Dấu xưa: Chuyện của Sài Gòn

HỌA SĨ TRẦN THU HÀ| 05/11/2013 03:03

Họa sĩ Văn Y tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) năm 1975. Ông học Khoa Sơn mài khóa 1972-1975 và may mắn được làm việc trong xưởng sơn mài của Công ty Sơn mài Lam Sơn giai đoạn 1991-1993.

Dấu xưa: Chuyện của Sài Gòn

Họa sĩ Văn Y tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn) năm 1975. Ông học Khoa Sơn mài khóa 1972-1975 và may mắn được làm việc trong xưởng sơn mài của Công ty Sơn mài Lam Sơn giai đoạn 1991-1993. Những tưởng cái nôi đó sẽ khiến ông trở thành một họa sĩ chuyên sơn mài, nhưng rồi ông lại có những hướng đi khác.

Đọc E-paper

Họa sĩ Văn Y tên thật là Võ Văn Y, sinh năm 1951 tại Sài Gòn. Song song với sáng tác, ông còn là giảng viên hội họa và hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Việc rẽ hướng trong nghệ thuật thực ra không lạ. Có họa sĩ học sơn dầu ở trường, như Nguyễn Gia Trí, nhưng lại gây dựng sự nghiệp với sơn mài. Ngược lại, có họa sĩ học sơn mài, như Tạ Tỵ, nhưng sau khi rời ghế nhà trường không bao giờ trở lại với sơn mài. Điều lạ là Văn Y dung hòa được cả hai cách sáng tác của hai bậc thầy ấy trong hội họa: ông vẽ cả sơn dầu và sơn mài. Xem tranh, dễ thấy ông sử dụng cả hai chất liệu khá nhuần nhuyễn. Đôi khi sự kết hợp các chất liệu của ông dễ tạo nên bất ngờ cho tác phẩm.

Thiếu nữ và mèo

Ngoài việc đa dạng trong chất liệu, phong cách dung dị trong chủ đề của Văn Y cũng là điểm gây nhớ. Trong triển lãm Dấu xưa, diễn ra từ 2 - 24/11 tại Gallery Tự Do, Văn Y trưng bày 20 tác phẩm sơn dầu sáng tác trong giai đoạn 2010-2013. Về kỹ thuật, ở loạt tranh này, ông tạo bố cục màu ở nền trước, hình ảnh đưa vào sau. Vì vậy, màu sắc ở phần nền rất phong phú, đa dạng, còn hình ảnh chủ đề thì đạt được vẻ hài hòa với bố cục màu của nền.

Họa sĩ Văn Y cho biết, triển lãm Dấu xưa là nơi để ông đưa khách thưởng lãm gợi nhớ lại một số hình ảnh Sài Gòn và một vài nơi khác qua phong cách lãng mạn, trữ tình của ngày xa xưa. Đó là hình ảnh một thiếu nữ duyên dáng nổi bật trên hậu cảnh là những kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn, đường phố, sông ngòi rực rỡ đèn màu... đã được cách điệu (tác phẩm Phố Sài Gòn). Đó là những góc khuất của Sài Gòn, nơi những con hẻm sâu hun hút, nhưng chứa trong nó bao mảnh đời (Phố hẻm)...

Dấu xưa

Hình ảnh cô gái bán hoa được lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm của Văn Y (Thiếu nữ và mèo, Gánh hàng hoa...). Đó là những hình ảnh rất quen thuộc với tác giả, vì Bà Điểm, nơi ông sinh ra và lớn lên, là nơi cung cấp hoa và trầu cau cho Sài Gòn từ thời Tả quân Lê Văn Duyệt còn làm Tổng trấn Gia Định thành.

Một số họa sĩ đã nói: "Vẽ Sài Gòn không hề đơn giản..., bởi khó tìm đâu là cái hồn của Sài Gòn". Đó là cái khó chung của rất nhiều họa sĩ dù tình yêu dành cho mảnh đất này lúc nào cũng rần rật chảy trong máu. Là một họa sĩ chính gốc Sài Gòn, Sài Gòn nằm trong tim Văn Y nên ông không tìm cách giải đáp câu hỏi khó như vậy, mà vẽ Sài Gòn theo chỉ dẫn của trái tim.

Chị em
Gánh hàng hoa
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu xưa: Chuyện của Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO