"Không thể làm nghệ thuật bằng cái đầu doanh nhân"

VIỆT NGA/DNSG cuối tuần| 07/07/2012 01:00

Ái Như là người nghệ sĩ đã khuấy động khán phòng từ những vai trẻ thơ bé con cho đến vai người đàn bà dở điên dở khùng nhưng đầy ắp tính nhân văn.

Ái Như là người nghệ sĩ đã khuấy động khán phòng từ những vai trẻ thơ bé con cho đến vai người đàn bà dở điên dở khùng nhưng đầy ắp tính nhân văn. Chị đã đi qua những vai diễn kỹ lưỡng, tinh tế bao nhiêu thì nay trên ghế đạo diễn lại thấy một Ái Như cẩn trọng đến mực nào.

Đọc E-paper

Bộ salon và tủ kệ ở phòng khách trong ngôi nhà của đạo diễn Ái Như đã bị dọn dẹp, dành hết tất cả không gian để làm sàn tập cho vở Tục lụy.

Ở đây những đau khổ vật vã, tội lỗi và oan khuất của những đời người đang được Ái Như cắt lát, săm soi từng chút một để tạo nên độ đầy đặn cho cảm xúc và từng hành động của nhân vật trước khi kịch ra mắt khán giả.

Ái Như là người nghệ sĩ đã khuấy động khán phòng từ những vai trẻ thơ bé con cho đến vai người đàn bà dở điên dở khùng nhưng đầy ắp tính nhân văn. Chị đã đi qua những vai diễn kỹ lưỡng, tinh tế bao nhiêu thì nay trên ghế đạo diễn lại thấy một Ái Như cẩn trọng đến mực nào.

Mỗi diễn viên là một cuộc đời nhân vật mà người đạo diễn phải hơn ai hết sống đầy ắp cảm xúc cho nhân vật đó. Vở diễn có bao nhiêu nhân vật là đạo diễn có bấy nhiêu cuộc đời.

Khi trong vai trò đạo diễn hay lúc phải rời ghế đạo diễn vẫn là Ái Như tỉ mẩn cắt lòng mình trộn vào cho nhân vật. Chị như con chim nhặt từng hạt sạn ra khỏi nong gạo trắng.

Không để lọt những tích tắc trôi qua hay buông lỏng dễ dãi với bất kể cử chỉ nhỏ nào của diễn viên trên sàn tập. Chị khi làm việc như một người thầy khắt khe, như một bạn nghề chân thành.

Căn phòng khách của Ái Như quá chật để diễn tả cuộc sống trên một cù lao. Út Hơn của Quang Thảo càng nén chịu sự oan khuất càng chứa chất sự bùng nổ.

Bi kịch của người thương binh đã đi qua chiến tranh nay trở về với vết thương thần kinh nửa tỉnh, nửa khùng đã là quá nhức lòng. Vậy mà bây giờ chính anh đang phải chạm mặt với bi kịch gia đình khủng khiếp.

Cái nỗi đọa đày lớn nhất là bị cả cù lao này khinh ghét. Nỗi đau của bà Hai (có đêm là của Kim Xuân diễn và đêm khác là Ái Như) đang vắt nốt hơi tàn của người đàn bà cố gắng che giấu tội lỗi cho gia đình bớt nhục.

Trong một phân cảnh, ở đó diễn ra sự giả dối bị bưng bít đang làm rạn nứt tình cảm con người; những oan khuất, xung đột chỉ chực bùng nổ; thói thường, sự ghẻ lạnh của người đời đủ để ta cười rồi đau; nỗi đau, tiếng khóc tình yêu bị bội phản… đạo diễn Ái Như phải phân tích đầy đủ những nguyên do nào dẫn đến hành vi và bi kịch ấy. Xé lòng, mệt mỏi và kiệt lực.

Khi nhìn lên sàn diễn, đôi khi khán giả chỉ thấy được sự thăng hoa của người diễn. Trên sàn tập sự day đi, day lại đôi khi chỉ là cái cảm giác về cảm xúc và hành động kia đã thấy kiệt sức... mới thấy hết lao động nghệ thuật nhọc nhằn, khốc liệt quá.

Tục lụy là tên mới từ vở Cơn mê cuối cùng. Cuộc hành trình đưa tất cả những vở diễn đã lấy không ít nước mắt khán giả cho tên tuổi Ái Như và Thành Hội về sân khấu Hoàng Thái Thanh duy nhất có một lý do: đó là những kịch bản hay đã được kiểm chứng bằng sự ngưỡng mộ của khán giả. 

Chính điều đó đã tạo thương hiệu sân khấu riêng cho Ái Như và Thành Hội. Trong thâm tâm cho dù rất phục họ, nhưng đôi khi đâu đó cũng lóe lên chút băn khoăn âu lo cho một sự tồn tại mà mãi chỉ có sự hoài niệm.

Đạo diễn Ái Như giải thích: “Làm sao chúng tôi có thể bỏ phí những kịch bản vẫn còn rất hay, rất hợp thời đại này trong khi chưa thể tìm được những kịch bản hay hơn, ưng ý hơn. Thời gian trôi đi, lại có những lớp khán giả mới. Chính khán giả trẻ hôm nay lại rất muốn được xem những vở trước kia mà những người lớn trong gia đình đã từng được xem.

Câu chuyện của ngày hôm qua với bản dựng hôm nay mới hơn, khác hơn trước nhiều. Nó không phải là sản phẩm sao chép hay nhép lại. Sự khám phá, sáng tạo là vô cùng. Nếu chỉ dựng theo phong cách cũ cái mà mình đã thành công chắc chắn khó thuyết phục được khán giả”.

Những câu chuyện của sân khấu Hoàng Thái Thanh đa phần là những câu chuyện về một miền quê: những con người thật thà chất phác, đôi khi rất ngây ngô, mà bên trong là tình con người, tình cộng đồng thật cao cả. Nhưng ở đó lại thấy mảng tối của cuộc đời, bi kịch khốc liệt quá.

Những vở diễn trên sân khấu này nhiều màu bi thương. Bi thương trong cả tiếng cười. Cái mảng màu xám buồn này đeo đẳng phong cách kịch của Ái Như và Thành Hội dai dẳng quá. Điều này có làm cho thương hiệu sân khấu Hoàng Thái Thanh đơn sắc không?

Đem điều này trao đổi với Ái Như, chị nói: “Không, khi đã xác định mình đi theo dòng kịch tâm lý thì không sợ lậm sâu vào bi kịch. Khi cuộc đời thật của xã hội, bi kịch - nỗi đau còn khốc liệt hơn trên sân khấu thì tại sao chúng ta lại phải sợ việc đưa nhiều bi kịch lên sân khấu.

Cái đáng sợ nhất là sự dửng dưng trước bi kịch và nỗi đau của con người. Trên sân khấu khi chúng ta được bày tỏ, được chia sẻ là chúng ta góp phần giúp mọi người cùng hoàn thiện, cùng chia sẻ để giảm bớt bi kịch xảy ra trong cuộc đời thì đó cũng là màu sắc riêng cho sân khấu Hoàng Thái Thanh. Để một sân khấu trụ lại được, một nhà hát có màu sắc riêng cũng khó lắm đấy”.

Nếu đứng trên cương vị là một trong ba thành viên tạo lập nên sân khấu Hoàng Thái Thanh, có thể xem Ái Như cũng là “một doanh nhân”. Chị không nhận mình là một doanh nhân bởi cho đến bây giờ - theo Ái Như - sau ba năm hoạt động sân khấu Hoàng Thái Thanh chưa hề lời.

“Biết việc kiếm tiền bằng việc mở sân khấu riêng lỗ là cái chắc, nhưng mình mê và yêu nghệ thuật thì phải biết hy sinh và chịu đựng. Vấn đề là sự chịu dựng được tính bằng năm chứ không phải bằng tháng”.

Ái Như chia sẻ: “Mình không thể làm nghệ thuật bằng cái đầu doanh nhân, giá trị ở đây không chỉ thu bằng tiền trên quầy bán vé mà là giá trị tinh thần còn đọng lại trong khán giả. Chính vì thế khi mình đã chọn nghệ thuật làm cuộc đời thì mình phải biết hy sinh cho nó. Chỉ làm nghệ thuật đích thực chắc chắn không thể giàu, mà chỉ mong giàu cũng không ai chọn làm nghệ thuật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Không thể làm nghệ thuật bằng cái đầu doanh nhân"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO