Trịnh Kim Chi: Đào đẹp, đa đoan

VIỆT NGA/DNSGCT| 22/04/2014 07:51

Thấy chị dốc hết lòng cho sân khấu mới hiểu nghệ sĩ khi đã đam mê thì đôi khi họ cũng phải liều thật.

Trịnh Kim Chi: Đào đẹp, đa đoan

Trịnh Kim Chi là người đẹp từng đoạt giải á hậu khi mới tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu TP. Hồ Chí Minh.

Đọc E-paper

Lúc đó, một diễn viên sân khấu đẹp quá đôi khi là bất lợi bởi khó tìm vai phù hợp. Cùng là bạn học với Kim Chi, Quyền Linh đã nhanh chóng nổi lên và được công chúng biết đến qua các vai chính là cán bộ, học sinh, nông dân…

Cái thời phim ảnh và sân khấu chỉ theo một kiểu là vai chính nhất thiết phải là những con người tiên tiến thì diễn viên có nhan sắc, nhất là người từng nhận danh hiệu hoa hậu hay á hậu quả là khó có đất dụng võ. Sau vài phim không có tiếng vang cho lắm, nghe nói Kim Chi mở tiệm làm đẹp ở quận Gò Vấp.

Kim Chi có vẻ đẹp đài các của một cô đào hát nên khi xem những phim đầu tiên của chị với vai diễn là nữ cán bộ cách mạng, có cảm giác hơi khô cứng. Sự thay đổi của làng nghệ thuật thứ Bảy đã giúp chị có được nhiều vai diễn hơn.

Những vai đầu tiên của chị thường là người phụ nữ hiền lành, có số phận éo le, đau khổ. Loại vai này nếu diễn viên diễn cứ cố giả nghèo, giả khổ thì sẽ thành giả tạo. Vì vậy, Kim Chi phải học nhập vai bằng cách quan sát cuộc sống, chẳng hạn học chị bán bánh mì từ cách gói, cách đưa bánh đến cách nhận tiền.

Vào vai người nghèo khổ dễ làm khán giả thương, nhưng để khán giả thích và nhớ thì lại rất khó nên Kim Chi có “chiêu” làm khán giả phải nhớ đến mình là thường điểm cho nhân vật một chút hài hước trong sự thật thà. Xem chị vào vai cô Hương bán chè trong phim Một ngày không có em, nhìn chung khán giả rất thích.

Chất hài hước của Trịnh Kim Chi thật sự tung tẩy khi đạo diễn Bảo Chung đưa chị vào chương trình N”. Từ lần vào vai một cô gái nhí nhố, khùng khùng trong lớp hài kịch khá thành công, chị đã bộc lộ cái duyên tự nhiên của mình và sau đó trở nên tự tin hơn, phấn khích hơn khi được giao vai hài.

Phải đến khi Kim Chi vào những vai “độc” thì khán giả mới thấy hết bản lĩnh và màu sắc độc đáo trong cách diễn của chị.

Trong phim Tình như tia nắng, bà Lệnh là một người ham giàu, độc ác, dám xúi chồng giết bà chủ để chiếm gia tài. Trong vai này, Kim Chi đẩy cái ác của bà ta đến sự ngô nghê. Chất hài ở đây được xen vào để khán giả thấy bà Lệnh gớm ghiếc đến đáng cười, đáng tội nghiệp.

Trong vở Giếng lạ, vai bà Ba của Kim Chi là một điểm son. Người đàn bà ấy đã khiến cả gia đình phải đảo điên đầy bi kịch. Thể hiện được cái oan nghiệt, cay đắng của số phận, Kim Chi đồng thời tạo nên một vẻ đẹp ma quái làm sởn gai ốc người xem, nhưng phải đến vở Làm đĩ thì chị mới làm cho khán giả thật sự “choáng”.

Trong vai đào Xuân – một cô gái làng chơi, Kim Chi hóa trang theo kiểu quý bà xưa nhưng dù có lớp vỏ bọc hào nhoáng, thân phận người phụ nữ ấy vẫn thuộc lớp người dưới đáy xã hội. Xuân đau đời, cố tỏ ra khinh miệt xã hội. Xuân cung kính những ông chủ giàu có tìm thú vui trong chốn nhớp nhơ nhưng căm hận họ.

Chất kiêu sa, khinh bạc của một cô gái làng chơi thạo nghề được Kim Chi thể hiện rất thành công, để đến khi cái áo khoác ngoài rơi xuống, đào Xuân – Trịnh Kim Chi buộc khán giả phải khóc và thấy thương cho một kiếp người. Đảm nhận một vai khó như vậy nhưng Kim Chi có đủ khả năng làm cho thân phận của đào Xuân sáng bừng lên, góp phần quan trọng vào thành công của vở diễn.

Sau vai Đào Xuân, như một duyên nghiệp, Kim Chi lại vào vai cô đào nhì Mỹ Lệ trong kịch Đình cõi âm. Để được ông bầu thương yêu và nâng đỡ, Mỹ Lệ đã hạ sát cô đào nhất. Trở thành đào nhất của gánh hát, nhưng cũng từ đó cô ta bắt đầu sống trong sợ hãi vì sợ bị trả thù để rồi cuối cùng không thể chịu đựng nổi đã phải tự thú.

Kim Chi như quả táo chín đỏ, càng diễn càng nồng say. Thế giới hư ảo của nghệ sĩ trong phim, trong kịch quả là một mảnh đất màu mỡ dành cho Kim Chi vì ngoài nhan sắc, chị còn có nội lực diễn rất đặc biệt.

Đóng kịch, đóng phim và làm bà chủ một cơ sở spa nhưng xem ra Kim Chi vẫn có nhiều sức lực để cống hiến. Chẳng thế, chị đã mở thêm sân khấu kịch “Cà phê KC” ở quận Gò Vấp. Ngoài việc làm nghệ thuật cho chính mình, bây giờ Kim Chi phải tham gia chất lượng kịch mục cho các nhóm diễn viên trẻ.

Trước câu hỏi “Sao ôm đồm thế?”, chị trả lời: “Vì tiếc! Sân khấu bây giờ ít đất diễn quá. Rất nhiều bạn trẻ mới ra trường rất tâm huyết với nghề nên đầu tư thêm sân khấu cũng là để cho các bạn trẻ có đất hành nghề. Sân khấu cà phê nhỏ, khán giả và diễn viên cùng một sàn nên có nhiều hạn chế khi dựng vở. Bù lại, cảm xúc của người diễn và của người xem dễ dàng hòa trộn với nhau, nhờ đó không khí diễn rất vui, đồng thời còn giúp diễn viên trẻ thích ứng với khán giả nhanh hơn. Các em diễn cũng máu lửa lắm”.

Chẳng biết đầu tư vào “Cà phê KC” thì Kim Chi thắng thua thế nào, nhưng thấy chị dốc hết lòng cho sân khấu mới hiểu nghệ sĩ khi đã đam mê thì đôi khi họ cũng phải liều thật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trịnh Kim Chi: Đào đẹp, đa đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO