Lập thân với Thu Giang Nguyễn Duy Cần

ĐOÀN GIA| 25/04/2013 00:25

Dường như xu hướng tìm lại các giá trị xưa đang ngày một lớn.

Lập thân với Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Được Nhà xuất bản Trẻ chọn in lại từ cuối năm 2011, bộ sách học làm người mang tư tưởng và giá trị của Thu Giang Nguyễn Duy Cần chỉ sau hơn một năm có mặt trên các kệ sách đã được in gần 50 ngàn bản, trong đó có 6 tựa được tái bản đến 2 lần. Dường như xu hướng tìm lại các giá trị xưa đang ngày một lớn.

Đọc E-paper

Tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Tự học mà thành

Thu Giang Nguyễn Duy Cần tên thật là Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998), nguyên quán tại quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cụ sống cùng thời với các học giả và nhà văn như: Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Hoàng Xuân Việt, Phạm Cao Tùng... nhưng điều đặc biệt là Nguyễn Duy Cần không có bằng cấp cao.

Cụ chỉ tốt nghiệp bằng thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), nhưng nhờ được cha dạy dỗ cùng với công tự học mà cụ trở thành giáo sư của những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ như Trường Đại học Vạn Hạnh, Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thành viên Ủy ban Điển chế văn tự, chủ bút Báo Tự Do. Năm 1935, cụ cho ra đời quyển sách đầu tay: Duy tâm và duy vật.

Theo nhà văn Vũ Đức Sao Biển, các tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần được viết ra không phải với mục đích "sống bằng ngòi bút" như phần lớn các nhà nghiên cứu thời đo, mà với cụ, một tác phẩm ra đời nó phải từ một đòi hỏi bức thiết của cuộc sống.

Bộ sách của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần bao gồm 11 cuốn, trong đó nổi bật là các tác phẩm: Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Một nghệ thuật sống, Cái cười của thánh nhân, Thuật yêu đương, Óc sáng suốt, Tôi tự học...

Trong tác phẩm của mình, Thu Giang Nguyễn Duy Cần chú ý đến mục đích đào tạo văn hóa và bản lĩnh ứng xử của con người. Những tác phẩm như Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa... cũng là một cách để cụ có thể hướng dẫn cách giữ sự bình tĩnh phi thường cho từng cá nhân tránh bị ảnh hưởng xô đẩy của mọi luồng tư tưởng hỗn loạn.

Mẫu người trong Cái dũng của thánh nhân là một con người điềm đạm nhưng có đủ dũng khí và bản lĩnh đối diện với mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Quyển sách này đã gây được tiếng vang lớn trên văn đàn.

Với sự am tường và thẩm thấu sâu sắc hệ tư tưởng triết học Đông phương, ông đã đưa vào trong các tác phẩm cách ứng xử khôn ngoan, sự bình tĩnh chuộng phẩm chất, luôn lấy cái gốc vững vàng cho mọi công cuộc phát triển của cá nhân và xã hội.

Các tác phẩm đào tạo tri thức cho thanh niên được Thu Giang Nguyễn Duy Cần lần lượt cho ra đời như: Óc sáng suốt, Tôi tự học, Thuật tư tưởng, Thuật xử thế của người xưa, Tinh hoa Đạo học Đông Phương, Một nghệ thuật sống...

"Còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó”

Trong các tác phẩm hầu hết được trình bày đan xen các ứng dụng vào cuộc sống của nền đạo học Phương Đông, ông chủ trương dùng nhu thắng cương, dùng trí hơn dùng sức...

"Chính những tư tưởng làm người trong tác phẩm Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã giúp tôi định hình bản thân và có thể theo đuổi nghề nghiệp của mình", lương y Võ Phước Hưng, Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Cần Thơ chia sẻ.

Nhận xét của lương y Võ Phước Hưng cũng là ý kiến chung của rất nhiều người đọc. Bởi, ở các tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần toát lên tinh thần tự học một cách rất rõ ràng.

Sắp tới, tủ sách này sẽ tiếp tục ra mắt các tựa: Trang Tử Nam Hoa Kinh, Trang Tử tinh hoa, Để thành nhà văn, Phật học tinh hoa, Dịch học tinh hoa, Chu dịch huyền giải.

Điều may mắn là Nhà xuất bản Trẻ vừa được nhận toàn bộ di cảo của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần do gia đình trao tặng lại. Hy vọng tủ sách của cụ sẽ tiếp tục có thêm nhiều tư liệu học thuật quý giá.

Tự học ở sách vở nên tuy chỉ tốt nghiệp bằng thành chung nhưng cụ đã trở thành học giả và được mời giảng dạy tại những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ. Trong cuốn Tôi tự học, cụ viết: "Học hỏi là một việc không biết đến đâu là cùng, còn sống ngày nào là còn phải học ngày đó”.

Theo gia đình cụ Nguyễn Duy Cần, cụ làm việc rất khoa học, mỗi ngày cụ dành ra 2 tiếng, từ 8 giờ đến 10 giờ tối để đọc sách, và trong suốt cuộc đời cụ, cụ không bao giờ quên hoặc sai lạc thời khóa biểu đó.

Chính cái "lửa" từ đời sống của cụ truyền qua từng trang sách, tư tưởng của cụ ngày càng đi sâu vào đời sống giới trẻ qua nhiều thế hệ.

Con số phát hành lên đến 50 ngàn bản, tái bản nhiều lần cho thấy Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế của người xưa, Thuật yêu đương, Một nghệ thuật sống... vẫn là những tác phẩm có tác dụng an ủi tâm hồn con người, giúp người đọc rèn luyện bản lĩnh, nghị lực sống để vượt qua nghịch cảnh... hầu như phù hợp với mọi thời đại.

Những quan niệm nhân sinh mà cụ đề ra cách đây hơn nửa thế kỷ như cách sống điềm đạm, đạo cương nhu, giữ gìn chân tánh, tinh thần trách nhiệm, độc lập, trung thực, phương pháp rèn luyện trí lực, học tập một cách khoa học vẫn còn giá trị và hữu ích trong đời sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay.

Và, việc đón nhận tích cực những tư tưởng đó, trong bối cảnh hiện nay, quả là một tín hiệu vui trong môi trường xuất bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lập thân với Thu Giang Nguyễn Duy Cần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO