Trần Anh Hùng: Một Murakami "mới" của điện ảnh?

HOÀNG - KHƯƠNG thực hiện| 15/05/2013 02:25

Không ít người tham gia buổi nói chuyện về nghệ thuật với đạo diễn Trần Anh Hùng, người làm bộ phim Rừng Na Uy, cảm thấy mình may mắn vì đã được diện kiến một chân dung nghệ sĩ đích thực.

Trần Anh Hùng: Một Murakami

Không ít người tham gia buổi nói chuyện về nghệ thuật với đạo diễn Trần Anh Hùng, người làm bộ phim Rừng Na Uy, cảm thấy mình may mắn vì đã được diện kiến một chân dung nghệ sĩ đích thực.

Đọc E-paper

Chắc không đến nỗi hàm hồ nếu so sánh Trần Anh Hùng với nhà văn nổi tiếng Murakami. Cả hai trước hết hẳn đều trốn tránh thân phận và cả nguồn gốc của mình theo những cách của họ để theo đuổi một bản ngã nghệ thuật "nào đó” gắn chặt với chính họ.

Kế tiếp, cả hai đều vô cùng thông minh nhưng cũng không thiếu sự tinh nghịch và hóm hỉnh trong cách trả lời báo chí, công chúng và đều rất mực yêu thích nghệ thuật thứ bảy và âm nhạc, đương nhiên hoàn toàn không phải theo cách thưởng thức xu thời, dễ dãi.

Và họ hơn ai hết hiểu vô cùng tường tận ngôn ngữ biểu đạt của mình - điện ảnh và quay phim - thậm chí, người ngoài dễ cho rằng đó là sự tự tin đến thái quá, và họ lao động cật lực, miệt mài cho con đường họ đã chọn để tìm thấy một sự rung động thật sự.

Theo đạo diễn Trần Anh Hùng, nghệ thuật tạo được sự rung động nơi người xem, để khơi mở những cái bên trong mỗi chúng ta, để bằng cảm nhận và những chất liệu nội tại có sẵn bên trong, chúng đâm chồi.

Không ngạc nhiên khi ông cổ xúy sự tiếp thu các tác phẩm triết học, đạo đức để làm giàu ý tưởng của mình. Trong một phỏng vấn cách đây ít năm, Trần Anh Hùng đã cho rằng: "Nếu muốn tìm hiểu nước Mỹ thì trò chuyện với FBI hay CIA sẽ hiệu quả hơn xem phim Terrence Malick", bởi "sự rung động của người nghệ sĩ là hoàn toàn khác".

* Ông có gặp trở ngại nào khi làm một bộ phim mà từ kịch bản, nội dung đến diễn viên... đều thuộc về xứ sở Mặt trời mọc như Rừng Na Uy?

- Bất đồng ngôn ngữ không phải là vấn đề lớn trong quá trình làm phim Rừng Na Uy. Tôi nghĩ nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng đều có ngôn ngữ riêng của nó, nên cái khó ở đây không nằm ở ngôn ngữ mà là ở lời thoại.

Vì tôi muốn mỗi câu thoại trong phim đều phải có nhạc tính, nhịp điệu để tạo nên nét duyên dáng riêng cho mỗi nhân vật nên có khi bạn cảm thấy ngôn ngữ không gần gũi với cuộc sống thường ngày bởi vì phim là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một bản nhái lại hiện thực cuộc sống.

Nói vậy chứ cũng có đến hai phiên dịch tự xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực công việc (cười).

* Có sự khác nhau nào khi làm đạo diễn của một kịch bản phim thông thường và kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học?

- Một bộ phim hoàn toàn khác với một quyển sách. Với kịch bản phim thông thường, mình vừa quay vừa chỉnh sửa theo cảm xúc của mỗi cảnh quay; còn đối với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học thì cảm xúc đã có sẵn từ trước nên công việc của mình là làm sao kiếm những cảnh quay phù hợp với ý tưởng khi đọc tác phẩm theo cảm nhận riêng của mình.

* Điều gì đã khiến ông muốn Rừng Na Uy có phiên bản điện ảnh?

- Sau khi đọc xong Rừng Na Uy tôi thực sự thấy thích thú và khi có ý định chuyển thể nó thành phim, tôi quyết định không tìm hiểu về tác giả cũng như các tác phẩm khác của ông để tránh bị ảnh hưởng đến cảm xúc của mình, tuy nhiên, quyết định đó đã gây khá nhiều khó khăn cho tôi sau này.

Trước đây đã có đạo diễn chuyển thể tác phẩm của Murakami thành phim và thất bại. Hơn thế nữa, tác phẩm Rừng Na Uy là đứa con cưng của Murakami khi 17 năm liền là sách best-seller, ông không muốn ai phá hỏng nó nên việc xin gặp tác giả là hết sức khó khăn.

Mãi cho đến khi Mùa Hè chiều thẳng đứng của tôi trình chiếu và tạo được tiếng vang tại Nhật thì Murakami mới đồng ý gặp và bàn về vấn đề này.

Sau buổi gặp gỡ giữa tôi, tác giả và nhà sản xuất thì ông đã đồng ý với hai điều kiện: ông phải được đọc kịch bản phim trước khi bấm máy và biết được chi phí đầu tư cho bộ phim cũng như giao toàn quyền xử lý kịch bản cho tôi. Có thể nói đó là thuận lợi lớn nhất trong quá trình làm phim.

* Ông có nhắc đến sự "duyên dáng" trong cách xây dựng các nhân vật trong phim, vậy sự "duyên dáng" đó thiên về thể hiện cảm xúc, thể hiện lý tưởng hay là sự cân bằng giữa hai yếu tố này?

- Sự "duyên dáng" tôi nói đến ở đây có thể hiểu là vẻ đẹp tâm hồn, mà đã là cái đẹp thì tất nhiên phải cảm nhận bằng cảm xúc. Nhưng để chạm được vào cảm xúc của khán giả thì bản thân nó phải có lý tưởng, lý tưởng đúng thì mới ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem.

* Đã đoạt rất nhiều giải thưởng về phim nghệ thuật, ông có nghĩ mình sẽ thử sức với thử thách khác, như dòng phim thị trường chẳng hạn?

- Mỗi người có khả năng riêng. Thành công với dòng phim này không có nghĩa là phim nào cũng có thể làm được. Tôi không thể vào một studio cùng với diễn viên với bốn bức màn trắng rồi sau đó thêm kỹ xảo, mà tôi chỉ có thể làm việc với cảnh quay, với chiếc bàn, chiếc ghế thật mà thôi.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trần Anh Hùng: Một Murakami "mới" của điện ảnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO