Nhiếp ảnh gia – Nhà báo Giản Thanh Sơn: Đời cơ bản là vui!

XUÂN LỘC - Tranh: HOÀNG TƯỜNG/DNSGCT| 06/07/2017 06:16

Nhiếp ảnh gia có trong tay nhiều bộ ảnh độc nhất vô nhị về Việt Nam từ trên không.

Nhiếp ảnh gia – Nhà báo Giản Thanh Sơn: Đời cơ bản là vui!

Mới đây, bộ ảnh “Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam” của Nhiếp ảnh gia – Nhà báo tự do Giản Thanh Sơn đã được xác lập kỷ lục về “Bộ sách ảnh cao cấp đầu tiên về đảo và bờ biển Việt Nam”.

Đọc E-paper

Trước đây, ông cũng từng xác lập kỷ lục “Người chụp ảnh chân dung chính khách nhiều nhất Việt Nam”. Riêng bộ ảnh về đảo và bờ biển Việt Nam chụp từ không trung, Giản Thanh Sơn đã thực hiện trong vòng 20 năm với không biết bao nhiêu chuyến bay dọc theo chiều dài đất nước hình chữ S.

Ở mỗi vùng đất, ông lại có hàng trăm lần bấm máy mà mỗi lần lại cho nhà nhiếp ảnh một cảm xúc, rung động khác nhau. Ngồi trong một chiều mưa đầu tháng 5, ông kể vanh vách từng góc ảnh thật đẹp và ấn tượng về quê hương. Tôi nghe trong giọng của ông một sự xúc động mãnh liệt với nơi “chôn nhau cắt rốn” cũng như nghề viết báo và nhiếp ảnh ông đã gắn bó hơn 40 năm. Rồi Giản Thanh Sơn mở ra tấm ảnh ông ngồi bên cửa một chiếc trực thăng đang bay trên trời cao, trong tay ông “lăm lăm” chiếc máy ảnh với ống kính có cự ly lớn. Ông nói:

Tôi đã chụp ảnh Việt Nam từ trên không như vậy đó. Tôi được “đặc cách” ngồi ở khoang cửa mở tung trên những chuyến bay huấn luyện của Trung đoàn trực thăng 917 thuộc Sư đoàn không quân 370, toàn thân tôi đã được dây an toàn giữ chặt, mái tóc bồng bềnh tha hồ tung bay trong gió mạnh. Nhiệm vụ của tôi là chọn góc để “lia” ống kính và “bắt” nhanh những khoảnh khắc quê hương tươi đẹp bên dưới. Thật may là tim tôi đủ khỏe đầu tôi đủ vững để có thể tác nghiệp khi đang “bay trên những làn mây”.

* Hiếm người được “quá giang” trên những chuyến bay huấn luyện quân sự như ông. Bằng cách nào mà ông có được cơ hội này?

- Có lẽ bằng sự chân thành và lòng đam mê, chứ không tiền bạc nào có thể mua được chỗ ngồi này. Các chiến hữu từ chỉ huy đến các sĩ quan phi công, kỹ thuật dẫn đường… quý mến và hỗ trợ tối đa, tạo cơ hội cho tôi được thực hiện bộ ảnh “độc nhất vô nhị” từ thời điểm cách đây 20 năm, khi trong tay tôi chỉ có vài phương tiện tác nghiệp thô sơ. Các anh ấy còn nói vui là số giờ bay của Giản Thanh Sơn còn nhiều hơn phi công tác chiến. Tôi cho đó là một vinh dự, đôi khi tôi còn thấy cảm động đến rơi nước mắt. Tôi không thể nhớ hết mình đã qua bao nhiêu chuyến bay, ngồi cùng bao nhiêu đời chỉ huy và phi công. Chỉ nhớ tôi đã được các “chiến hữu” hỗ trợ hết mình với tình cảm trìu mến. Thông thường hôm nào có chuyến “quá giang” để tác nghiệp trên không là tôi đã có mặt ở phi trường từ 4 giờ 30 sáng, chuẩn bị ăn sáng cùng đoàn phi công và sẵn sàng lên đường. Bữa ăn tiêu chuẩn của các anh ấy thì quá nhiều đối với tôi. Riêng tôi chỉ mê món cơm nóng thịt kho và trà đá ăn cùng các anh phi công trước giờ bay…

* Và cảm xúc của ông trong những lần được ngắm đất nước ở một góc nhìn đặc biệt như thế nào?

- Đó là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp quê hương, sự xúc động khi thấy đất nước thay da đổi thịt qua từng giai đoạn phát triển. Biết bao nhiêu lần tôi không cầm được nước mắt khi có dịp bay qua không phận miền Tây – trong đó có quê tôi. Quang cảnh trước mắt tôi đẹp tựa bức tranh, với những cánh đồng thẳng tắp sắp vào mùa thu hoạch ở vùng đất mũi Cà Mau, những vạt khói đốt đồng ở miền sông Hậu, Vĩnh Long, thú vị khi bắt gặp một ngôi làng nhỏ ven kênh hoặc khi bay qua những hòn đảo hoang sơ trên vùng biển đẹp Tây Nam… thật yên bình. Rồi khi bay qua không phận Sài Gòn, nơi tôi đang sinh sống, tôi cảm nhận rất rõ sự phát triển nhanh chóng của Hòn ngọc Viễn Đông so với cách đây năm, mười năm. Trước đây, mỗi khi có dịp bay qua những vùng ngoại ô Sài Gòn như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Thủ Đức nhìn thành phố vẫn còn thưa vắng, nhà cửa lụp xụp. Bây giờ, chứng kiến các công trình xây dựng ồ ạt, nhà máy, khu công nghiệp, đô thị mới, biệt thự mọc lên san sát…, tôi càng cảm thấy tự hào và mong thành phố sẽ liên tục phát triển hơn nữa. Những cảm xúc đan xen với niềm tự hào khó tả ấy có lẽ người đọc sẽ cảm nhận được qua ấn phẩm mới “Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam”.

* Trong lĩnh vực nhiếp ảnh có rất nhiều đề tài “dễ chịu” hơn, sao ông lại chọn đề tài chụp ảnh từ trên không gai góc đến vậy?

- Thực ra khi chọn đề tài này tôi không nghĩ là khó, chỉ khi bắt tay vào thực hiện mới thấy là… gai thật! Nhưng tính tôi rất lạ, khi buồn càng làm việc hăng say, lúc khó khăn tôi càng quyết không bỏ cuộc.

Tôi bắt đầu nghĩ đến đề tài chụp ảnh từ trên không trong lần bay đầu tiên, tôi như thấy một đời sống khác của Sài Gòn từ trên cao, khi tầm nhìn không bị chắn bởi những tòa nhà cao tầng. Đó là một Sài Gòn trải rộng dưới làn mây bay và thay đổi từng ngày, từng giờ. Tôi cảm thấy thật thú vị và cần thiết phải ghi lại sự thay đổi này qua bộ ảnh “Không ảnh Sài Gòn”. Qua đó, Sài Gòn vốn quen thuộc bỗng trở nên khác lạ, tươi mới với những chấm đỏ của những mái nhà đỏ thắm như những nụ hoa. Sài Gòn tươi mới và ấm nồng như vậy, sao không yêu cho được?

Còn về biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa – những mảnh đất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc, thật đẹp và kỳ vĩ. Đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh, từ trên trực thăng nhìn xuống, phong cảnh bờ biển cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trên biển quê hương như đan xen, quấn quýt ôm chặt vào dải đất hàng nghìn năm lịch sử của cha ông nước Việt. Những bãi cát ven biển vàng óng, những con sóng bạc đầu từ màu xanh thẳm của biển đẩy vào, vỗ về bờ cát. Và Trường Sa Lớn giống như mũi một con tàu hiên ngang vững chãi giữa biển khơi. Nơi đây người dân đã bao đời quyết tâm xây dựng Trường Sa Lớn từ một hòn đảo toàn cát trắng trở thành một dải đất trù phú, rợp mát bóng cây xanh… Thật sự, cái đẹp của thiên nhiên có sức mê hoặc đối với con người một cách lạ lùng. Sự mê hoặc này khiến tôi không ngại khó ngại khổ để ghi lại cho bằng hết từng bờ biển, từng hòn đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

* Không chỉ chụp về quê hương đất nước, ông còn chụp về chân dung chính khách như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, Tổng thống Pháp François Mitterrand, Hoàng tử Nhật Bản Akishino, ba vị tổng thống Mỹ… Hẳn là không dễ gì chụp được những bức ảnh này?

- Chụp ảnh nguyên thủ đôi khi không khó bằng chụp ảnh đời thường, chẳng hạn như chụp ảnh những người ăn xin trên phố. Nếu chỉ chụp vội vàng những người nghèo khổ, tàn tật nằm lê lết thương tâm trên đường, như cách mà một số người vẫn vô tư thực hiện để đưa lên mạng xã hội, tôi cho là hơi bất nhẫn và thiếu đạo đức nghề nghiệp. Khi muốn chụp những mảnh đời này, tôi thường phải xin phép người được chụp ảnh và thậm chí phải chia sẻ chút “quà” để gọi là hỗ trợ cho hoàn cảnh bi đát của họ.

So với chụp ảnh phong cảnh từ trên máy bay thì chụp ảnh nguyên thủ đỡ nguy hiểm hơn nhưng rất khó để bắt được khuôn mặt, thần thái của những vị này. Chúng ta đều biết đó là những nhân vật quan trọng của một quốc gia, đi đến đâu cũng có hàng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt đến đó. Có lúc phải chen lấn, tranh giành để “chớp” lấy khoảnh khắc với đồng nghiệp. Chọn chỗ đứng tốt nhưng cảm xúc chưa tốt cũng khó có được một tấm ảnh đẹp. Ngoài góc máy đúng, ánh sáng thiên phú, thì sự phán đoán của nhà nhiếp ảnh cực kỳ quan trọng, phải biết bắt đúng khoảnh khắc, trạng thái vui buồn của nhân vật. Vì vậy, mỗi bức ảnh đối với tôi đều có một câu chuyện kể riêng biệt… Và cái khó là làm sao để có thể tiếp cận gần nhất, chọn góc chụp thật tốt và phải bình tĩnh để nắm bắt những khoảnh khắc tính bằng giây…

* Rồi ông đã khắc phục cái khó này thế nào để có những tấm ảnh độc đáo của nhiều nguyên thủ quốc gia mà hiếm người có được?

- Tôi thuyết phục những người cận vệ bằng sự chân thành để có được vị trí tốt. Và tôi luôn làm việc bằng đam mê, tâm huyết cùng sự nhẫn nại, chịu khó. Những bức chân dung chính khách trông đơn giản thế nhưng để chụp được gian khổ lắm. Tôi gần như phải đứng “canh” hàng giờ liền để không bỏ lỡ một cử chỉ nhỏ nào của nhân vật. Đôi lúc bị run tay vì chiếc ống kính máy ảnh quá nặng nhưng tôi cũng không dám hạ máy xuống. Tôi cũng không dám chớp mắt vì sợ lỡ mất một cơ hội khoảnh khắc từ chính khách, thậm chí khi nước mắt chảy ràn rụa trên má vì cay, mỏi mắt cũng không dám quay đi để lau.

* Quả thật không dễ gì để có những tấm ảnh quý giá, xứng đáng với một bộ ảnh đạt kỷ lục quốc gia, đúng không thưa ông?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ làm việc khổ cực để đạt kỷ lục, chỉ muốn làm hết mình với đam mê mà thôi. Đi, viết và chụp ảnh là đam mê của tôi từ lứa tuổi học trò. Tôi khi đó là con trong một gia đình nông dân nghèo ở Long An, rất mê đọc những dòng tin chiến sự in trong mấy mẩu giấy nhật trình gói xôi. Tôi học cách sống mạnh mẽ, vượt qua cái nghèo và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu làm báo nhiều khó khăn, tiền bạc túng thiếu nhưng tôi quyết không bỏ nghề. Đến bây giờ, có người nói nghề báo rất bạc bẽo, nhưng tôi không nghĩ như vậy, cũng như không thấy chán nghề bao giờ và tôi rất vui với sự lựa chọn của mình. Niềm vui của tôi là được ghi lại hình ảnh về những vùng đất mà mình đã từng đi qua.

* Và ông hiện đang sở hữu một gia tài lớn hiếm ai có được, đó là hàng ngàn bức ảnh về chính khách, hàng chục ngàn tấm ảnh về quê hương đất nước chụp từ trên cao…

- Thì tôi vẫn lấy đó làm niềm vui mỗi ngày, thay vì chỉ nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Dù thực tế đang sống trong hoàn cảnh kinh tế không khá lắm nhưng tôi vẫn thấy đời mình an nhiên và đủ đầy với những tài sản về nghề. Nói như nhà nhiếp ảnh Vũ Hải Sơn: “Đời cơ bản là vui!”, nên tôi không bao giờ buồn lâu, cũng không bao giờ so sánh mình với những người bạn doanh nhân…

* Ông có cơ duyên trở thành phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong suốt một nhiệm kỳ năm năm, cùng ông ấy “công du” khắp nơi. Xin ông chia sẻ đôi chút về công việc này?

- Cái khó của nghề phóng viên chuyên trách chính là nhanh lẹ, chính xác, kịp thời, ghi nhớ, lưu trữ. Bạn thử tưởng tượng một ngày chủ tịch nước chủ trì hơn cả chục sự kiện khi đi công du, ở mỗi sự kiện gặp gỡ không biết bao nhiêu người với những nội dung trò chuyện không trùng nhau. Cứ cuối ngày tôi lại bắt đầu ngồi phân loại, ghi chú cho từng sự kiện, từng nhân vật như vậy, đó không phải là việc giản đơn. Từ những kinh nghiệm nghề nghiệp, những trải nghiệm cuộc sống, tôi đã tận dụng những cơ hội tháp tùng các chuyến công du thế giới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhiệm kỳ 2011-2016) để sở hữu một bộ ảnh về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo quốc gia với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới mang tính sử liệu về đối ngoại của Việt Nam trong thời hội nhập.

Quả là một tư liệu quý. Hơn nữa, theo như đánh giá của nhiều người thì đối với từng bức ảnh, người xem đều có thể cảm nhận về cảm xúc của ông trong từng sự kiện, từng nhân vật chứ không đơn thuần chỉ là một tấm ảnh rõ mặt…

Làm nghề gì muốn thành công cũng đều phải có cảm xúc, riêng việc viết lách và chụp ảnh lại càng cần có cảm xúc hơn vì đây là công việc thiên về nghệ thuật, cái đẹp. Hầu như tấm ảnh nào của tôi cũng đặt vào xúc cảm của cá nhân, không phải cứ cầm máy lên và chụp một cách đơn thuần. Đôi khi mình chụp một vật vô tri vô giác mà còn cảm thấy vui và tràn đầy cảm xúc, thậm chí có lúc tôi còn thấy tấm ảnh về bức tường… biết nói là hãy biết tha thứ và yêu thương! Có người nói trời mù mây che thì chụp ảnh không đẹp, tôi lại nghĩ rằng trời mù có nét đẹp riêng nếu có cảm xúc. Tuy nhiên, muốn có tấm ảnh đẹp thì không chỉ có kỹ thuật, cảm xúc mà còn phải chịu khó. Người làm nghề chụp ảnh mà không thức khuya dậy sớm thì cũng khó có tấm ảnh đẹp.

Ngày nay, việc chụp ảnh đã đơn giản hơn nhiều so với trước đây nhờ máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, làm nghề báo, hay nghề chụp ảnh lúc nào cũng phải chăm chút, không thể xem thường. Việc chụp ảnh sự kiện có vẻ nhẹ nhàng, đơn giản nhưng cũng phải đầu tư về máy móc lẫn thời gian. Bất cứ sự kiện nào tôi cũng có mặt trước khoảng 30 phút để nắm tài liệu, chọn góc chụp, tiếp xúc với nhân vật, hỏi thêm thông tin sự kiện… Thời gian nghỉ ngơi cũng là lúc tôi bắt đầu trăn trở cho những dự án tiếp theo của mình.

* Là người luôn trăn trở cho công việc như vậy có lẽ ông hầu như có rất ít thời gian cho bản thân và bạn bè?

- Ông bà ta hay nói “Nhàn cư vi bất thiện”, còn giới trẻ trên mạng xã hội hay nói vui rằng “Rảnh rỗi sinh nông nổi”, tôi không có thời gian rảnh rỗi để làm những chuyện nông nổi thì cũng tốt chứ sao? Có lẽ tôi hơi khó tính khi làm nghề nhưng với tôi, đã chọn nghề nào thì phải chăm chút, làm việc đến nơi đến chốn. Những cơ duyên trong đời cũng từ nghề mà ra. May mắn trong đời tôi phần lớn là do bản thân tự nỗ lực mà có. Hầu như chưa có công việc nào làm khó được tôi vì tôi có khả năng thích nghi nhanh với môi trường sống lẫn điều kiện công việc. Tôi cũng rất chịu khó học hỏi để cập nhật những kiến thức, kinh nghiệm mới. Tôi luôn tin rằng cứ nỗ lực hết mình với nghề thì thành quả sẽ đến. Và tôi cũng luôn cảm ơn đời vì mình còn yêu đời và đời luôn ban tặng cho mình những chuyến đi tuy có vất vả nhưng đầy thi vị của cuộc sống.

* Trong giai đoạn nghỉ ngơi sau khi ra mắt sách ảnh “Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam”, có lẽ ông đang chuẩn bị cho những dự án tiếp theo không kém phần thú vị?

- Dự án tiếp theo thì nhiều, một trong số đó là cuốn sách “Vòng quanh thế giới”, hy vọng được sự đón nhận của độc giả như những triển lãm đã ra mắt trước đây.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc ông tiếp tục thành công với những dự án mới.

>>"Gánh" của nhiếp ảnh gia Công Toại

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiếp ảnh gia – Nhà báo Giản Thanh Sơn: Đời cơ bản là vui!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO