Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân

23/12/2013 07:34

Xinh đẹp, đa tài, duyên sân khấu mặn mòi… Hồng Vân có đủ mọi tố chất để theo đuổi nghiệp diễn tới cùng, nhưng chị lại rẽ ngang làm “bà bầu” khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp.

Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân

Xinh đẹp, đa tài, duyên sân khấu mặn mòi… Hồng Vân có đủ mọi tố chất để theo đuổi nghiệp diễn tới cùng, nhưng chị lại rẽ ngang làm “bà bầu” khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp. Nhận vào mình trách nhiệm lớn hơn vai trò một nhà đầu tư nghệ thuật, chương trình Sân khấu học đường là ước mơ bao năm của chị, với khát khao tạo dựng một thế hệ khán giả mới cho sân khấu của tương lai.

NSDN Hồng Vân - Minh họa: Hoàng Tường

* Sân khấu kịch tư nhân của Sài Gòn, nơi từng là một điểm son đáng tự hào, đang dần đuối sức, theo chị nguyên nhân chính từ đâu? Phải chăng chính những người dẫn đầu đã không còn “máu lửa” như xưa?

- Có thể một phần liên quan đến tuổi tác, sức khoẻ của những người khởi xướng. Có người đã về hưu và có người không còn nữa. Những người đang làm việc cũng đã U50 cả rồi, làm sao còn máu lửa được nữa. Nhưng hết “máu lửa” thực ra chỉ là một phần rất nhỏ, vấn đề chính là sân khấu xã hội hoá đã đuối sức sau một thời gian dài tự bươn chải.

Sân khấu kịch ngoài Bắc đã rơi vào tình trạng ngủ yên từ lâu, sân khấu xã hội hoá ở TP.HCM cũng đang ở mức báo động, nguyên nhân là những trụ sở mà các sân khấu này đang thuê mướn như hội trường, nhà văn hoá… có tuổi đời trên mười mấy năm giờ đã rệu rã, xuống cấp, như một cái xe sử dụng lâu ngày mà không sửa chữa, tu bổ. Giá mà những ông bầu, bà bầu tư nhân, có được những cơ sở, địa điểm độc lập và dùng những cơ sở vật chất này để tái sản xuất, tái đầu tư thì tốt quá vì nơi mà mình thuê mướn thì không có quyền sửa chữa.

Nguyên nhân khác nữa là khán giả bây giờ bị phân luồng bởi nhiều loại hình giải trí miễn phí như truyền hình, internet, YouTube… với nhiều chương trình đa dạng, hấp dẫn. Lượng khán giả truyền thống của sân khấu cũng đã có tuổi và mất dần, khán giả trẻ dù đang chiếm số lượng đông nhưng lại chưa đủ tiền túi để tiếp nhận những loại hình giải trí này.

*Với vai trò một nghệ sĩ nhân dân, đại biểu HĐND TP.HCM, chị đã nỗ lực như thế nào để giữ được phong độ của sân khấu xã hội hoá?

- Trong cuộc họp HĐND tôi cũng đã tha thiết kêu gào, than thở rất nhiều về những gì mà sân khấu TP.HCM đã xây dựng được từ mấy chục năm qua, nếu không được hỗ trợ kịp thời thì mọi thứ sẽ xuống dốc rất nhanh, chỉ trong vòng một, hai năm tới. Tuy nhiên, TP.HCM và cả nước nói chung còn có rất nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết như an sinh xã hội, tội phạm, giáo dục, hậu quả của thiên tai… tất cả đều cần sự điều phối của ngân quỹ nhà nước.

Tôi cũng đã đắn đo rất nhiều trước khi nói điều này bởi có thể trong điều kiện khó khăn chung của cả nước thì dường như đầu tư cho phát triển văn hoá văn nghệ là quá xa xỉ. Thực ra phải nhìn xa hơn, cuộc sống có sung túc mà đầu óc rỗng tuếch thì như hoa đẹp không hương.

Sự phát triển của xã hội phải là sự đồng hành của đời sống vật chất và tinh thần. Tôi rất lo và đã kêu gọi UBND TP.HCM, sở Văn hoá – thể thao và du lịch… nên quan tâm và hỗ trợ văn hoá văn nghệ, nhất là sân khấu, nghệ thuật gắn liền với hơi thở hàng ngày của đời sống đô thị nhưng đang phát triển thiếu một sự chăm sóc, định hướng. Bởi tôi biết khán giả vẫn có nhu cầu thưởng thức món ăn tươi ngon mẹ nấu hơn là đồ ăn sẵn, fast food.

* Vì sao chị quyết tâm đưa sân khấu vào học đường?

- Để tạo lớp khán giả kế thừa, giúp họ tiếp cận nghệ thuật sân khấu. Nếu nó ngon thì các em sẽ thích và hình thành một nhu cầu về lâu dài. Trước mắt tôi đưa ra đề án kết nối cộng đồng gồm có bốn phần: An toàn giao thông, Bảo vệ môi trường, Cư xử trong cộng đồng và Nông thôn mới. Nói những vấn đề đó bằng văn bản thì giới trẻ không thể tiếp thu; thông qua kịch nói, đề án đã tạo được hiệu ứng lan toả ngoài sự mong đợi.

* Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn này, làm thế nào một sân khấu tư nhân có đủ kinh phí và sức lực để lo chuyện cộng đồng như vậy?

- Khi bắt đầu thực hiện đề án, tôi rất xúc động khi sở Văn hoá – thể thao và du lịch duyệt và cấp kinh phí 6 triệu đồng cho một suất diễn. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ hết mình của sở Giáo dục và đào tạo, cùng sự đồng hành của những nhà kinh doanh có tâm với giáo dục đã giúp tôi đủ tự tin để mời các anh em nghệ sĩ được học trò rất yêu thích như Minh Nhí, Thanh Vân, Hoà Hiệp, Lê Quốc Nam, Tiến Thành, Mai Phương, Hoàng Linh…

Chúng tôi đã xây dựng được một chương trình tuyên truyền thông qua hình thức nghệ thuật giải trí hiệu quả. Tôi rất muốn việc mình làm lan toả đến các sân khấu khác vì còn rất nhiều các đối tượng như công nhân khu chế xuất, đồng bào vùng sâu vùng xa cần đến những loại hình này để đưa những thông điệp của cộng đồng thấm sâu vào nhận thức người dân một cách sinh động.

* Trong thực tế thiếu vắng kịch bản hay như hiện nay, làm thế nào để chị có thể gầy dựng một kịch mục đa dạng và phong phú cho chuỗi sân khấu kịch Hồng Vân?

Nỗ lực bằng chính những thành quả. Khi sân khấu có một lượng khán giả nhất định, sẽ tạo hưng phấn cho các tác giả và tạo hứng thú cho chính họ tự gửi kịch bản cho mình vì họ biết tuổi thọ của các kịch bản sẽ cao.

* Chị đã thực sự hài lòng chưa về một bản sắc kịch mang tên Hồng Vân?

- Tôi không hề có tham vọng về một bản sắc sân khấu kịch Hồng Vân, hiện nay sân khấu của tôi vẫn là sân khấu kịch Phú Nhuận. Buộc lòng tôi phải lấy tên mình cho sân khấu Superbowl chỉ là để khán giả đỡ nhầm lẫn. Vì tôi không phải là một tượng đài có phong cách sân khấu riêng như má Phùng Há, và tôi không theo đuổi nghiệp diễn mà đã chuyển sang công tác quản lý từ khi còn thanh xuân, thời điểm còn ở đỉnh cao trong nghề và cũng là lúc cống hiến được nhiều nhất.

* Chị nghĩ gì về một Sài Gòn hào phóng và cởi mở cho tất cả những người dân tứ xứ, và cho riêng chị? Phải chăng vì vậy mà chị đã tạo nên một sự hài hoà giữa “kịch Bắc và kịch Nam” trên sân khấu của mình?

- Người Nam bộ nói chung hay Sài Gòn nói riêng là những người sống hướng ngoại và có nhu cầu hướng ngoại rất nhiều, khác với người miền Bắc. Do đó loại hình giải trí ở miền Nam có sức sống mạnh hơn và đây là vùng đất màu mỡ, gieo gì cũng mọc được. Tuy nhiên, đây là nguyên nhân tạo ra bức tranh lộn xộn về mặt thẩm mỹ, không có quy hoạch.

Người Sài Gòn đúng là bao dung, dễ tính, do đó nghệ thuật gần như là con dao hai lưỡi và vì vậy cần phải có định hướng rất cụ thể. Điều này cần sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, có nuôi con thì mới dạy con được, nếu không thì “đứa con” phải tìm mọi cách tự bươn chải để tồn tại.

Phải hài hoà kịch Bắc và Nam vì khán giả Bắc ở miền Nam rất nhiều nên cũng cần phục vụ lực lượng này, và mình cũng muốn có “đặc sản” riêng. Ngoài ra tôi cũng mê dòng kịch văn học hiện thực phê phán và hầu hết tác giả của dòng kịch này là người Bắc, khi tái hiện mình phải thể hiện âm hưởng Bắc thì mới “ra” được.

* Trong cuộc đời làm nghệ thuật, vai diễn nào ám ảnh chị nhất?

- Vai diễn đầu tiên, Thị Bình trong vở Lôi vũ. Một nỗi ám ảnh ngọt ngào. Đó là cả một quãng thời gian hạnh phúc nhất trong nghề. Khi đó chúng tôi còn là những nghệ sĩ trẻ đầy nhiệt huyết, mặc dù lúc ấy tôi chỉ diễn theo sự bắt chước, tổng hợp từ hình ảnh mẹ và bà nội, nhưng tôi tự tin vô cùng vì được diễn với những đồng nghiệp vừa giỏi nghề, vừa có trách nhiệm với từng vai diễn của mình và từng bạn diễn.

Còn người mẹ trong Mẹ và người tình, vở diễn đoạt huy chương vàng liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 làm tôi khắc khoải vô cùng. Tôi không phải hoá thân thành ai mà chỉ là đem mình vào, trong giáo dục con cái, cuộc sống gia đình và với mọi người xung quanh, với công việc.

Tôi nhớ mãi câu thoại: “Mẹ đã tạo ra từng đứa, mẹ đã nâng từng đứa một để con có vị trí như ngày hôm nay, thì mẹ cũng có thể đạp xuống từng đứa một”. Đôi khi tôi tự ngẫm và giật mình không biết mình có như bà mẹ này hay không? Sinh ra con, nuôi con đến ngày trưởng thành, mỗi người mẹ đều cảm thấy con với mình là một, mục đích của mọi việc mẹ làm đều muốn đem đến những gì tốt nhất cho con. Nhưng có khi yêu thương thành mù quáng mà không biết, vì quá thương con mà quên đi đứa con là một thực thể cá biệt, độc lập.

* Và vai diễn nào là thất bại nhất của chị?

Nhiều anh chị trong báo giới và những người trong ngành không muốn tôi theo tấu hài. Tôi rất cám ơn vì biết mọi người không muốn tôi bị xao nhãng, “hư nghề”, nhưng tôi vẫn đi tấu hài vì tôi có nhà, có xe, nuôi con được là nhờ tấu hài, tôi mang ơn bộ môn này. Vấn đề là làm thế nào đem đến tiếng cười có ý nghĩa, dù chỉ là giải trí thuần tuý thì vẫn là giải trí sạch.

* Con người chị vừa rất thực tế, lại cực kỳ lãng mạn. Tính cách nào đã giúp chị thành công trong vai trò một nhà đầu tư, một giám đốc nghệ thuật, kiêm một diễn viên đa diện?

Đây là câu hỏi hay nhưng cũng là câu trả lời.

Vừa quản lý, vừa diễn, hai việc hoàn toàn trái ngược nhau, phải bao gồm tất cả chứ không riêng gì một tính cách nào để làm được nghề tôi đang làm. Một nghệ sĩ không thể đơn điệu và vô cảm, phải có độ thẩm thấu, nhạy cảm để hoá thân vào nhân vật.

* Chị từng nói “Hãy bỏ giày bên ngoài thánh đường”, sân khấu đối với chị mang một ý nghĩa như thế nào?

- Chừng nào không có sân khấu đúng nghĩa thì không thể có “thánh đường”. Càng xuống cấp về cơ sở vật chất thì từ nghệ sĩ đến khán giả càng trở nên dễ dãi với bản thân và mất đi sự trân trọng đúng nghĩa cho thánh đường nghệ thuật… Tôi chưa phải trả giá gì với những đam mê mà tôi đã chọn, vì tôi luôn nương theo vòng xoay của cuộc sống. Tôi không thể vòng ngược lại, không thể hoạt động một mình hay chỉ làm theo bản năng, ý thích của bản thân vì mình đang kéo theo con tàu gần cả trăm người nên phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

* Giữa tài và đức là một sự thử thách không ngừng, chị đã tự rèn luyện như thế nào để chữ đức cân phân chữ tài?

- Tôi chưa bao giờ tự nhận là tài đức vẹn toàn mà chỉ dạy cho ai. Đứng trước những đam mê sân khấu, làm bất cứ điều gì tôi cũng làm hết sức, dù nhận vai lớn hay nhỏ, dù mệt mỏi nhưng khi bước ra sân khấu là tôi quên hết và sống trong vai diễn. Khi dàn dựng vở diễn tôi cũng phân tích, thị phạm hết mình, không giấu giếm bất cứ bí quyết nào. Đây là điều có lợi cho cả đôi bên, vở diễn hay hơn và các bạn diễn cũng tốt hơn.

Trong vai trò quản lý, tôi cố gắng tránh những thiệt hại, tổn thất một cách tối đa cho các diễn viên và người lao động, đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động và các diễn viên, và tôi nghĩ những người cộng sự của mình sẽ hiểu nếu làm việc với một tấm lòng thật sự thì thành quả đạt được sẽ rất lớn cả về vật chất và tinh thần cho tất cả mọi người.

* Trước đây, khi đứng trước một ngã rẽ đầy thử thách, làm thế nào để chị có thể sống trọn với tình yêu, với sự nghiệp, đứng dậy sau mọi đổ vỡ?

- Có thể nói tôi là một người phụ nữ may mắn và tôi đã được sống với sự may mắn đó cả một thời gian dài. Tôi không muốn nói nhiều về gia đình vì cuộc sống của gia đình tôi bây giờ không có scandal để mọi người tập trung nhiều, nó cũng bình yên như tất cả những gia đình khác.

* Nguyên tắc sống nào giúp chị tìm được sự cân bằng cho tâm hồn?

- Tôi theo đuổi trường phái nghệ thuật vị nhân sinh. Tất cả mọi việc tôi làm đều nhằm mang lại điều gì có ích lợi cho mọi người, cho cộng đồng chứ không chỉ vì đam mê cá nhân. Với tôi gia đình rất quan trọng, ngay cả khi còn là con gái thì làm gì cũng nghĩ đến bố mẹ, các em, còn sau này thêm nữa là chồng con, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… Sự cân bằng trong cuộc sống của tôi là cân bằng vô điều kiện, khi cho đi tôi nhận lại được sự quan tâm, yêu thương của chồng con, cha mẹ, anh em, bè bạn…

Khi làm hết sức mình với sân khấu, tôi nhận lại sự quan tâm và ủng hộ của khán giả. Nguyên tắc này là luật cộng trừ và tôi vẫn miên man với suy nghĩ rằng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, nhưng mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân... Giá mà ai cũng tâm đắc điều này như tôi nhỉ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi cánh én phải có trách nhiệm với mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO