"Hoa hồng trắng" xứ Quảng

BÍCH HỒNG| 08/04/2011 05:00

Mới tuần trước nhận được tuyển tập thơ văn của anh gửi tặng, gọi điện chia vui, rồi lại lỡ miệng vừa đùa vừa thật: “Sao anh làm tuyển tập sớm thế, người ta bảo làm tuyển tập xong là... xui lắm”.

Mới tuần trước nhận được tuyển tập thơ văn của anh gửi tặng, gọi điện chia vui, rồi lại lỡ miệng vừa đùa vừa thật: “Sao anh làm tuyển tập sớm thế, người ta bảo làm tuyển tập xong là... xui lắm”.

Sau tiếng cười, tôi động viên: “Anh đã làm tuyển tập cho cả trăm nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, giờ anh mới làm cho mình là quá hy sinh rồi”.

Và tôi còn hẹn sẽ qua nhà thăm anh. Tôi hẹn đến mấy lần, rồi lỡ hẹn. Rồi tôi nhận điện thoại báo tin anh đã ra đi đột ngột.

Cuộc đưa tiễn anh, có nhiều đạo diễn, họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, tất cả đều quen biết anh, đều từng được anh chăm chú đọc từng dòng sáng tác, cậy cục tìm cho họ nguồn tài trợ để có thể ra tác phẩm một cách xứng đáng.

Những người còn trẻ lặng đi trước sự kết thúc của một cuộc đời, ngỡ ngàng, nghèn nghẹn!

Mỗi người trong họ từng ngập ngừng bước chân vào làng văn nghệ, với tác phẩm đầu tay, ngơ ngác trước sự dửng dưng của các cây đa cây đề, ngơ ngác trước sự chảnh chọe của các tay hòm chìa khóa xuất bản. Rồi bàn tay ấm áp của anh chân thành đưa ra nắm tay họ.

Tôi hình dung những người trẻ ngày ấy được anh lôi tuột ra khỏi các chiếu rượu, nơi họ đang gượng gạo ngồi để làm thân với các bậc tiền bối. Anh lôi họ vào các chuyến đi sáng tác.

Anh đọc tác phẩm, anh bình thơ, giới thiệu họ với Trường Viết văn Nguyễn Du, tổ chức triển lãm cho những người chưa bao giờ học hội họa, in thơ cho một anh chàng đi xe lăn ở một thôn quê vùng Quảng Ngãi, cưu mang một nhà thơ lỡ vận thất nghiệp.

Rồi anh tìm thấy một công việc khác có ích hơn cho đời và cho mình hơn là ngồi làm phong trào ở hội văn nghệ địa phương. Ước mơ về một Tủ sách xứ Quảng (Quảng Nam) đã được anh thực hiện đến giờ đã được trên hai trăm đầu sách.

Tôi không biết trong cái guồng quay thị trường, lợi nhuận, PR là ngành công nghệ, làm sao anh có thể cho ra mắt mỗi năm hơn chục cuốn sách dày 300 trang, 500 trang để độc giả hiểu về một xứ Quảng có lắm tinh hoa, vì toàn là sách khó bán.

Tôi chứng kiến cảnh anh làm tuyển tập “Gói nhân tình” của nhà thơ Thu Bồn dày 700 trang. Anh và nhà văn Nguyễn Chí Trung đã rất vất vả đi đến những nơi mà nhà thơ Thu Bồn đã sống và viết để tìm kiếm tư liệu, hiện vật, tác phẩm, thư từ nhằm phục hiện đầy đủ chân dung tác giả “Bài ca chim Chơ rao”.

Rồi tuyển tập thơ Phạm Hầu, tác giả của những vần thơ tuyệt diệu như “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/Chẳng biết xa lòng có những ai” vốn là một thân phận phủ màn sương khói.

Bao nhiêu tác phẩm của Phạm Hầu trôi lạc trong chiến tranh, ố vàng, rách nát, đã trở lại với người đọc nhờ vào nỗ lực lặn lội lần theo những tin tức mong manh như tơ nhện giăng ngang trời, để mong tủ sách đất Quảng không khuyết một chân dung danh nhân thơ chói sáng.

Những nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư trao bản thảo trọn một đời của họ về phong trào Duy Tân cho anh. Những nhà khoa học, nhà kinh tế gốc gác xứ Quảng sau một đời dọc ngang trở về trao bản thảo cuối đời mình ở nhà anh.

Tủ sách Người xứ Quảng đầy lên bằng đồng tiền nào không rõ, nhưng chuyện anh phải đi bán từng cuốn sách giúp nhiều tác giả thì là chuyện thật.

Tủ sách tinh hoa của một vùng đất sẽ đặt dấu chấm ở đây, với hai trăm đầu sách. Tôi tin chắc vào điều đó vì hình như bây giờ cái sự thực tế và lãng mạn ít hiện diện trong cùng một con người. Hãy bằng lòng với thực tế, tự nhủ mình như thế.

Hãy bằng lòng với thực tại một nhà thơ đã nằm xuống, dẫu những vần thơ của anh không chói sáng, nhưng phủ đầy chuyến đi cuối của anh là những vòng hoa hồng trắng mà bạn bè văn nghệ đem đến.

Người xứ Quảng thường dùng những vòng hoa hồng trắng đưa tiễn người mình yêu quý. Người yêu quý lần này là Hoàng Minh Nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Hoa hồng trắng" xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO