Tôi chưa bao giờ lo lắng cho đời sống của thơ

ĐOÀN GIA thực hiện| 07/11/2013 08:24

Ngày nay, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, thơ và người làm thơ đang ngày một được công chúng chú ý hơn.

Tôi chưa bao giờ lo lắng cho đời sống của thơ

Ngày nay, với sự hỗ trợ của mạng xã hội, thơ và người làm thơ đang ngày một được công chúng chú ý hơn. Việc nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt lập kỷ lục xuất bản với 10.000 cuốn thơ bán hết trong 50 ngày và cuộc thi thơ tình trên Facebook thu hút hàng ngàn tác phẩm tham dự đã minh chứng cho điều này. Niềm vui này không biết kéo dài bao lâu nhưng theo nhà thơ Hồng Thanh Quang, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan khi nhìn về thơ của những người sáng tác trẻ.

Đọc E-paper

* Nhiều sự kiện tích cực về thơ thời gian qua khiến độc giả đang nghĩ về một đời sống rất mới của thơ trong lòng công chúng, theo ông, đây có phải là thời điểm trỗi dậy của thơ sau một thời gian dài chìm lắng?

- Đời sống của nghệ thuật không xét theo thời điểm. Không phải lúc này công chúng yêu thơ, còn lúc khác thì hờ hững. Đơn giản chỉ là thơ dở sẽ không có đất sống. Tôi tin khi bài thơ chạm được vào xúc cảm cũng như tìm được sự đồng cảm từ phía người đọc thì lúc nào cũng có độc giả.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, trong thời buổi kinh tế thị trường, nhiều giá trị bị cuốn đi, nhiều bộ môn nghệ thuật đã không còn đất sống. Dù vị trí của thơ ngày nay có phần khiêm tốn, nhưng tôi nghĩ nó đã được đặt đúng chỗ. Người ta thường nhìn thấy giá trị của một sự việc khi nó không phải gồng mình làm quá lên, mà đúng với thực chất.

* Nhìn vào thực tiễn thì rõ ràng thơ cũng nhờ mạng xã hội mới có cuộc trỗi dậy này. Bản thân ông, một nhà thơ không còn trẻ, cũng đã gia nhập cộng đồng ảo đấy thôi...

- Tôi gia nhập cộng đồng ảo trong một phút... ngẫu hứng, nhưng nhờ mạng xã hội tôi mới phát hiện ra đây cũng là môi trường để tìm thấy sự đồng cảm từ phía độc giả. Những bài thơ tôi viết ngày trước chỉ có thể chia sẻ với bạn bè thân hữu thì nay đã có không gian để tôi đưa nó đến với nhiều người hơn và cũng từ đó nhận được nhiều ý kiến bình luận từ độc giả hơn.

* Nhưng, cái ảo dễ khiến người ta dễ dãi hơn khi đưa ra ý kiến của mình. Cư dân mạng có thể không tiếc lời khen cũng như thẳng tay "ném đá” chỉ để thể hiện "cá tính" của mình, ông có nghĩ vậy không?

- Mạng xã hội chỉ hay khi mình tiếp nhận nó đúng mức. Thực tế thì trong mắt người khác, ai cũng chỉ có giá trị đúng bằng với giá trị người khác cần ở mình.

Bản thân mình phải biết giá trị của mình, người ta khen quá cũng phải xem lại. Không thể phủ nhận là được người khác tung hê thì rất dễ thỏa mãn. Nhiều văn nghệ sĩ cũng chẳng tránh được điều này.

Nay, với độ phủ rộng và khả năng tương tác cao, hào quang của mạng xã hội rất dễ khiến người ta sa lầy và bị tác động. Nhà thơ Hy Lạp Yannis Ritsos đã viết: "Những tràng vỗ tay đâu phải là cái tát/ Mà sao mặt bạn tím bầm". Không phải lời khen nào cũng khiến người được khen sung sướng!

* Từ những tranh luận nảy lửa trên các diễn đàn sau cuộc thi thơ trên Facebook vừa qua, theo ông, liệu những nhà thơ trẻ, thế hệ đang say mạng xã hội có đang sa lầy vào ánh hào quang này?

- Tôi quan niệm, những người trẻ bao giờ cũng có những cái hay riêng mang đặc thù thế hệ. Tuy nhiên, nhiều người đi trước lại thường mong muốn thế hệ sau phải lớn lên theo kỳ vọng của họ, phải làm những điều mà họ chưa làm được.

Thực tế không phải và không nên như vậy. Sinh con đẻ cháu ra là để chúng hạnh phúc với cuộc đời của chính chúng chứ không phải sống tiếp đời mình. Những tranh luận về thơ trẻ thời gian vừa qua tôi nghĩ là xuất phát từ mâu thuẫn này.

Ngày xưa, điều kiện xã hội hoàn toàn khác với bây giờ nên những sáng tác sẽ đáp ứng những nhu cầu không giống với đời sống hiện tại. Các nhà thơ trẻ cũng có những quan điểm riêng về đời sống và cách họ thể hiện cũng rất mới.

Có thể hiện nay, những giá trị ấy chưa được thừa nhận nhưng rồi sẽ đến lúc ấy. Nói thật, tôi không bi quan về lớp trẻ cũng như chưa bao giờ lo lắng cho đời sống của thơ.

* Có những đêm thơ, những chương trình giao lưu thơ được tổ chức rầm rộ nhưng không khí lại tẻ nhạt, theo ông lý do tại sao?

- Rất nhiều lý do chính đáng bị người ta lợi dụng. Các hoạt động bề nổi gọi là "tôn vinh thơ” hiện nay không đúng với thực chất. Người yêu thơ thật không đến những sự kiện đông đúc như thế, bởi thơ nào có công chúng ấy, không có mẫu số chung.

* Vậy ông xuất bản cùng lúc hai tập của bộ thơ Nỗi buồn tốc ký sau bốn năm im hơi lặng tiếng trên văn đàn là hướng đến đối tượng công chúng nào?

- Thơ không đi tìm hay hướng đến đối tượng công chúng nào. Chỉ có công chúng tự tìm đến thơ khi họ nhận ra hình ảnh và nỗi niềm của mình phảng phất đâu đó trong những vần thơ ấy.

Với tôi, thơ là cuộc chơi xa xỉ và đầy ngẫu hứng nên khi làm bản thảo, tôi cũng lựa chọn ngẫu nhiên những tác phẩm tôi từng đăng trên Facebook và những tác phẩm bạn bè tôi ưa thích. Hy vọng "nỗi buồn" của tôi chỉ là sự sẻ chia chứ không gieo sầu cho người khác.

* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi chưa bao giờ lo lắng cho đời sống của thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO