Nhiếp ảnh gia Justin Mott: "Tôi phải lòng Hà Nội"

QUÝ YÊN| 30/03/2012 05:26

Tự nhận mình đã “phải lòng” Hà Nội và quyết định xây dựng sự nghiệp tại nơi này, nhiếp ảnh gia Justin Mott đã gây bất ngờ với khả năng nắm bắt những hình ảnh rất đặc trưng của Việt Nam, nhưng không phải bằng con mắt của một người nước ngoài.

Nhiếp ảnh gia Justin Mott:

Tự nhận mình đã “phải lòng” Hà Nội và quyết định xây dựng sự nghiệp tại nơi này, nhiếp ảnh gia Justin Mott đã gây bất ngờ với khả năng nắm bắt những hình ảnh rất đặc trưng của Việt Nam, nhưng không phải bằng con mắt của một người nước ngoài.

* Là nhiếp ảnh gia được đào tạo bài bản về báo chí và từng có nhiều giải thưởng ở Mỹ, tại sao anh lại quyết định gắn bó với Việt Nam?

- Trong chuyến du lịch vòng quanh Đông Nam Á, Hà Nội là thành phố đầu tiên tôi dừng chân. Tôi đã gặp một nhóm nhiếp ảnh gia tại đây, họ đã đưa tôi đi khắp nơi và giúp tôi khám phá ra những điều tuyệt vời của thành phố này.

Tôi đã “phải lòng” Hà Nội vì thành phố này rất đặc biệt với một cá tính riêng. Vì vậy, kế hoạch lâu dài của tôi là sẽ định cư ở Việt Nam.

* Các tác phẩm về nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam của anh đã khiến người xem bất ngờ. Nếu tự đánh giá, anh thấy tác phẩm ấn tượng vì hiện thực đau lòng hay vì tay nghề người chụp ảnh?


- Tôi làm việc với tất cả thể loại ảnh nhưng lĩnh vực tôi được đào tạo và cũng là niềm đam mê của tôi là ảnh phóng sự. Dù thể loại này không đem đến nhiều nguồn tài chính nhưng tôi vẫn lao mình vào vì say mê những câu chuyện thực mà cuộc đời mở ra mỗi ngày.

Trung tướng Phạm Tuân - người đầu tiên của Việt Nam và Châu Á bay vào vũ trụ qua ống kính của Justin Mott

Theo tôi, hai yếu tố thực tế và kỹ năng của nhiếp ảnh gia đều quan trọng ngang nhau. Với ảnh báo chí thì việc thể hiện thực tế một cách khách quan là rất quan trọng, nhưng là nhiếp ảnh gia bạn cần phải thể hiện cái thực tế mà nhiều người đã biết theo một cách khác đầy tính sáng tạo và kỹ thuật, nhưng tuyệt đối không được thay đổi thực tế.

* Trong đó, vai trò của máy móc, công nghệ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm, thưa anh?


- Trong lĩnh vực ảnh phóng sự, tôi không cho rằng sức mạnh của công nghệ có ảnh hưởng lớn đến tác phẩm. Bằng chứng là những bức ảnh chụp bằng phim vẫn còn tồn tại và được ưa chuộng trong thế giới hiện đại.

Có rất nhiều nhiếp ảnh gia thấy mình cần phải cập nhật những loại máy móc và công nghệ mới nhất để phục vụ cho công việc. Đối với tôi, việc có một tầm nhìn độc đáo, tính kiên nhẫn và sự toàn tâm toàn ý trong mỗi bức ảnh sẽ đánh bại bất cứ loại máy móc hiện đại nào khác.

* Sống ở Việt Nam khá lâu, theo anh, nhiếp ảnh tại đây có được xem là một nghề chính thống?


Ảnh đường phố Hà Nội của Justin Mott

- Điều đó quả thực rất khó để đánh giá bởi vì có rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiếp ảnh như ảnh nghệ thuật, ảnh phóng sự, ảnh cưới và ảnh quảng cáo. Tôi thấy, rất nhiều người chỉ coi nhiếp ảnh như một thú vui nhưng tìm ra cách biến nó thành một nghề để sống thì có thể rất khó khăn.

Tôi đã từng học về lĩnh vực ảnh phóng sự trong một trường đại học danh tiếng ở Mỹ nhưng ngay tại đó họ cũng không hề dạy chúng tôi cách kinh doanh trong nghề này. Chúng ta phải học “kiếm tiền” theo cách của riêng mình thôi.

Nhiều người không hiểu rõ về nghề nghiệp của tôi nên nghĩ rằng đó có thể chỉ là thú vui của tôi và tôi không được trả tiền để đi từ nơi này sang nơi khác chụp ảnh. Nếu họ hỏi công việc chính của tôi làm gì, tôi sẽ trả lời: “Tôi là một nhiếp ảnh gia”.

* Từng triển lãm chung với các nhiếp ảnh gia Việt Nam, đánh giá của anh về họ?

- Việt Nam có rất nhiều tài năng nhiếp ảnh báo chí và con số này vẫn đang tăng lên. Vấn đề là không có nhiều nguồn thu nhập đến từ ảnh nghệ thuật và ảnh phóng sự, bởi vậy có rất nhiều nhiếp ảnh gia tài năng lựa chọn từ bỏ “câu chuyện của mình” để chụp ảnh cưới hoặc ảnh quảng cáo.

* Còn các cuộc thi ảnh ở Việt Nam thì sao, thưa anh?

- Tôi đã từng tham gia làm giám khảo một số cuộc thi ảnh ở Việt Nam. Tôi nhận thấy các cuộc thi còn thiếu phần hướng dẫn, đào tạo cho thí sinh.

Một tác phẩm khác về Việt Nam của Justin Mott - ông chủ thương hiệu Phở 24

Những nhà nhiếp ảnh trẻ nên có một khoảng thời gian được học thêm về một vấn đề nào đó, sau đó mới đem vào thực hành và cuối cùng mới là cuộc thi để đánh giá năng lực.

Tôi nghĩ những người cầm máy phần nhiều đang sao chép ý tưởng của những bức ảnh đoạt giải, còn những người có phong cách riêng thì phải làm việc thật nhiều để cho ra đời một bức ảnh rồi sau đó bị người khác sao chép thành nhiều phiên bản. Thực tế này không chỉ có ở Việt Nam.

* Theo anh, có cách nào để có thể thoát khỏi thực tế này không?

- Việc “đạo” văn thì đang bị lên án mạnh mẽ và bị cộng đồng xa lánh, nhưng việc “đạo” ảnh thì dường như đang được tặng thưởng nhiều hơn. Là một nhiếp ảnh gia, bạn sẽ phát điên mất nếu cứ cố ngăn chặn mọi người sao chép ý tưởng của mình.

Tôi đã học được cách biến các cảm xúc tiêu cực đó thành động lực khiến mình luôn đổi mới. Một ai đó có thể sao chép ý tưởng căn bản trong một bức hình của bạn nhưng họ sẽ không thể nào sao chép công sức 3 năm bạn bỏ ra cho một dự án cá nhân được.

* Xin cảm ơn anh về những trao đổi này!

Justin Mott sinh ra ở Rhode Island, Mỹ. Anh đang sống tại Hà Nội và làm việc khắp khu vực Đông Nam Á về các dự án báo chí và các dự án cá nhân kể từ năm 2006.

Trong năm 2008, công việc của anh về chất độc da cam và trẻ mồ côi đã được giải thưởng của Tạp chí PDN của Mỹ và đã được trao học bổng Forscher Marty cho nhiếp ảnh nhân văn được cung cấp bởi trường đào tạo thiết kế Parsons School ở New York.

Justin hiện là người đóng góp ảnh thường xuyên cho tờ New York Times và các ấn phẩm quốc tế khác. Để tìm hiểu về Justin Mott và ảnh của anh, truy cập: http://www.mottvisuals.com.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiếp ảnh gia Justin Mott: "Tôi phải lòng Hà Nội"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO