Nghệ sĩ Hương Thanh: Trọng lời ca, yêu nhịp phách

HOÀNG LINH LAN| 21/07/2015 04:11

Sang Pháp định cư vào năm 1988, vượt qua nhiều trở ngại, Hương Thanh dần được biết đến là nghệ sĩ gốc Việt trình diễn âm nhạc dân tộc tại nước ngoài.

Nghệ sĩ Hương Thanh: Trọng lời ca, yêu nhịp phách

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống âm nhạc cổ truyền, từ nhỏ, Hương Thanh đã thấm nhuần làn ca, điệu hát và được hướng theo nghiệp nhà. Sang Pháp định cư vào năm 1988, vượt qua nhiều trở ngại, Hương Thanh dần được biết đến là nghệ sĩ gốc Việt trình diễn âm nhạc dân tộc tại nước ngoài.

Đọc E-paper

Ca sĩ Hương Thanh sinh tại Sài Gòn, trong một gia đình nổi tiếng ở lĩnh vực nghệ thuật cải lương, cha là nghệ sĩ Hữu Phước và chị gái là nữ ca sĩ Hương Lan.

Hương Thanh bắt đầu học hát cải lương từ năm 10 tuổi và bước lên sân khấu lần đầu năm 16 tuổi. Khi mới định cư tại Pháp, Hương Thanh tiếp tục biểu diễn cải lương trong cộng đồng người Việt khắp châu Âu. Năm 1995, chị gặp nghệ sĩ Nguyên Lê và được anh dẫn dắt vào thế giới nhạc jazz.

Cùng với Nguyên Lê, Hương Thanh đã cho ra mắt những nhạc phẩm dân ca Việt Nam hòa âm theo phong cách nhạc jazz mới mẻ, cuốn hút. Hiện tại, cuộc gặp gỡ giữa Hương Thanh và nhạc sĩ người Anh Jason Carter, nổi tiếng với cây guitar hai cần do chính anh sáng tạo, tạo nên thứ âm nhạc hòa trộn tuyệt vời giữa âm nhạc cổ truyền Việt Nam và Anh, Phần Lan.

Ngày 4/6 vừa qua, Hương Thanh đã có buổi biểu diễn tại TP.HCM cùng với các nghệ nhân dân gian miền Bắc, nhạc sĩ Jason Carter và ông Hubert Laot, Giám đốc Thính phòng Viện Bảo tàng Guimet, nơi Hương Thanh thường đến giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

* Nguyên nhân nào khiến chị chọn thời điểm này về nước trình diễn?

- Gần 20 năm ở Pháp, đến thời điểm này, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó cho khán giả trong nước. Quả thật, nhìn thấy những khán giả Việt Nam, trong đó có nhiều người trẻ, dành suốt hai tiếng đồng hồ để xem một chương trình dân ca khiến tôi có niềm tin rằng con đường mình đi đã có những tín hiệu tốt.

Điều thứ hai, quan trọng không kém, là khi ông Hubert Laot, Giám đốc Thính phòng Viện Bảo tàng Guimet, cũng muốn đồng hành cùng tôi trong lần trở về này.

* Bằng cách nào chị thuyết phục được ông Hubert Laot cùng đi?

- Ông Hubert Laot nhận được rất nhiều lời mời từ những nước Á châu khác, và những quốc gia này đều có tiềm lực tài chính rất mạnh, rất lớn dành cho văn hóa. Trong khi đó, người Việt chưa biết nhiều về Viện Bảo tàng Guimet, về nền văn hóa Á Đông được lưu giữ tại đây.

Tại Pháp, tôi may mắn thành công khi mang vở cải lương Dạ cổ hoài lang, rồi dân ca miền Bắc, miền Nam ra trình diễn. Tôi nghĩ không phải do tôi giỏi thương thuyết, mời chào, mà chính niềm đam mê âm nhạc dân tộc suốt gần 20 năm của mình đã thuyết phục được ông.

* Chị gặp phải những khó khăn nào khi thực hiện chuyến đi này?

- Khó khăn duy nhất và lớn nhất có lẽ là về tài chính. May mắn là khi biết Hương Thanh có tâm nguyện về Việt Nam biểu diễn, rất nhiều bạn bè trong và ngoài nước sẵn sàng ủng hộ về mặt tài chính lẫn tinh thần, thành ra khó khăn là bước đầu thôi. Thuyết phục được khán giả, làm cho khán giả thích và say mê âm nhạc dân tộc là hết khó khăn rồi (cười).

* Miệt mài giới thiệu âm nhạc truyền thống của dân tộc ra nước ngoài suốt gần 20 năm với rất nhiều khó khăn, đâu là động lực để chị quyết tâm theo đuổi?

- Từ nhỏ tôi đã được ba hướng theo nghiệp nhà. Tôi cũng có con nên hiểu và luôn nghĩ đến thế hệ sau này, về những gì mà chúng ta đang dần lãng quên. Việt Nam mình có nhiều thể loại nhạc đẹp lắm nhưng các bạn trẻ lại không chú ý và chạy theo nhạc nước ngoài nhiều, rồi học theo. Tôi nghĩ, những gì của mình giống với người ta, người ta sẽ không nhớ. Chính người phương Tây cũng đã tìm đến với những làn điệu dân ca của chúng ta. Họ cảm được khi nghe những tiếng "ầu ơ..." và say đắm nó. Người Việt có thể tự hào vì điều đó.

* Bên cạnh âm nhạc truyền thống, dòng nhạc chị theo đuổi vừa có nền tảng từ nhạc dân tộc nhưng đã pha trộn để mới mẻ hơn. Làm thế nào để nó có thể vừa cuốn hút người trẻ, lại thuyết phục được người lớn tuổi vốn đã quen với nguyên bản?

- Tôi nghĩ không phải người lớn tuổi không thích mà vì họ chưa nghe đủ nhạc. Nó cũng như một món ăn mới, không phải già không biết ăn mà do chưa ăn thì sao quen được, mà đã không quen thì khó lòng yêu thích. Điều quan trọng nhất là người hát phải trọng bài hát đó, trọng lời ca thì cho dù có một anh Tây đang đánh trống, đó vẫn là nhạc cổ truyền của Việt Nam. Những yếu tố xung quanh không ảnh hưởng nhiều.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ! 

>Âm nhạc dân tộc chứa đựng những câu chuyện tâm linh

>Câu chuyện về lòng yêu nước của cải lương Nam bộ xưa

>Nhạc cụ truyền thống và câu chuyện quảng bá

>Nuôi dưỡng sức sống một lễ hội truyền thống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghệ sĩ Hương Thanh: Trọng lời ca, yêu nhịp phách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO