay NHNN thông qua kênh tái cấp vốn. Chỉ thị 04 cũng cho thấy NHNN có thể tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

>Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm vàng và USD

>Giảm lãi suất: “Chìa khóa” nằm ở kiềm chế lạm phát?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội giảm lãi suất đã đến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO