Nguyễn Kiều Anh: "Ca trù đã ngấm vào máu thịt của tôi"

KIỀU ANH| 09/05/2015 06:51

Sinh ra trong gia đình có tiếng trống chầu, nhịp phách..., ca trù đã ngấm vào máu thịt của tôi rồi.

Nguyễn Kiều Anh:

Nguyễn Kiều Anh, tuổi 19, đã có một cuộc gặp gỡ âm nhạc ngoài ca trù, để làng nhạc Việt có một "nàng Kiều" phiêu diêu, phá cách mà cuốn hút, hứa hẹn: "Sinh ra trong gia đình có tiếng trống chầu, nhịp phách..., ca trù đã ngấm vào máu thịt của tôi rồi".

Đọc E-paper

Một thanh tân đào nương ngồi hát, tay gõ phách chuẩn mực, miệng ém hơi nhả chữ sao cho "bóng chữ" xuất hiện trong từng làn điệu ca trù.

Khổ luyện mới thành tài năng, Kiều Anh đã ngồi ở vị trí cao nhất trong cấu trúc tam giác độc đáo của ca trù, gồm nghệ sĩ đàn đáy, trống chầu và đào nương. Rồi, chính cô đã có một ngã rẽ vừa mạo hiểm, vừa tân thời.

Truyền hình đã cho Kiều Anh rất nhiều may mắn: Nổi tiếng từ cuộc thi Vietnam got Talent 2013, cách tân ấn tượng ca khúc Quảng Bình quê ta ơi ở chương trình Giai điệu tự hào (2014), là gương mặt đảm đương sự mở màn hút hàng nghìn khán giả của Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2014 (Monsoon Music Festival 2014) khi cô hát Ngồi tựa song đào, Ải nam quan, Vọng nguyệt...

Mang dư ba ca trù vào world music

Chất giọng của Kiều Anh đủ sức vang trên nền âm nhạc hiện đại. Vì thế, khi đem ca trù lên sóng truyền hình, Kiều Anh vẫn hát thản nhiên và phóng khoáng.

Nghe cô hát Vọng nguyệt (sáng tác của nhạc sĩ Quốc Trung), gần như người nghe chìm đắm vào khoảng mênh mang, huyền bí của vũ trụ.

Hát hay, đàn giỏi, xinh đẹp- cô có cả ba yếu tố vượt trội của một nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng, độ "hiếm" của Kiều Anh cốt là ở khả năng dò đáy ngữ nghĩa ca trù trong từng xử lý tinh tế, khúc chiết trên bản phối khí hiện đại.

Kiều Anh gần như thuyết phục được sự khó tính và kỹ tính của nhạc sĩ Quốc Trung, hay sự thẩm định tinh quái của nhạc sĩ Huy Tuấn. Nhưng, "hiếm" hơn nữa là cô có cả một dòng tộc ca trù nổi danh đất kinh kỳ đứng sau, để dạy dỗ cô một cách nghiêm cẩn.

Hôm nay, Kiều Anh đã là một ca nương sở hữu chất giọng chắc, vang, hát tròn vành, rõ chữ và "nảy hạt" như một nghệ nhân thực thụ. Kiều Anh nói: "Nhiều người lo ngại tôi sẽ làm hỏng ca trù khi kết hợp với world music, nhưng tôi thấy mình may mắn có nhiều người trong gia đình theo dõi, răn dạy".

Kiều Anh trở thành đào nương trước tuổi trăng tròn. Cốt cách ca trù của dòng tộc đã được cô lĩnh hội đầy đủ, chuẩn mực.

Cô kể: "Sinh ra trong gia đình có tiếng trống chầu, nhịp phách..., ca trù đã ngấm vào máu thịt của tôi rồi". Kiều Anh cho biết, nghệ thuật "nảy hạt" trong ca trù vô cùng đặc trưng. Mọi bài hát ca trù đều phải "nảy hạt".

Người ta ví âm thanh khi "nảy hạt" giống như những hạt trân trâu đổ xuống chiếc mâm vàng. Cô đã dành rất nhiều thời gian để luyện nảy hạt vì đây là một kỹ thuật khó nhất trong ca trù.

Không có thời gian tối đa hay tối thiểu được đặt ra cho việc học "nảy hạt", Kiều Anh đã mất khoảng hai năm mới "nảy hạt" được thuần thục.

Giữ lửa gia tộc

Cô ruột của Kiều Anh - ca nương Thúy Hòa đã được bà Quách Thị Hồ truyền dạy ca trù theo kiểu "miệng sang miệng, tay sang tay". Những chân truyền ca trù của bà Hồ đã được tiếp diễn ở thế hệ kế tiếp, trong đó có Kiều Anh. "Học ca trù là để giữ đạo nhà”, Kiều Anh nói vậy.

Ngọn lửa gia tộc họ Nguyễn được bắt đầu từ cụ Nguyễn Đức Ý, từng đỗ thủ khoa năm Nhâm Tý 1852, đời vua Tự Đức và được bổ làm tri huyện Hải Dương, là người truyền dạy ca trù cho con cháu trong dòng họ.

Còn bà cô tổ Nguyễn Thị Tuyết là người đảm trách việc quản lý hệ thống ca vũ trong cung vua Thành Thái. Cụ Nguyễn Văn Xuân, thân sinh của ông Nguyễn Văn Mùi, ông nội của Kiều Anh, nổi danh là "vô địch đàn đáy" xứ Bắc.

Họ Nguyễn đã được vua ban đất để xây đình Ca Công (nay thuộc phường Thái Hà), được xem là "nhà hát riêng" của dòng tộc. Đã 7 đời lưu giữ ca trù, ngẫm ca trù từ lúc thịnh đến lúc suy, con và cháu của gia tộc Nguyễn đã trọn vẹn một tấm lòng son tạc.

Kiều Anh nói: "Tôi tìm sự thiêng liêng của gia tộc trong ca trù. Lễ bái dành cho ca trù trong Tết đến Xuân sang không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là thời khắc tôi dễ dàng cắt nghĩa được vì sao ca trù lại là nghề tổ”.

Nguyễn Kiều Anh, tuổi 19, đã có một cuộc gặp gỡ âm nhạc ngoài ca trù, để làng nhạc Việt có một "nàng Kiều" phiêu diêu, phá cách mà cuốn hút, hứa hẹn. Thôi thì, nói như nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi: "Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa".

Dòng tộc Nguyễn - Thái Hà đang lưu giữ khoảng 40 làn điệu (cả ca vũ) trong số ngót 100 làn điệu ca trù, được đánh giá là giáo phường ca trù mạnh nhất Thăng Long về sức mạnh gia tộc trong giữ lửa ca trù.

Dòng tộc Nguyễn - Thái Hà đã kết hợp phát hành 2 CD ca trù ở nước ngoài, một ở Pháp và một ở Anh, còn ở trong nước thì đã kết hợp với Hồ Gươm Audio cho ra đời một DVD và được không ít khán giả đón nhận.

>Đào nương Bạch Vân: Gõ phách vang nghiệp ca trù
>Để Ca trù và Quan họ Bắc Ninh xứng tầm di sản nhân loại
>Ca trù được UNESCO công nhận là di sản nhân loại
>“Sô chậu” ca nhạc: trong nhà và ngoài ngõ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguyễn Kiều Anh: "Ca trù đã ngấm vào máu thịt của tôi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO