Thế giới tranh chân dung của Hom Nguyễn

LÊ BẢN/DNSGCT| 04/08/2015 00:21

Chào đời ở Paris, chàng họa sĩ tự học gốc Việt Hom Nguyễn nay đã trở thành một ngôi sao trong làng hội họa nước Pháp với tài năng đặc biệt về tranh chân dung.

Thế giới tranh chân dung của Hom Nguyễn

Chào đời ở Paris, chàng họa sĩ tự học gốc Việt Hom Nguyễn nay đã trở thành một ngôi sao trong làng hội họa nước Pháp với tài năng đặc biệt về tranh chân dung. Tác phẩm của anh được giới truyền thông ca ngợi và được bán với giá cao. Nửa đầu tháng 8-2015, tranh chân dung của Hom Nguyễn sẽ được gallery Bartoux ở Paris đưa sang Singapore triển lãm nhân kỷ niệm 50 năm độc lập của đảo quốc này.

Đọc E-paper

Trên trang hội họa của tạp chí Paris Match số ra ngày 10-12-2014, Hom Nguyễn đã được trang trọng giới thiệu trong bài viết Hom Nguyễn, họa sĩ vẽ chân dung các ngôi sao (Hom nguyen, l’artiste portraitiste des stars). Tác giả Marie-France Chatrier viết: “Khi vẽ chân dung một người nào đó mà họa sĩ bị chính khuôn mặt ấy hớp hồn thì đã là một thành công lớn”.

Quả là như vậy, những tranh chân dung do Hom Nguyễn vẽ đã gây được tiếng vang, được các phương tiện truyền thông đại chúng và công chúng ca ngợi trước hết là bởi họa sĩ đã đặt trọn tâm hồn mình vào tác phẩm.

Hom Nguyễn doanhnhansaigon
Hom Nguyễn đã vẽ chỉ trong một đêm bức bích họa lớn ngay tại xưởng vẽ của anh thể hiện chân dung nữ diễn viên nổi tiếng của màn bạc châu Âu Marie Gillain, nhân bài viết về anh trên tạp chí Paris Match

Bài báo trên Paris Match cho biết, Hom Nguyễn sinh năm 1972 trong một gia đình người Việt sống ở thủ đô nước Pháp và đã trải qua thời niên thiếu đầy gian khó: mẹ tàn tật, cha thì biến mất khỏi gia đình năm anh mới 14 tuổi, cuộc sống Hom Nguyễn những năm tháng ấy giống những nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực của Émile Zola hay Charles Dickens. Cậu thiếu niên đã được cuộc sống đường phố hoang dã và đầy những ảo ảnh lôi cuốn và dạy dỗ từ rất sớm.

Nhưng rồi với trách nhiệm của người chủ gia đình dù còn nhỏ tuổi, Hom Nguyễn đã quay về với ngôi nhà của mình để chăm sóc cho bà mẹ tật nguyền. Những ngày ấy, Hom Nguyễn phải đi đánh giày để kiếm tiền nuôi cả nhà.

Không ngờ những ngày tháng đánh giày hè phố đã giúp cho Hom Nguyễn có một kỹ năng và nghề nghiệp hết sức thành công: sáng tạo những kiểu giày da sang trọng, tuyệt hảo mang thương hiệu Kangoo – Hom, những kiểu giày da được làm với 150% đam mê, chẳng kém gì khi anh sáng tác những tuyệt phẩm chân dung.

Trở về với niềm đam mê thời thơ ấu

Khi đã có tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất giày da, đã trở nên giàu có thì vào năm 2009 – sau ngày mẹ anh qua đời – Hom Nguyễn quyết định trở về với niềm đam mê có từ thời thơấu và đã được nuôi dưỡng trong những năm tháng sống có trách nhiệm với gia đình: hội họa. Từ đó anh mày mò tự học, tìm kiếm tài liệu về một bậc thầy hội họa Hoa Kỳ mà anh yêu thích: Jackson Pollock; học cách ông sử dụng chất liệu, cách ông tung tẩy, làm ảo thuật với màu sắc trên khung vải.

Hom Nguyễn doanhnhansaigon
Tác phẩm Viên đạn kỳ lạ vẽ chân dung Tổng thống Kennedy và Lee Harvey Oswald, nghi phạm được cho là đã ám sát ông, sau đó Oswald bị Jack Ruby bắn chết

Nhưng trái ngược với ông thầy người Mỹ hầu như chỉ vẽ tranh trừu tượng, Hom Nguyễn học tập Pollock để vẽ tranh chân dung. Thời gian đầu bước vào hội họa cũng không kém phần gian nan như lúc còn phải đánh giày trên hè phố, Hom Nguyễn chỉ tìm được kỹ thuật sáng tác cho riêng mình khi sang Tokyo, tiếp xúc với những bậc thầy về nghệ thuật xăm mình ở khu Shibuya. Trở về Pháp, kết hợp với những gì được học từ Jackson Pollock, anh đã mau chóng phát triển kỹ thuật của riêng mình trên tranh chân dung.

Hom Nguyễn vẽ những nhân vật mà anh mến mộ, từ các nhà lãnh đạo chính trị như Mahatma Gandhi, Nelson Mandela, John F. Kennedy…, cho tới các ngôi sao trong làng giải trí như Marilyn Monroe, Anthony Hopkins, Jim Morrison, Serge Gainsbourg, Mick Jagger, Sophie Marceau, Lý Tiểu Long, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di… và các võ sĩ quyền anh như Muhammad Ali, Jean-Marc Mormeck…

Cũng có khi anh vẽ các chân dung những đứa trẻ bình thường mà anh bắt gặp. Và không thể thiếu những gương mặt người thân yêu trong gia đình, nhất là những chân dung bà ngoại anh – một cụ bà “đặc sệt” tính cách Việt mà ta dễ bắt gặp ở bất kỳ nơi nào đó khắp dải đất hình chữ S. “Đó là những gương mặt mà tôi ưa thích. Chẳng phải vì vẻ đẹp của họ, cũng chẳng phải vì sự nổi tiếng của họ mà vì sự biểu lộ (tính cách) của những gương mặt ấy nên tôi vẽ họ. Những chân dung đó là diện mạo, là tinh thần, là cảm xúc của họ được thể hiện một cách bay bổng”, Hom Nguyễn nói về những tác phẩm chân dung của anh.

Mỗi bức tranh là một cuộc chiến

Đến hôm nay thì những bức chân dung của Hom Nguyễn – hầu hết đều thật hoành tráng, được vẽ bằng nhiều loại chất liệu (sơn dầu, mực tàu, chì than) và với nhiều cách tạo hình sinh động – đã được trưng bày trong nhiều phòng tranh danh tiếng ở Paris như Galerie Bartoux, A2Z ART Gallery, thậm chí được triển lãm tại cung điện – bảo tàng Grand Palace (*) nhân hội chợ triển lãm Art Paris Art Fair hồi tháng 3-2015 vừa qua. Tất nhiên, tranh Hom Nguyễn có giá không thấp (hàng chục ngàn euro) tại các gallery.

Hom Nguyễn doanhnhansaigon
Bức Mực Mekong vẽ chân dung bà ngoại tác giả

Nổi tiếng và giàu có nhưng Hom Nguyễn không dừng lại trên còn đường sáng tạo mà vẫn tìm kiếm những cách biểu hiện mới trong tranh chân dung. Bên cạnh đó, họa sĩ còn mở rộng hoạt động nghệ thuật của mình, chẳng hạn đã hợp tác với nhà thiết kế người Nhật Ora-Ito để làm ghế trường kỷ bọc da mà mặt lưng ghế là tranh anh vẽ những nàng geisha.

Nhận định về hội họa của Hom Nguyễn, có người cho rằng ngoài ảnh hưởng của Jackson Pollock, những tác phẩm chân dung của anh gợi nhớ đến hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Lucian Freud và Andy Warhol: có thể gọi đó là sự kết hợp giữa chân dung pop-art của Warhol về cách chọn chủ đề là những nhân vật tiếng tăm song cách tạo hình thì gần gũi với cách thể hiện của Freud. Có người lại coi tranh chân dung của Hom Nguyễn như một hình thức tâm lý học phân tích về “cái tôi” của Carl Jung trong hội họa…

Nhưng có một cách đánh giá khác về nghệ thuật của Hom Nguyễn, đó là mỗi bức tranh của anh là một cuộc chiến, ở đó người nghệ sĩ vật lộn với chất liệu và cách tạo hình thích hợp để có được tác phẩm ưng ý, ở đó cái bản ngã sâu thẳm nhất của nhân vật được hiển thị bằng màu sắc.

Tranh của Hom Nguyễn “bắt” được chiều sâu của cảm xúc và sự phức tạp của tình cảm trong tâm hồn nhân vật. Tác giả không chỉ vẽ “cái thấy được” mà cả “cái không thấy được” của nhân vật. Tranh của anh khiến người xem phải ngẫm nghĩ mình là ai, những gì mình tự bộc lộ và những gì mình còn che giấu trong cuộc sống bề bộn này.

(*) Grand Palais được xây dựng nhân World Expo Paris 1900, hiện là một trong những công trình kiến trúc lịch sử thu hút nhiều khách du lịch nhất của thủ đô nước Pháp

>Ấn tượng hội hoạ Việt Nam tại Tokyo

>7 hoạ sĩ động vật “nổi như cồn”

>Những tranh chân dung của cuộc thi tài Worth1000’s

>Tranh chân dung độc đáo của Jonathan Yeo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới tranh chân dung của Hom Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO