Người xây tổ của ngôn từ

MASATSUGU ONO| 08/03/2012 09:38

LTS: Đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/2011, với nhà văn Masatsugu Ono, dải đất hình chữ S mang hình ảnh của một Nhật Bản ngày xưa, với công cuộc đổi mới và sự phát triển có thể thấy được từng ngày. Lần trở lại nhân dịp ra mắt tác phẩm Tiếng hát người cá do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, anh dành trọn hai buổi gặp gỡ ở TP.HCM và Hà Nội để trao đổi với giới trẻ Việt Nam về văn học đương đại.

Người xây tổ của ngôn từ

LTS: Đến Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 3/2011, với nhà văn Masatsugu Ono, dải đất hình chữ S mang hình ảnh của một Nhật Bản ngày xưa, với công cuộc đổi mới và sự phát triển có thể thấy được từng ngày. Lần trở lại nhân dịp ra mắt tác phẩm Tiếng hát người cá do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, anh dành trọn hai buổi gặp gỡ ở TP.HCM và Hà Nội để trao đổi với giới trẻ Việt Nam về văn học đương đại.

Văn học tiền hiện đại hóa

Trong tất cả các thể loại văn học, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sử thi. Tôi xem việc viết về những ký ức xưa cũ tựa như đào một cái hang trong lòng đất để làm tổ, dùng ngôn từ của mình để khắc họa lịch sử và hình thành một cộng đồng mà trong đó, mỗi người đọc là một thành viên.

Bởi, bằng ngôn từ của nhà văn, người đọc sẽ hiểu được bối cảnh, đồng cảm với những nhân vật trong tác phẩm và trở thành một phần trong không gian văn học ấy. Do vậy, tôi thích viết về dân tộc, văn hóa và cộng đồng với mong muốn hình thành cho người đọc ý thức về cộng đồng bền chặt.

Nhìn lại lịch sử văn học, rõ ràng, văn học cận đại đã tạo nên một cái tổ thành công, làm cho người đọc có nơi hội tụ bởi ai cũng thấy sự hiện diện của mình trong đó. Gabriel José García Márquez, William Falkner... là những đại diện tiêu biểu của văn học cận đại.

Tuy nhiên, mặt khác, văn học cận đại cũng tạo cho người đọc cảm giác bất an về đời sống. Khi đọc Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Việt Nam Bảo Ninh, tôi cũng như nhiều người đọc khác chìm vào nỗi buồn day dứt trong tác phẩm gây ám ảnh cho người đọc.

Thế nên, đến văn học hiện đại, nhiều người viết cố gắng mang đến sự bình yên trong cái tổ ngôn từ của mình. Nhưng trong đó cũng bao gồm cả những bất an. Sự bất an khiến người đọc phải nhìn lại, tự vấn về cuộc sống hiện đại.

Thực chất, văn học là những câu chuyện đầy mâu thuẫn. Mâu thuẫn trong tình yêu, trong xã hội, trong các mối quan hệ, giữa các thế hệ với nhau...

Do đó, người làm nên kiệt tác là người có được sự đồng cảm của nhiều người đọc, nghĩa là họ tạo được cộng đồng riêng cho mình. Với cách nhìn đó, tôi chọn cho mình con đường riêng, viết về tiền-hiện-đại-hóa.

Đây là một khái niệm chỉ về cuộc sống mà công cuộc hiện đại hóa có góp phần, có hiện diện, nhưng vẫn chưa làm thay đổi cuộc sống của con người ở những vùng đất xa trung tâm thủ đô và các thành phố lớn.

Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng tác phẩm của tôi khó đọc, phải đọc vài lần mới có thể hiểu được.

Nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay của Nhật Bản là Murakami chọn viết về toàn cầu hóa nên ai cũng cảm nhận được, nhất là giới trẻ. Nhưng ở Nhật Bản vẫn sót lại những địa phương tiền-hiện-đại-hóa và chỉ toàn người già sống ở đó.

Trong một xã hội già hóa này, tôi thích, hay có thể nói, tôi thấy thoải mái khi viết những câu chuyện về người già và địa phương. Vì viết về những điều mọi người nghĩ đã là quá khứ, nên hành trình kiến tạo những cái tổ ngôn từ của tôi rất nhiều lần bị bế tắc.

Tôi ngỡ mình đã sập hầm và chết ngạt, nhưng tôi vẫn sẽ trung thành với con đường mình đã chọn.

Ký ức Nhật Bản

Năm 2011, tôi có dịp sang thăm Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến một Nhật Bản xa xưa ở đất nước này. Nhật Bản của chúng tôi đã trải qua cuộc Âu hóa từ giữa thế kỷ XIX với tốc độ chóng mặt. Khắp nơi đều là công trường.

Công cuộc đổi mới của chúng tôi được đánh giá là phát triển thần kỳ, nhưng hậu quả mà nó để lại cũng không nhỏ. Những cửa hàng tạp hóa không còn, thay vào đó là những trung tâm thương mại. Mỗi lần về quê tôi lại thấy sự dung dị của vùng đất ấy ngày một mất đi.

Điều này khiến tôi buồn và thấy bị ám ảnh. Tôi viết nhiều về những vùng đất tiền-hiện-đại-hóa cũng vì nỗi ám ảnh ấy.

Nhìn về nước Nhật hiện nay, mọi người có thể cảm nhận được một đám mây mù khi dân số Nhật Bản bị già hóa với khoảng 1/2 dân số trên 65 tuổi; khoảng cách giàu nghèo ở nước chúng tôi ngày càng lớn và những làng quê thì vắng bóng người trẻ, chỉ còn lại người già.

Sau thảm họa sóng thần, sự suy thoái kinh tế càng rõ nét và làm cho bức tranh Nhật Bản u ám hơn bao giờ hết. Tôi là một người lạc quan nhưng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi những nỗi buồn Nhật Bản.

Trong tâm trạng đó, tôi đến Việt Nam và cảm nhận sức sống căng tràn ở đất nước này. Từng gương mặt, từng nụ cười đều chứa đựng niềm hân hoan dù rất nhiều người trong các bạn vẫn phải đối mặt với khó khăn từng ngày.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa như một cơn bão quét đến các vùng miền. Khi có sự gặp gỡ giữa văn hóa toàn cầu và văn hóa bản địa, các giá trị mới có thể được kiến tạo, nhưng làn sóng này cũng sẽ tạo nên sự đồng nhất.

Tôi không lo ngại giá trị văn hóa truyền thống của các bạn sẽ mất đi, bởi truyền thống luôn bị ảnh hưởng bởi yếu tố đời sống. Nó chính là những giá trị chung nhất của cộng đồng.

Do vậy, mở cửa, đón hiện đại hóa cũng sẽ có tác động lớn đến cộng đồng và tất nhiên cũng ảnh hưởng đến văn học hiện đại của Việt Nam sau này. Nhưng tôi tin, đó là sự thay đổi tất yếu.

Khi toàn cầu hóa dẫn đến sự đồng nhất thì cũng sẽ nảy sinh những quan điểm chống đồng nhất. Như vậy, những giá trị mới cũng sẽ đến.

Có bằng Tiến sĩ Văn khoa Đại học Paris VIII, nhà văn Masatsugu Ono là một gương mặt rất năng động trong lĩnh vực văn chương, từ viết tiểu thuyết, dịch các tác phẩm văn học nước ngoài cho đến phê bình văn học và thuyết trình trước công chúng.

Masatsugu Ono sinh năm 1970. Tác phẩm của ông đã đạt khá nhiều giải thưởng văn học danh giá: Ngôi mộ vùi trong nước (giải thưởng Cây bút mới của Báo Asahi 2001); Trôi trên vịnh (giải thưởng Mishima Yukio 2002); Ven rừng - 2006; Chiếc xe buýt mini - 2008 (đề cử giải thưởng Akutagawa 2008); Mênh mông hơn cả đêm đen - 2010 cùng một số truyện dịch.

Tiếng hát người cá là tuyển tập các tác phẩm của Masatsugu Ono, bao gồm: Trôi trên vịnh, Tiếng hát người cá và tiểu luận Từ vũng đến vườn mộc lan.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người xây tổ của ngôn từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO