Phát triển nghệ thuật: Cần một hệ thống sản xuất và kinh doanh

XUÂN LỘC/DNSGCT| 24/02/2014 00:45

Tuấn Lê được biết đến là một đạo diễn trẻ tuổi mang đến cho khán giả yêu nghệ thuật sự hào hứng, cảm xúc lặng người và dư vị lâng lâng với hai chương trình nghệ thuật Làng tôi và À ố show.

Phát triển nghệ thuật: Cần một hệ thống sản xuất và kinh doanh

Tuấn Lê được biết đến là một đạo diễn trẻ tuổi mang đến cho khán giả yêu nghệ thuật sự hào hứng, cảm xúc lặng người và dư vị lâng lâng với hai chương trình nghệ thuật Làng tôi À ố show.

Anh đã truyền cảm hứng cho các diễn viên trên sân khấu đồng thời thực hiện sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc đu dây, tung hứng, nhào lộn, kịch câm, tuồng cổ, múa, hò vè hát lý, đờn ca tài tử, hip-hop, tạo hình… một cách đa dạng, nhuần nhuyễn và có phần dí dỏm.

“Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp được xem một chương trình nghệ thuật trực tiếp để lại nhiều cảm hứng và dư âm đẹp đến vậy”, một khán giả trẻ đã tìm đến Tuấn Lê để bày tỏ xúc cảm của mình sau chương trình À ố show diễn ra vào những ngày đầu năm 2014.

Trong cuốn sổ lưu bút đặt trước cửa Nhà hát TP. Hồ Chí Minh còn lưu lại rất nhiều lời nhận xét “xuất sắc”, “tuyệt vời”, “kỳ diệu”… bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức, Nhật… dành cho À ố show. Chương trình đã thành công ngay từ những ngày đầu ra mắt nhưng dường như Tuấn Lê vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Anh cho biết:

- À ố show nhận được sự khen ngợi của khán giả thành phố một phần vì xuất hiện đúng thời điểm. Rõ ràng hiện nay, thị trường nghệ thuật của người thành phố có quá ít sự lựa chọn. Riêng về nghệ thuật xiếc thì có phần đơn điệu và kém hấp dẫn. À ố show thu hút khán giả trong nước nhờ đa dạng hóa nghệ thuật xiếc, làm giàu ngôn ngữ xiếc bằng cách xây dựng các tiết mục múa xiếc, nhạc xiếc, kịch xiếc… Còn khán giả thế giới luôn đòi hỏi cao về nghệ thuật xây dựng chương trình lẫn biểu diễn. Vì vậy nên À ố show hiện tại muốn biểu diễn ở nước ngoài thì chương trình còn cần được đầu tư nhiều hơn và tôi còn rất nhiều việc cần phải làm…

Đạo diễn Tuấn Lê qua nét vẽ của họa sỹ Hoàng Tường.

*Anh đang muốn xây dựng một chương trình đặc sắc không kém "Làng tôi" của anh trước đó, một chương trình đã có gần 400 buổi biểu diễn trên khắp thế giới?

- Vì Làng tôi đã được khán giả nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ đón nhận và tán thưởng nên chương trình sau phải có chất lượng tương đương hoặc hơn thì tôi mới tự tin trình diễn ra thế giới.

Theo nhận xét của một vài đối tác là các nhà hát quốc gia ở Pháp, Đức, Áo… thì Làng tôi là một trong những sự kiện nghệ thuật đặc sắc hiếm có từ trước đến nay và khán giả ở châu Âu vẫn mong chờ chương trình Làng tôi trở lại sân khấu. Đó hẳn là một tín hiệu vui cho tôi nhưng đồng thời cũng là áp lực để tôi cần nỗ lực nhiều hơn trong công việc.

Hiện nay, Làng tôi đã làm rất tốt nhiệm vụ mang đến không gian thưởng thức mới lạ và để lại dư vị khó quên cho khán giả trong nước và trên thế giới. À ố show với tư cách là “đàn em” của Làng tôi thì phải đặc sắc, thú vị hơn và nhất là phải làm cho thế giới có ấn tượng với nghệ thuật xiếc Việt.

Hiện nay, À ố show đã nhận được một khoản đầu tư khoảng 50.000 USD từ một nhà hát ở Pháp để nâng cấp nội dung chương trình cùng lời mời lưu diễn trong ba năm tới. Đây là một nguồn động viên lớn để tôi và ê-kíp cố gắng hơn trong nghề.

*Anh đã định cư ở Đức và hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài từ lúc hơn 10 tuổi. Cơ duyên nào đưa anh trở về Việt Nam để thực hiện "Làng tôi"?

- Cách đây bảy năm, Làng tôi mà tôi về nước thực hiện với Đoàn xiếc Việt Nam là một chương trình biểu diễn ở Đức, không hứa hẹn sẽ biểu diễn ở Việt Nam. Vào thời điểm đó, tôi cũng chưa có ý định về quê hương để sống và hoạt động nghệ thuật. Nhưng sau một thời gian làm việc với các nghệ sĩ trong nước, tôi dường như được sống lại cuộc sống vốn có của mình. Vì vậy tôi mới quyết định trở về và định cưở nơi chôn nhau cắt rốn.

Khác với Làng tôi - một vở “xiếc mới” với chất liệu Việt Nam, À ố show xuất phát từ một ý tưởng kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà đầu tư muốn tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc Việt Nam dành cho du khách nước ngoài.

Cả tôi và một số anh em nghệ sĩ đều nhận thấy nền nghệ thuật nước nhà vẫn còn đơn sơ, rời rạc. Trong lúc đó, quê hương còn nhiều nguồn tài nguyên nghệ thuật vẫn chưa được khai thác. Vì vậy, cùng với những anh em thân thiết, tôi đã quyết định thực hiện Làng tôi và nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp khác để vừa kinh doanh lại vừa mang đến cho khán giả yêu nghệ thuật một sân chơi thú vị.

*Làng tôi đã xây dựng được nền tảng thành công, chỉ cần tập trung khai thác để kiếm lợi nhuận ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì sao anh lại tiếp tục xây dựng thêm chương trình "À ố show"?

- Vì tôi muốn xây dựng một chương trình “thuần Việt” hơn, bắt đầu từ trong nước rồi vươn ra thế giới. Hơn nữa, khác với Làng tôi - một vở “xiếc mới” với chất liệu Việt Nam, À ố show xuất phát từ một ý tưởng kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhà đầu tư muốn tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc Việt Nam dành cho du khách nước ngoài.

Có thể thấy rằng, tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn thiếu các chương trình nghệ thuật đưa vào tour của các công ty du lịch. Các chương trình rối nước thì được đầu tư sơ sài và kém hấp dẫn du khách. Một nhóm doanh nhân có tiếng tăm tại TP. Hồ Chí Minh sau khi xem Làng tôi đã quyết định đầu tư số tiền là 1 triệu USD để tôi thực hiện À ố show với mong muốn chương trình này sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc để giới thiệu đến du khách nước ngoài.

*Anh có thể chia sẻ thêm về doanh thu của chương trình cho đến lúc này?

- À ố show được xây dựng để trở thành một sản phẩm nghệ thuật được công diễn lâu dài, có thể là hơn mười năm giống như thành công lâu bền của Cirque du Soleil – show diễn kết hợp giữa những anh hề, nghệ sĩ nhào lộn, lực sĩ với trí tưởng tượng và sân khấu đã thành công vang dội ở châu Âu từ những năm 1980.

Trong những năm đầu, chúng tôi chỉ lo tập trung xây dựng chương trình và hệ thống bán vé là chính. Theo tính toán của nhà sản xuất thì À ố show không thể hoàn vốn trước năm năm đầu. Toàn bộ doanh thu của chương trình hiện nay chỉ có thể bù đắp được một phần chi phí tái đầu tư sau giai đoạn 1 mà thôi.

Tuy chưa có lợi nhuận đáng kể nhưng cả tôi và nhà đầu tư đều rất vui vì những suất diễn từ tháng 2 năm ngoái đến nay đều có đông khán giả đến xem, trong đó có nhiều khán giả nước ngoài. Nội dung của À ố show cũng dễ hiểu với khán giả nước ngoài vì tuy nội dung văn hóa hoàn toàn thuần Việt nhưng nghệ thuật xiếc và rối được diễn tả bằng ngôn ngữ hình thể trên nền âm nhạc pha trộn giữa Việt Nam và phương Tây.

Hiện nay, mỗi tuần trung bình À ố show công diễn khoảng bốn, năm suất ở Nhà hát Thành phố. Mỗi đêm có từ 300 đến 400 khán giả đến thưởng thức chương trình. Năm nay À ố show sẽ diễn trên dưới 200 buổi tại Nhà hát Thành phố, hy vọng khán giả trong nước ngày càng đón nhận nhiệt tình hơn.

*"À ố show" thu hút khoảng 80% khán giả là người Việt ở nước ngoài hoặc người nước ngoài, chỉ có 20% là khán giả trong nước… Phải chăng giá vé hơi cao so với khả năng của người dân?

- Đó cũng là một vấn đề cần cân nhắc nhưng tôi cho rằng một chương trình nghệ thuật đặc sắc “đáng đồng tiền bát gạo” như À ố show thì hoàn toàn đáng để khán giả trả một giá tương đối cao như thế.

Ở Việt Nam, người làm văn hóa – nghệ thuật có nhiều triển vọng phát triển vì người thưởng thức văn hóa – nghệ thuật có nhu cầu rất lớn, nhất là đối tượng người lớn tuổi. Tôi quyết định về nước cách đây gần hai năm sau một thời gian rong ruổi khắp thế giới để sáng tác và biểu diễn vì tôi tìm thấy tiềm năng phát triển ngành nghệ thuật tạp kỹ nơi đây.

Hơn nữa, những nghệ sĩ trẻ dường như chưa nhận thức đúng về giá trị dân gian, dân tộc. Nếu có cơ hội được tiếp cận, cọ xát với thế giới, hẳn những người trẻ sẽ nhận ra được những giá trị văn hóa dân gian đáng quý của dân tộc. Tôi trở về với mong muốn được chia sẻ về nhận thức này vì tôi lo lắng rằng trong cơn lốc của sự phát triển, nếu không ý thức được giá trị dân tộc, dân gian, chúng ta sẽ có thể đánh mất những yếu tố vô giá mà bao đời người Việt Nam đã giữ gìn và phát huy.

Nhiều năm làm nghệ thuật ở Đức, Pháp cho tôi kinh nghiệm là muốn phát triển nghệ thuật của một quốc gia thì cần xây dựng một hệ thống sản xuất và kinh doanh nghệ thuật. Vì hệ thống này sẽ giúp nhiều đơn vị cùng phát triển và kinh doanh nghệ thuật trong một vùng địa lý nhất định, cùng cạnh tranh lành mạnh và không giẫm đạp lên nhau. Và nếu chúng ta không thực hiện hóa việc xây dựng hệ thống nghệ thuật ngay từ lúc này thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuê chúng ta thực hiện nó để thu lợi nhuận vào một ngày không xa.

"Muốn phát triển nghệ thuật của một quốc gia thì cần xây dựng một hệ thống sản xuất và kinh doanh nghệ thuật. Vì hệ thống này sẽ giúp nhiều đơn vị cùng phát triển và kinh doanh nghệ thuật trong một vùng địa lý nhất định, cùng cạnh tranh lành mạnh và không giẫm đạp lên nhau."

- Đạo diễn Tuấn Lê

*Một câu hỏi có phần riêng tư, phải chăng thời thơấu khó nhọc đã rèn luyện một Tuấn Lê dám nghĩ dám làm như hiện nay?

- Có lẽ đúng là vậy. Tôi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố tôi là nghệ sĩ kèn trompet, mẹ là nhà soạn kịch và đạo diễn, anh trai là nhạc công dàn nhạc Berlin. Tôi trải qua một thời thơ ấu không êm đềm khi mẹ mất sớm, bố bị bệnh nặng. Cả gia đình chuyển sang Đức để vừa tìm kế sinh nhai vừa chữa bệnh cho bố tôi. Tôi phải làm việc kiếm sống từ rất sớm nhưng đó cũng là cơ hội cho tôi để tiếp cận môi trường nghệ thuật Berlin khi còn rất trẻ.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xiếc tại Berlin, tôi đã đi lưu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có một thời gian biểu diễn và dàn dựng cho Đoàn xiếc Mặt Trời (Cirque du Soleil) nổi tiếng của Canada.

Muốn phát triển nghệ thuật của một quốc gia thì cần xây dựng một hệ thống sản xuất và kinh doanh nghệ thuật. Vì hệ thống này sẽ giúp nhiều đơn vị cùng phát triển và kinh doanh nghệ thuật trong một vùng địa lý nhất định, cùng cạnh tranh lành mạnh và không giẫm đạp lên nhau.

Tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với những nghệ sĩ quốc tế, họ ứng xử với mình rất bình đẳng. Tôi bỗng thấy mình trưởng thành và làm quen rất nhanh với môi trường sân khấu. Ngoài ra, tôi cũng có một cái nhìn khác về xiếc – không còn là lối phô diễn kỹ năng như xiếc truyền thống mà quan trọng hơn là những thông điệp mà người diễn viên muốn truyền tải qua màn biểu diễn của mình. Ngoài ra, tôi được sống trong một môi trường nghệ thuật thân thiện, hết mình với niềm đam mê.

Ngoài ra, tôi còn học được tính tự lập và tinh thần làm việc nghiêm túc, kỷ luật từ người Đức. Vì vậy, giai đoạn đầu về nước, tôi đã khá bỡ ngỡ với cách làm việc theo cảm hứng của một số nghệ sĩ trong nước. Đến nay, khi đã làm quen với cách làm việc hơi “bất thường” của nghệ sĩ, tôi lại rất hứng thú với cách làm việc này vì cảm hứng cho nghệ sĩ những giây phút thăng hoa tự nhiên.

*Anh có gặp nhiều khó khăn khi làm việc với một ê-kíp đông đảo nghệ sĩ của nhiều lĩnh vực khác nhau, âm nhạc, đờn ca tài tử, xiếc, múa rối và cả cascadeur nữa?

- Có chứ, con người luôn là vấn đề “đau đầu” nhất của đạo diễn, đó là chưa kể nghệ sĩ là người luôn xem “cái tôi” của mình là quan trọng nhất. Một số nghệ sĩ lớn tuổi lại khó thay đổi cách làm việc quen thuộc của họ. Trong thời gian ngắn, họ cảm thấy khó khăn khi làm quen với cách làm việc mới. Với tôi, làm nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn đam mê, cái tôi của nghệ sĩ mà phải tạo được hiệu ứng từ khán giả, nâng cao sự hiểu biết của người xem đồng thời hướng họ đến chân – thiện – mỹ.

Tôi luôn phải dành nhiều thời gian để tìm điểm hòa hợp giữa các nghệ sĩ, giải quyết những xung đột giữa họ để có thể xâu chuỗi họ thành một hệ thống. Tôi không quá khó tính nhưng cầu toàn và mong muốn kết quả làm việc tốt nhất. Trong đối xử với anh em nghệ sĩ, tôi luôn đặt sự công bằng và thiện chí lên hàng đầu. Ngoài ra còn phải đảm bảo cho nghệ sĩ một công việc ổn định, đồng lương tốt hơn, có cơ hội làm tốt hơn công việc của mình, mở rộng tầm nhìn, khả năng biểu diễn trên sân khấu…

*Nghe nói anh còn bỏ công tìm kiếm một trung tâm để anh em nghệ sĩ luyện tập nữa?

- Làng tôi  À ố show đã có những thành công đáng khích lệ nhưng các nghệ sĩ không nên tự hài lòng và “giậm chân tại chỗ”. Muốn sản phẩm tồn tại lâu bền, nhà kinh doanh tiếp tục khai thác dài hơi thì cả ê-kíp phải luyện tập thường xuyên. Được biết rạp Hào Huê (quận 5) đang bỏ trống, tôi đã đề xuất và may mắn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh đồng ý cho thuê lại với giá phải chăng.

Có những khán giả nước ngoài bày tỏ sự tiếc nuối khi sân khấu của nhà hát quá nhỏ cho các nghệ nhân thể hiện. Tuy nhiên, theo tôi, một khán phòng nhỏ sẽ tạo điều kiện cho khán giả đến gần với diễn viên, thấy rõ cảm xúc thể hiện trên nét mặt của người biểu diễn.

*Khán giả đã quen với một Tuấn Lê đạo diễn nên không nhiều người biết anh từng là một diễn viên xiếc với giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc nhất (Award of Excellence) do Hiệp hội Tung hứng thế giới (IJA) trao tặng…

- Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa bao giờ hết đam mê đối với xiếc, nhất là với tung hứng. Nghệ sĩ tung hứng không chỉ làm việc với tay chân, đầu vai mà còn cần sự cảm nhận của các giác quan. Thú vị hơn, khi đã tập trung ở mức độ cao nhất thì người tung hứng hầu như không còn nghĩ đến sự tung – hứng nữa mà đầu óc trở nên thông thoáng, thư giãn, mặc sức suy nghĩ, tư duy về những điều khác.

Thời gian này, tôi đang tập trung để xây dựng nền tảng cho các chương trình nói trên nên không còn thời gian cho biểu diễn. Thời gian tới, khi mọi thứ đã ổn định, tôi sẽ tiếp tục luyện tập và truyền nghề cho những nghệ sĩ có nhu cầu. Ngoài ra, có thể tôi sẽ có mặt trên sân khấu để cùng các nghệ sĩ mang những thông điệp đẹp đến cho khán giả.

*Nghe nói anh đang còn kế hoạch về một chương trình dành cho thiếu nhi…

- Đúng vậy, đó là những chú rối khổng lồ có thể tương tác trực tiếp với trẻ em, hoàn toàn khác với nghệ thuật rối đơn điệu mà các em hay xem trước đây. Tôi đã bắt tay vào tìm kiếm các chất liệu cần thiết và nhà tài trợ cho chương trình này. Hy vọng chương trình rối này sẽ đến với các em thiếu nhi vào cuối năm nay.

Có thể nói, đây là thời điểm tôi tràn đầy nhiệt huyết, đam mê, khát vọng và đủ sức khỏe để cống hiến cho nghệ thuật. Tôi có nhiều cơ hội để cống hiến cho nghề, cho nền nghệ thuật quốc gia. Mặc dù không đặt nặng vấn đề tài chính vì các chương trình của tôi đều đã có những nhà tài trợ nhưng tôi vẫn luôn đặt hết trách nhiệm vào công việc để sản phẩm của mình luôn có chất lượng tốt nhất.

Với tôi, một sản phẩm nghệ thuật không thể dùng để “thí nghiệm” mà chương trình phải chắc chắn thành công và tất cả nghệ sĩ phải sống được với nghề. Làng tôi hay À ố show cũng đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn chồng chất nhưng niềm tin và sự đoàn kết đã giúp chương trình sống được đến hôm hay.

*Anh sẽ ở lại Việt Nam luôn chứ?

- Vâng, nếu không có gì thay đổi thì tôi sẽ sống ở Việt Nam đến cuối đời. Tâm huyết của tôi là xây dựng những tác phẩm để người Việt có thể ý thức và cảm thấy tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam. Chẳng hạn như việc chọn chất liệu tre nứa, trang phục làng quê để làm nghệ thuật, Làng tôiÀ ố show khẳng định đây là những vật dụng mang đậm nét văn hóa và hoàn toàn khác biệt.
Nhiều chương trình của tôi sau này cũng vậy, sẽ tận dụng những chất liệu quen thuộc và nâng lên thành những nét độc đáo của quốc gia.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện. Chúc các chương trình của anh sẽ tiếp tục được khán giả đón nhận và khen ngợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển nghệ thuật: Cần một hệ thống sản xuất và kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO