Sân khấu là nơi tôi được sống thực sự

XUÂN HƯỚNG thực hiện - Ảnh NGUYỄN Á| 24/09/2010 06:22

Một ngày giữa tháng 9, nghệ sĩ Ái Như đã chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng về những công việc mà chị đang theo đuổi bằng tất cả đam mê nghệ thuật sân khấu của mình.

Sân khấu là nơi tôi được sống thực sự

Từ một diễn viên trở thành đạo diễn, tác giả kịch bản, giảng viên Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, rồi bây giờ lại là một trong số “chủ trò” của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, ở người nghệ sĩ có vóc dáng nhỏ nhắn và rất dịu dàng này ẩn giấu nguồn nhiệt huyết đáng nể. Một ngày giữa tháng 9, nghệ sĩ Ái Như đã chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng về những công việc mà chị đang theo đuổi bằng tất cả đam mê nghệ thuật sân khấu của mình.

Trước tiên, xin được hỏi thăm đôi chút về Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh của chị. Ở thời điểm này, các sân khấu đều bị vấn nạn diễn viên chạy show cho truyền hình, Hoàng Thái Thanh làm thế nào để tránh tình cảnh này?

Ái Như trong vở Người trong cõi nhớ

- Khi chuẩn bị làm vở mới, tôi và anh Thành Hội thường lên kế hoạch rõ ràng về thời gian, dự kiến diễn viên tham gia với ít nhất là hai phương án. Sau khi mời được một diễn viên, tôi và người đó cùng bàn bạc để thống nhất kế hoạch cụ thể, và cố gắng giữ đúng lịch. Nếu có diễn viên đột xuất không thể đảm bảo được kế hoạch, thì chúng tôi cũng có phương án dự phòng, cho tập một lúc hai ê-kíp như nhau trước khi vở diễn ra mắt.

Ra đời vào thời điểm sân khấu không còn hoàng kim như trước, song sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn liên tục có vở mới để công diễn, trung bình mỗi tháng một vở thì phải?

- Sân khấu Hoàng Thái Thanh chính thức ra mắt công chúng vào ngày 14/2/2010 - Lễ tình nhân, vì chúng tôi làm kịch tình yêu, bao gồm không chỉ tình yêu nam nữ mà còn tình bạn bè, tình cha mẹ - con cái... Nói chung, tất cả đều xuất phát từ chữ tình và xoay quanh cái tình của con người.

Tính đến nay, Hoàng Thái Thanh hoạt động được 7 tháng, đã công diễn được 6 vở phục vụ người lớn và 1 vở cho thiếu nhi. Trong đó có những vở tái dựng như Người điên trong ngôi nhà cổ, Ngôi nhà thiếu đàn bà; có vở được viết lại và tái dựng như Bảo hiểm tình yêu; những vở khác mới hoàn toàn. Thực ra, tiêu chí ban đầu chúng tôi đặt ra là mỗi năm dựng 5 vở, nhưng thấy sân khấu mới mở mà trống “lưng” thì không được nên ban điều hành của Hoàng Thái Thanh phải nỗ lực tối đa.

Vậy sau hơn nửa năm hoạt động, tình hình kinh doanh của Hoàng Thái Thanh có khả quan không?

- Chúng tôi vẫn đang chờ đợi khán giả. Không thể nóng vội được. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận, vì sân khấu ra đời sau thì nỗ lực để cạnh tranh càng phải lớn, thời gian chờ đợi khán giả càng lâu hơn.

Thời gian qua và hiện nay, chúng tôi rất vui và cảm ơn sự ủng hộ của khán giả. Có nhiều suất diễn, màn nhung đã khép lại mà khán giả vẫn ngồi lại trong tiếng vỗ tay kéo dài. Sự yêu quý của khán giả là niềm khích lệ lớn nhất đối với Hoàng Thái Thanh. Hiện tại, tuy khán giả chưa nhiều, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận, và hạnh phúc với từng nụ cười, từng giọt nước mắt mà họ dành cho vở diễn và nghệ sĩ...

Như thế, chị và ê kíp điều hành Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn rất lạc quan về tương lai của mình?

- Nếu nói coi lợi nhuận và việc kinh doanh chỉ là chuyện nhỏ thì không đúng. Nhưng xuất phát điểm của ý tưởng xây dựng một điểm diễn mới của chúng tôi thực sự là từ đam mê và sự dấn thân vì nghệ thuật. Làm sân khấu là phải máu lửa, nhưng lượng khán giả ổn định vẫn luôn là một ẩn số. Cái gu kịch tâm lý xã hội như Hoàng Thái Thanh đang theo đuổi khá kén khán giả, nên chúng tôi càng phải kiên nhẫn...

Từ nay đến Tết Tân Mão, Hoàng Thái Thanh có gì mới dành cho khán giả?

- Nếu suôn sẻ, cuối tháng 9 này chúng tôi sẽ lên sàn tập một vở mới để cuối tháng 10 ra mắt, sau đó là 2 vở kịch diễn Tết. Chủ đề kịch của chúng tôi vẫn là dạng tâm lý xã hội đề cao chữ tình.

Ngoài làm đạo diễn, diễn viên, ở Hoàng Thái Thanh, thấy chị gần như phải nhúng tay vào tất cả các khâu, từ dàn dựng cảnh trí, thiết kế, chọn lựa phục trang, âm nhạc, sắp xếp lịch tập... Chị còn tham gia giảng dạy ở Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật nữa. Ngần ấy việc liệu có quá sức với chị không?

- Tôi muốn nói rõ hơn một chút, ở Hoàng Thái Thanh thì NSUT Thành Hội là Trưởng ban Điều hành, còn tôi phụ trách về kịch mục, kế hoạch diễn viên, lịch tập... cho vở diễn. Thực ra, công việc của tôi bây giờ cũng không khác nhiều so với trước kia. Chỉ có điều, trước kia tôi có thể làm từ từ từng việc, xong việc này mới sang việc khác, còn bây giờ thì phải làm tất cả cùng một lúc. Công việc nhiều, áp lực lớn hơn, nhưng tôi quen và thích nghi được.

Gia tài” của chị (riêng và chung) hình như cũng đến hàng chục vở. Giờ chị còn đủ thời gian để sáng tác không?

Ái Như và Thành Hội trong vở: "Ngôi nhà thiếu đàn bà"

- Còn chứ, vẫn sắp xếp được thời gian để sáng tác trong liên doanh Thành Hội - Ái Như. Khi nào bắt gặp một đề tài thú vị, hoặc có cảm tác khi đọc một câu chuyện hay, tôi vẫn “nhảy vào”. Nhưng thực lòng, Ái Như không muốn làm tác giả, không coi công việc tác giả là của mình, mà muốn tập trung vào vai trò của một đạo diễn.

Thế còn chuyện làm diễn viên thì sao? Vẫn thấy chị xuất hiện khá đều đặn trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh...  

 Công việc làm diễn viên cũng vậy, khi gặp nhân vật nào cảm thấy thú vị thì tôi tham gia, cũng là để phục vụ yêu cầu của khán giả, vì có nhiều người gặp tôi đã hỏi thăm có diễn trong vở này vở kia không.

Thực ra, khi làm đạo diễn, tôi không muốn làm diễn viên trong vở của mình, chỉ là bất đắc dĩ thôi, vì sợ khó khách quan. Bây giờ khi tập vở, tôi nhờ một diễn viên khác vào vị trí vai diễn của mình, khi dựng vở xong tôi mới “vào cuộc”, như thế mình nhìn được tổng thể vở diễn... 

Đâu phải bây giờ khán giả mới yêu cầu, mà từ hàng chục năm rồi Ái Như vẫn là một diễn viên được yêu quý với những vai tính cách. Chị có nhớ mình từng đóng bao nhiêu vai chính không?

- Tôi không nhớ chính xác, nhưng có lẽ chỉ vào vai chính khoảng dưới 10 vở thôi. Chẳng hạn, vai chính trong Ảo ảnh tình do tôi dựng, lẽ ra giao cho một diễn viên khác nhưng người đó bận nên Ái Như phải thế vai; hay vở Người điên trong ngôi nhà cổ, nhờ anh Thành Hội dựng mà Ái Như có vai chính (cười). Đa phần các vai diễn của tôi là thứ, mang tính cách “con nít”. Tôi là một diễn viên thiếu thước tấc nên đóng đào thương, đào đẹp không hợp...

Nghe kể, thuở ban đầu chị từng học diễn xuất ở Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM)?

- Ngay từ thời phổ thông tôi đã mê nghệ thuật. Trường Nghệ thuật sân khấu II là ngôi trường mà tôi thực sự muốn học, nhưng lúc đầu không dám thi vì sợ mình không có năng khiếu. Sau đó, tôi cũng mạnh dạn thi và đậu, học diễn viên chừng một năm thì nghỉ vì gia đình chuẩn bị xuất cảnh. Nhưng rồi tôi đã ở lại Việt Nam và lập gia đình.

Để sống, tôi đi buôn bán, song phải bỏ vì mình không phải là người vén khéo. Sau đó, tôi làm văn hóa quần chúng ở Xí nghiệp may Bình Minh. Những năm đầu 1980, phong trào văn hóa quần chúng ở Bình Minh rất mạnh, nhiều tiết mục tự biên tự diễn của tôi được huy chương vàng của ngành.

Anh Hai Thanh (nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt) - Trưởng phòng Văn hóa quần chúng bấy giờ biết tôi từng học diễn viên nên khuyên tôi đi học lại. Thực sự, sau khi bỏ học, tôi day dứt hoài. Năm 1986, anh Hai Thanh mua đơn cho tôi thi vào lớp Đạo diễn. Ông xã cũng khuyến khích tôi: “Đậu thì tốt, còn không thì cũng không hối tiếc nữa”. Tôi thi đậu và đi học lại từ năm 1987.

Như vậy, tính gộp lại chị đã có gần 30 năm sống với sân khấu. Tình yêu với sân khấu trong chị giờ đầy - vơi ra sao...

- Sân khấu với tôi như duyên phận. Khi xa môi trường sân khấu, tôi sống trong sự hụt hẫng và day dứt. Khi quay lại, tôi luôn nhủ với mình rằng đã gãy một lần rồi nối lại nên không được tắc trách với nghề. Tôi luôn trân trọng những gì mà Tổ nghiệp cho mình. Đến bây giờ, sân khấu vẫn là nơi tôi được sống thực sự. Và tình yêu, nhiệt huyết của tôi với sân khấu ngày càng đầy chứ không hề vơi đi. Tôi còn ấp ủ nhiều dự định mới cho sân khấu lắm. (cười)

Xin cảm ơn chị!


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sân khấu là nơi tôi được sống thực sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO