NS Anh Quân:Chiêu trò không phải là con người tôi

HỒ HUY SƠN THỰC HIỆN| 30/10/2013 06:51

Không còn kín tiếng và lắc đầu trước những lời mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế, nhạc sĩ Anh Quân đã nhận lời làm giám khảo thứ ba của cuộc thi Vietnam Idol, thay thế nhạc sĩ Quốc Trung.

NS Anh Quân:Chiêu trò không phải là con người tôi

Không còn kín tiếng và lắc đầu trước những lời mời xuất hiện trên các chương trình truyền hình thực tế, nhạc sĩ Anh Quân đã nhận lời làm giám khảo thứ ba của cuộc thi Vietnam Idol, thay thế nhạc sĩ Quốc Trung. Cái gật đầu này một lần nữa cho thấy sức hấp dẫn của vị trí ghế nóng với những người nổi tiếng...

Đọc E-paper

Ảnh: Đại Ngô

Nhạc sĩ Anh Quân - Ảnh: Đại Ngô

* Bất ngờ nhận lời mời làm giám khảo cho Vietnam Idol, anh đánh giá đây là một cuộc vui, là nơi tạo thêm sự chú ý của dư luận hay đơn giản công việc này đang hái ra tiền?

- Tôi nghĩ đây không hẳn là một cuộc vui, mà cũng không hẳn là một công việc hái ra tiền. Lý do để tôi nhận lời tham gia là qua cuộc thi này, tôi được tiếp xúc với rất nhiều gương mặt mới, từ đó có thể tìm ra những tài năng mới. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với những gương mặt mới cũng giúp tạo ra những cảm hứng mới. Đó là điều quan trọng đối với một nhà sản xuất âm nhạc như tôi.

* Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, mục đích chính của các chương trình như Vietnam Idol là để giải trí, tăng sức hấp dẫn khán giả, chứ nó không có nhiệm vụ sản sinh ra những ngôi sao hay phát hiện những thiên tài. Anh đi tìm cảm hứng ở những nơi như vậy, liệu có hợp lý chăng?

- Bạn không thể nào bảo rằng, tôi đã thành công rồi thì không cần cái gì mới, cứ thế mà làm. Quan niệm như vậy là sai lầm. Nếu muốn đi tiếp con đường của mình, bạn phải hiểu rằng chính những gương mặt mới hay những phong cách mới thường tạo ra cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo.

* Nhưng mẫu số chung của các chương trình truyền hình thực tế hiện nay là càng về sau càng đuối, càng kém hấp dẫn. Khi đó, nhà sản xuất đành phải viện tới các chiêu trò để thu hút khán giả, trong đó không thể không kể đến chiêu trò của các vị giám khảo, anh có nghĩ thế không?

- Nếu chuyện chiêu trò mà có kịch bản sẵn để đạt được một cái gì đó cho Vietnam Idol thì chắc chắn tôi sẽ tìm cách từ chối vì đó không phải là con người của tôi. Nhà sản xuất cũng thừa biết như vậy. Tất nhiên chương trình có năm hay, có năm dở, bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng thí sinh. Tôi nghĩ trong cuộc chơi này, trong mắt khán giả, thí sinh mới đóng vai trò chính chứ không phải giám khảo.

* Nhưng trên thực tế đã có không ít giám khảo bị "vạ miệng" khi ngồi trên chiếc ghế này?

- Tất nhiên tôi cũng phải lo lắng về chuyện này vì trong chương trình truyền hình trực tiếp, có nhiều người chú ý đến mình nên chắc chắn sẽ có lúc mình không giữ được sự tỉnh táo. Kể cả những lúc chỉ có hai người nói chuyện với nhau cũng khó tránh khỏi xảy ra vạ miệng, lỡ lời.

Tổn thương do "vạ miệng" là chuyện đương nhiên, nhưng tôi nghĩ khán giả cũng sẽ cảm thông. Thật ra tôi chưa nghĩ đến chuyện rủi ro khi nó chưa xảy ra. Nếu mình cứ lo xa như thế thì mệt lắm, rồi lại không dám nhận lời làm việc gì nữa đâu.

* Vậy, điều anh quan tâm nhất hiện nay là gì?

- Đó là chuyện bản quyền, đây là vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống âm nhạc hiện giờ; và nó cũng là tác nhân tạo ra tình trạng bát nháo hiện nay trên thị trường âm nhạc. Rất nhiều album được làm nghiêm túc, công phu nhưng ngay sau khi ra mắt đã thấy xuất hiện ồ ạt trên các diễn đàn âm nhạc và hoàn toàn miễn phí. Hay như nhiều bạn trẻ khi phát hành album cũng chấp nhận "cho không biếu không" chỉ với mục đích để nhiều người biết đến mình.

Đây chính là lý do khiến chúng ta ít có những album hay, nghiêm túc. Khi ai đó làm ra một sản phẩm, tất nhiên họ muốn sản phẩm của họ được tôn trọng. Tôi chưa nói đến chuyện doanh thu, mà đang nói về sự tôn trọng giữa con người với nhau. Tôi cảm thấy đây là một sự xúc phạm đối với những người làm nghề nghiêm túc. Khi tôi vừa phát hành album, ngay lập tức nó cũng xuất hiện đầy rẫy trên mạng. Rất nhiều người khen hay rồi thản nhiên tải về nghe, họ còn dương dương tự đắc, xem như đã ban cho người nhạc sĩ một đặc ân.

Tôi cũng nói thật, một xã hội có văn minh đến mấy mà việc nghe nhạc miễn phí trên mạng diễn ra thoải mái, không có rào cản gì cả thì đương nhiên người ta hưởng ứng, chứ dại gì tự nguyện trả phí.

* Nhưng trong lúc chờ ai đó cứu, sao anh không tự cứu mình?

- Tôi đã tự cứu mình nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thua. Có thể nói tôi là người đầu tiên làm đĩa than, nhưng cũng không thể tự bảo vệ mình được. Bởi vì nếu người ta muốn lấy miễn phí thì vẫn lấy được. Tôi cho rằng, người dân không thể chống lại kẻ cướp, kẻ trộm nên mới phải có lực lượng công an. Chúng tôi không phải là công an nên đừng bắt chúng tôi làm những việc đó. Chuyện bản quyền thuộc về nhà quản lý, họ phải giúp người dân chúng tôi làm chuyện ấy chứ chúng tôi không thể làm thay họ được.

* Vậy anh cũng như nhiều người, chấp nhận "sống chung với lũ”?

- Đương nhiên là phải sống chung chứ chả còn cách nào khác. Cứ hỏi khán giả, giữa một đằng mất tiền để nghe nhạc một cách hợp pháp, còn một đằng không mất tiền và chưa bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, họ sẽ chọn cách nào? Vấn đề chính ở đây không nằm ở khán giả mà ở những nhà quản lý. Không thể trách khán giả về việc này.

* Xin cảm ơn anh về những trao đổi thẳng thắn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
NS Anh Quân:Chiêu trò không phải là con người tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO