Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi: Tựa vào tiếng đàn của bố

LÂM HẠNH/DNSGCT| 04/11/2013 04:15

Nếu tiếp xúc với Tạ Thùy Chi hẳn bạn sẽ có cảm giác mỗi khi cô nghệ sĩ múa này đi học thì căn nhà kia trống trải đến dường nào.

Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi: Tựa vào tiếng đàn của bố

Nếu tiếp xúc với Tạ Thùy Chi hẳn bạn sẽ có cảm giác mỗi khi cô nghệ sĩ múa này đi học thì căn nhà kia trống trải đến dường nào. Bởi vì lúc nào Chi cũng rộn ràng, thế nên mỗi khi vắng cô mọi người lại thấy nhớ, thấy thiếu thiếu một điều gì quen thuộc.

Đọc E-paper

Ảnh: Nguyễn Minh Đức

>Mùa Thu: Mùa phim Việt mới?
>Tính thẩm mỹ trong ca từ
>
Sốt ruột nhìn thị trường tranh Trung Quốc
>NS Anh Quân:Chiêu trò không phải là con người tôi

Năm 1998 là mốc thời gian ghi dấu ấn lớn trong cuộc đời của Chi. Cô bé 12 tuổi khi ấy thích thú vì lần đầu tiên được bố đưa đi học nước ngoài, sau đó mới ngỡ ngàng lo lắng khi biết mình sẽ phải ở lại Trung Quốc một mình.

Ký ức về khoảng thời gian đó trong Chi là những ngày sống cùng múa, những cuốn sách bố gửi qua để con gái vẫn tiếp cận đều đặn với tiếng Việt và văn chương, những lá thư viết cho gia đình dài sáu bảy trang giấy kể hết chuyện nọ đến chuyện kia (và dĩ nhiên là nhớ cả những cuối tuần cùng cô bạn Linh Nga được ra ngoài gửi thư).

Xa gia đình sớm là thiệt thòi đối với một cô gái mới lớn, nhưng những ký ức kể trên cũng đã làm cho một quãng đời của Chi nhiều ý nghĩa. Cùng năm tháng Thùy Chi đi học là hình ảnh của bố đưa đến trường và qua tận nơi đón về mỗi dịp nghỉ, cả những lần bố đứng trước cổng trường trong tiết trời rét buốt.

Sau này Chi biết, gia đình cho con đi học sớm vừa là lo cho tương lai của con vừa là để nối dài thêm tình yêu của bố, của gia đình dành cho nghệ thuật. Chuyến đi học xa nhà năm 2009 để lại trong Chi một cảm xúc khác, không còn lo sợ nhưng nỗi nhớ nhà mạnh mẽ hơn, cảm giác cô đơn hơn nơi xứ người.

Ban đầu, gia đình định hướng Chi đến với múa và may mắn là múa đã trở thành niềm đam mê trong cô, cứ tự nhiên như thế nó là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.

Mười lăm năm đến với múa (thật ra là còn lâu hơn thế nếu tính từ lúc Chi bắt đầu học múa ở Việt Nam), Chi cùng một người bạn quyết định tổ chức một chương trình múa đương đại Ta đã ở đó cho riêng mình.

Tự đứng ra lo mọi thứ từ giấy phép biểu diễn, làm tờ rơi, in vé cho đến việc tập tành khiến Chi vừa hồi hộp, vừa… mệt, vì những lần biểu diễn trước kia cô chỉ tập và diễn chứ đâu biết thế nào là “chạy vòng ngoài”. Nhưng dù “mệt” cỡ nào thì lúc lên sàn tập Chi cũng bị các tiết mục cuốn hút.

Cô nghệ sĩ múa đang háo hức mong đêm diễn được trình làng với khán giả. Qua các tiết mục múa, Chi và những người bạn của mình muốn cho khán giả thấy múa không xa lạ, khó hiểu mà rất gần gũi với cuộc sống.

Ảnh: Quang Lâm

Qua múa, cô mong đem khán giả ra khỏi những bộn bề của cuộc sống để trở về với những kỷ niệm tuổi thơ, với miền quá khứ trong trẻo mà ai cũng đã từng ở đó.

Nhiều người băn khoăn, múa có tự lâu đời mà mãi vẫn không đến rộng rãi với khán giả, so với ca nhạc, điện ảnh. Tính trên tổng số nghệ sĩ múa thì có quá ít người dám mạo hiểm đầu tư các chương trình công phu để bước ra sân khấu lớn một cách đàng hoàng.

Chi thì nghĩ rằng, muốn múa ra sao ngày mai thì hôm nay mình cứ phải làm cái đã, làm bất cứ điều gì trong sức lực của mình. Chi và biên đạo múa Ngọc Anh đã tự bỏ tiền để làm điều mình muốn, một chương trình múa tử tế và các buổi “workshop” để sinh viên hiểu thêm về múa.

Rất nhiều người ủng hộ, từ địa điểm họp báo đến trang phục…, cho buổi biểu diễn của Chi và Ngọc Anh. Cô cười: “Chi lúng túng với tình cảm của mọi người dành cho mình và nếu không làm được thì cảm thấy mình thật vô dụng”. Lớn lên cùng múa nên múa là cuộc sống thường ngày của Chi, vừa tạo áp lực vừa là niềm an ủi, xoa dịu cô.

Tạ Thùy Chi chỉ rực rỡ tỏa sáng trong các tiết mục múa. Rời sân khấu, Chi trở về với cuộc sống đơn giản của mình, vẫn mặt mộc hằng ngày đứng lớp dạy múa và gặp gỡ bạn bè, vẫn về nhà ăn cơm với gia đình trong tiếng nói cười rộn ràng, vẫn thích đọc sách, xem phim.

Một điều thú vị khác ở cô gái này là thích may vá, Chi nói vui: “Nếu không múa chắc Chi trở thành thợ may”. Lúc nào trong túi xách lớn của Chi cũng có năm, sáu chiếc túi nhỏ xíu, xinh xinh tự làm để đựng các thứ linh tinh, món nào ra món đó.

Trong những sở thích của Chi không có chỗ cho sự ồn ào của showbiz, bởi vậy cô thường lúng túng khi đối mặt với truyền thông, nhất là khi bị hỏi về những chuyện riêng tư ngoài múa.

Tiếp xúc với Chi sẽ thấy Chi nhõng nhẽo dễ thương và một cá tính quyết liệt. Bên cạnh sự mỏng manh là một cô gái trưởng thành đủ để giải quyết êm xuôi những cú sốc trong cuộc sống của mình.

Chi thích nhất là được nghe tiếng đàn bố tập và rất lo sợ nếu tiếng đàn ấy không vang lên vào tám giờ sáng hằng ngày. Tiếng đàn đó là điểm tựa để Chi vững vàng trong cuộc sống.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ múa Tạ Thùy Chi: Tựa vào tiếng đàn của bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO