Bế tắc với cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết

LAM ANH| 28/03/2015 08:38

Bế tắc, chán nản, thất vọng là tâm trạng của không ít người đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng (NH) chưa niêm yết.

Bế tắc với cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết

Bế tắc, chán nản, thất vọng là tâm trạng của không ít người đang nắm giữ cổ phiếu ngân hàng (NH) chưa niêm yết.

Đọc E-paper

Tâm trạng này còn có thể trầm trọng hơn nữa khi mà nhóm cổ phiếu NH niêm yết đã "nổi sóng" trở lại trong những tháng đầu năm 2015. Để giải tỏa một cách hữu hiệu nhất tâm trạng ấy, ai cũng có thể nói được, đó là các NH phải mau chóng niêm yết.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã hối thúc các NH niêm yết. Dù vậy, vẫn không thấy được những động thái sốt sắng từ phía các NH, thay vào đó vẫn là một sự yên ắng.

Trước đây, NH thường lấy các lý do như thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu bị định giá thấp để bào chữa cho việc không niêm yết. Nay cổ phiếu NH đã nổi sóng, chứng khoán vài ba năm nay cũng diễn biến tích cực, nhưng gần như các ông chủ doanh nghiệp (DN) vẫn "lơ” chuyện niêm yết khiến không ít cổ đông và nhà đầu tư gặp khó.

Theo suy đoán của nhiều người, nguyên nhân có thể nằm ở việc một số NH vẫn đang phải tiến hành tái cấu trúc và một trong các giải pháp chính là mua bán và sáp nhập (M&A).

Trường hợp nếu các NH niêm yết, việc M&A có thể gặp nhiều thách thức hơn so với khi còn ở "dưới sàn". Đơn cử, các giao dịch với khối lượng lớn nếu thực hiện trên sàn niêm yết có thể gặp nhiều khó khăn, ràng buộc hơn là giao dịch trên thị trường OTC.

Và thành thực mà nói, nêu các NH, mà cụ thể là các cổ đông lớn, những người có ảnh hưởng đến quyết định niêm yết nếu đã không thích, thì vẫn còn có nhiều lý do để lần lữa việc này. Tuy nhiên, NH cũng là một công ty đại chúng, và quyền lợi cũng cần phải được đảm bảo cho cổ đông.

150 ngàn tỷ đồng
Hiện có 9 NH đang niêm yết cổ phiếu trên hai sàn chứng khoán, gồm các NH lớn mà cổ đông nhà nước nắm vai trò chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, một số NH TMCP lớn như ACB, Eximbank, Sacombank, MBB, SHB, và một ngân hàng nhỏ vốn điều lệ 3 ngàn tỷ đồng là Navibank. Tổng giá trị niêm yết cổ phiếu của các NH này vào khoảng 134 ngàn tỷ đồng. Nếu 26 NH còn lại lên sàn thì giá trị niêm yết sẽ tăng thêm khoảng 150 ngàn tỷ đồng.

Với các cổ đông nhỏ của NH chưa niêm yết, đã có quá nhiều thiệt thòi. Theo đó, giới cổ đông kỳ vọng cơ quan quản lý có thể đảm bảo quyền lợi của họ thay vì bỏ phế quản lý như bây giờ. Theo một số chuyên gia, có rất nhiều giải pháp để điều chỉnh thị trường, điều quan trọng là lãnh đạo các NH có chịu thực hiện hay không.

Chẳng hạn, chọn giải pháp mua lại cổ phiếu quỹ giống như ACB. Giữa quý IV/2014, ACB (mã chứng khoán niêm yết của NH TMCP Á Châu) đã mua 13,5 triệu cổ phiếu quỹ với giá tới 15.500 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền vào khoảng 200 tỷ đồng.

So với các NH khác có giá giao dịch cổ phiếu OTC thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí chỉ bằng giá trà đá thì mức giá ACB đặt mua cổ phiếu quỹ nêu trên là cao hơn nhiều.

Giả sử các NH có cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC mua 10 triệu cổ phiếu quỹ với giá 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu thì số tiền bỏ ra vào khoảng 70 - 80 tỷ đồng, một con số có lẽ không phải là quá tầm với nhiều NH, nhưng lại có tác dụng hỗ trợ cho không ít cổ đông nhỏ lẻ.

Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức "Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Nghị định 58/2012/NĐ-CP", nhằm tiếp nhận những ý kiến đóng góp và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung.

Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP có quy định về việc các công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trước mới được chào bán chứng khoán ra công chúng.

Nếu chính sách này được ban hành, lượng hàng hóa trên TTCK sẽ có nhiều thay đổi quan trọng. Cũng theo dự thảo này, các DN nhà nước sau khi IPO sẽ phải lưu ký và đăng ký trên UPCoM.

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, các NH muốn huy động vốn ít nhất sẽ phải lên UPCoM. Điều này sẽ kích thích dòng tiền tham gia các đợt IPO nhiều hơn. Bởi từ trước đến nay, một trong những rủi ro lớn nhất khi tham gia IPO chính là sự chây ì niêm yết của các NH.

Và một khi NH đưa cổ phiếu lên UPCoM giao dịch, đồng nghĩa với việc gia tăng thanh khoản, thị trường nhờ vậy cũng có nhiều hàng hóa hơn và dòng tiền nhìn chung sẽ lưu chuyển nhanh hơn.

Thí dụ, thay vì phát hành cổ phiếu thì nhà đầu tư kỳ vọng Nghị định 58 được thông qua sửa đổi để buộc các NH phải "bị” lên UPCoM. Với hình thức này, các NH cũng sẽ không bị thiệt thòi vì nếu giao dịch cổ phiếu tại UPCoM, các quy định công bố thông tin thoáng hơn nhiều, cũng không phải chịu sức ép minh bạch so với việc niêm yết trên sàn.

Thậm chí, các sửa đổi trong Nghị định 58 nếu được ban hành sẽ có tác động tích cực cho nhóm NH muốn huy động vốn sau này. Còn với nhóm công ty đại chúng trước đây, muốn thúc đẩy lên UPCoM, cần có thêm nhiều quy định ràng buộc. Hiện tại, chưa thấy có những đợt huy động vốn lớn trên UPCoM.

Nhưng điều rõ ràng là UPCoM lại không chịu những ràng buộc về công bố thông tin nên có thể dẫn đến việc DN phát hành ở UPCoM lợi hơn là phát hành trên sàn niêm yết. Điều này có khi lại ngăn trở DN đem cổ phiếu tiếp tục niêm yết mà chỉ để ngay tại UPCoM và tất nhiên có thể gây ra rủi ro cho các cổ đông.

Dù chọn bất kỳ giải pháp nào thì cũng phải xuất phát từ sự tôn trọng, cầu thị từ phía các NH dành cho cổ đông. Ngoài ra, nói về dự thảo Nghị định 58, theo các nhà đầu tư, đây là quy định được đón chờ nhất trong năm 2015 vì nó không chỉ đảm bảo được quyền lợi của cổ đông mà đã được đón nhận tích cực vì kỳ vọng khi áp dụng sẽ gia tăng hàng hóa cho thị trường.

Dù vậy giới phân tích cho rằng, thị trường dù như thế nào vẫn cần thêm những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa để ràng buộc các DN tuân thủ và có trách nhiệm hơn với các cổ đông.

>Các đại gia dồn dập mua thêm cổ phiếu 
>Hơn 170 cổ phiếu có "nguy cơ" chuyển sàn 
>Cổ phiếu đại gia họ Đặng xin hủy niêm yết
>Ngân hàng niêm yết: Nước chưa đến chân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bế tắc với cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO