Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Đi ở nhớ về

HOÀNG LINH LAN| 05/11/2015 05:00

Lần đầu tiên về Việt Nam sau 28 năm định cư tại Pháp, máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Trí Nguyễn đập đập tay người cháu, nằng nặc đòi đi ăn bún bò. Lần khác, vừa xong buổi tập, Trí cùng vài người bạn kéo nhau ra vỉa hè ăn bún riêu, hí hoáy pha mắm tôm và tán chuyện nước hoa Pháp!

Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Đi ở nhớ về

Lần đầu tiên về Việt Nam sau 28 năm định cư tại Pháp, máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Trí Nguyễn đập đập tay người cháu, nằng nặc đòi đi ăn bún bò. Lần khác, vừa xong buổi tập, Trí cùng vài người bạn kéo nhau ra vỉa hè ăn bún riêu, hí hoáy pha mắm tôm và tán chuyện nước hoa Pháp!

Đọc E-paper

Những câu chuyện nho nhỏ này tôi được một người bạn của Trí Nguyễn kể cho nghe. Chừng đấy thôi, có thể hình dung về một Trí Nguyễn mà chất tinh tế, sự lịch lãm và vẻ dung dị hài hòa với nhau. Chừng đấy thôi, đủ để hình dung nỗi niềm của một kẻ ly hương, tình yêu và cả nỗi nhớ khi âm thầm, lúc thăng hoa chảy tràn trong những bản nhạc "hòa điệu" Đông Tây.

Là nghệ sĩ hiếm hoi lĩnh hội được những kỹ thuật biểu diễn cao nhất của cả piano và đàn tranh cũng như hệ thống âm luật phức tạp của âm nhạc Tây Dương và âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng Trí Nguyễn chưa bao giờ có ý định "bắt" đàn tranh phải "gồng mình" theo nhạc cổ điển hay những nhạc phẩm chuyển soạn. Trái lại, anh ký âm cho đàn tranh theo đúng kiểu cổ, với Hò Xừ Xang Xê Cống.

Anh cũng không tìm cách "phổ biến" âm nhạc dân tộc bằng cách "phối nhạc" theo những âm hưởng hiện đại như nhiều nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang làm. Thay vào đó, anh đi tìm sự hòa điệu giữa tư duy và tâm hồn nhạc của hai nửa thế giới, vì anh tin và hiểu ngôn ngữ đó một cách sâu sắc. Và với Consonnances - album đầu tay của Trí Nguyễn, anh đã diễn đạt được tâm hồn Việt chưa từng bị phai nhòa trước những giá trị phương Tây qua những Lưu Thủy Đoản, Lý Con Sáo, Nam Ai, Tử Quy Từ...

"Âm nhạc cổ truyền của Việt Nam hoàn toàn đủ tầm để biểu diễn ở những sân khấu lớn", Trí Nguyễn khẳng định. Anh chọn biểu diễn cùng tứ tấu đàn dây, trong mỗi khúc cầm, anh đưa vào vài câu nhạc trong những nhạc phẩm cổ điển nổi tiếng để nhấn nhá, để thu hút người nghe nhiều hơn. Bởi, đâu phải ai cũng đủ kiên nhẫn để tìm tòi, để lắng nghe trong thời đại có quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, từ âm thanh đến hình ảnh. Và, trong mỗi buổi diễn, anh đều cần mẫn cắt nghĩa cho người nghe hiểu đàn tranh từ đâu ra, tại sao lại có ngũ âm.

Thế nhưng, cũng chính cách làm này khiến Trí Nguyễn, bên cạnh sự ủng hộ, động viên, vấp phải không ít phản ứng, đặc biệt là sau buổi diễn tại Nhạc viện Thành phố vào tối 23/10 vừa qua. "Một cánh én không thể làm nên mùa Xuân", Trí thẳng thắn dò hỏi mà cũng là đặt ra một câu hỏi rất lớn cho những người làm nhạc: "Nếu cách làm của tôi không thuyết phục, bạn có cách nào khác không? Tôi luôn tự hỏi, nếu mình tiếp tục giữ cái nhìn bảo thủ thì âm nhạc dân tộc sẽ ra sao?

Theo quan điểm của tôi thì mình chơi nhạc để chia sẻ, để người nghe cảm thấy "đáng đồng tiền bát gạo", để biến hóa sao cho nhạc phát triển thêm, đến với nhiều người hơn mà vẫn giữ được ngón đàn và ngón nhún truyền thống chứ không phải để theo khuông. Và hơn ai hết, chính những người học nhạc, chơi nhạc phải có cái nhìn cởi mở, đó là điều tôi ao ước. Nếu không, một ngày nào đó, âm nhạc truyền thống sẽ vào viện bảo tàng mất", Trí Nguyễn đau đáu.

Có bao nhiêu người Việt trong nước và định cư tại nước ngoài vương vấn thứ âm thanh mơ hồ, xưa cũ? Có bao nhiêu người nước ngoài tìm đến nhạc cổ truyền Việt Nam vì sự tò mò và tất cả dừng lại ở đó? Câu trả lời tuy không được thống kê chính xác, song chắc chắn chỉ gói gọn trong một giới hạn, một phạm vi cực kỳ hẹp. Vậy mà, với Consonnances, Trí Nguyễn đã làm được, bằng cái chất, bằng tâm hồn Việt không lẫn đi đâu được, như lời ru rặt miền Tây; bằng niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc khi suốt 28 năm nay anh vẫn khư khư giữ quốc tịch Việt Nam trên đất Pháp, dẫu khá vất vả mỗi lần xin visa đi diễn.

Tháng 7 vừa qua, Consonnances đã nhận huy chương vàng và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất của "Global Music Awards". Đây còn là sản phẩm bán chạy trên hệ thống iTunes. Có những bản nhạc trong album được iTunes chào bán với giá 1,38USD so với mức giá thông thường là 0,99USD. Một vị khách nước ngoài nán lại sau buổi diễn của Trí chỉ để nói với anh rằng, cô con gái bé bỏng của chị đêm nào cũng đòi mở bản Trăng thu dạ khúc mới chịu ngủ. Đó là một minh chứng rằng Trí Nguyễn đã biết cách và đã thành công khi thắp lên niềm hứng khởi và sự say mê, để tiếng đàn phong nhã, man mác mà không kém phần lãng mạn ấy cuốn hút và đồng hành cùng cuộc sống của người nghe.

Trí ngập ngừng hồi lâu, vì nhiều lẽ, trước câu hỏi: Đâu là điều khó khăn nhất khi đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người Việt ở hải ngoại cũng như người nước ngoài? Nhưng rồi anh cũng có câu trả lời: "Người Việt mình "cái tôi" quá lớn và luôn thường trực nỗi sợ hãi người khác vượt trội hơn mình. Đa phần những lễ hội do người Việt tổ chức thường mang tính hình thức, màu mè mà thiếu chiều sâu. Điều này dẫn đến sự ngộ nhận của người nước ngoài về văn hóa Việt.

Người ta chỉ nghĩ đến món ăn và múa lân, múa quạt vui vui thôi". Trong đôi mắt tinh anh pha chút nghịch ngợm, thơ trẻ của anh ánh lên một nỗi buồn, nỗi cô đơn khi trả lời câu hỏi đó.

>Thủy chung với nghề làm đàn dân tộc

>Ca dao là tâm hồn dân tộc

>Âm nhạc dân tộc chứa đựng những câu chuyện tâm linh

>Sđứt gãy giữa các thế hệ trong âm nhạc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ Trí Nguyễn: Đi ở nhớ về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO