Huỳnh Anh Tuấn: Người bị ám ảnh bởi những con rối

LÂM HẠNH| 14/06/2012 00:33

Nói đến sân khấu Sài Gòn phải nhắc đến ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương. Bởi anh là người làm được nhiều thứ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và kịch nói.

Huỳnh Anh Tuấn: Người bị ám ảnh bởi những con rối

Nói đến sân khấu Sài Gòn phải nhắc đến ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương. Bởi anh là người làm được nhiều thứ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc và kịch nói.

Đọc E-paper

Sân khấu IDECAF hoạt động được 15 năm, cộng với quãng thời gian dài trước đó anh thành lập trung tâm múa rối Nụ cười, là chừng đó năm bạn bè, đồng nghiệp thấy Huỳnh Anh Tuấn miệt mài với công việc. Có lúc anh mệt mỏi, than thở, bất bình nhưng đó chỉ là lời nói, chưa ai thấy anh vì chán nản mà bỏ ngang những dự án của mình.

Tốt nghiệp khoa Toán, Trường Cao đẳng Sư phạm, đi dạy được một thời gian rất ngắn thì ông bầu Huỳnh Anh Tuấn bỏ việc về phụ trách các hoạt động thiếu nhi ở Nhà Thiếu nhi Quận 1 và thành lập đội rối Nụ cười. Từ đó đến nay, các nhà hát của anh luôn có những hoạt động gắn liền với thiếu nhi.

Các đội rối của anh đi diễn phục vụ trẻ em ở TP.HCM, các tỉnh và lịch diễn cho các bệnh nhi ung thư ở một số bệnh viện vẫn được xếp đều đặn. Rất dễ dàng nhận ra Huỳnh Anh Tuấn yêu trẻ con như thế nào nếu thấy anh hoạt náo, dẫn chuyện trước mỗi suất diễn của chương trình Ngày xửa ngày xưa ở nhà hát Bến Thành.

Anh xưng với các bé là “thầy Tuấn” và “thầy Tuấn” được các bé yêu mến chẳng kém gì các cô chú diễn viên của chương trình. Lớp khán giả bé nhỏ của anh lớn lên từng ngày cùng với những kỷ niệm đẹp đẽ trong thế giới thần tiên của các câu chuyện cổ tích.

Cứ thế, 12 năm nay, Ngày xửa ngày xưa của “thầy Tuấn” chưa một lần lỗi hẹn với các bé. Khán giả thiếu nhi của sân khấu IDECAF được coi trọng như khán giả người lớn biểu hiện qua việc kịch thiếu nhi vẫn được đầu tư chu đáo, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp từ kịch bản, diễn viên cho đến âm nhạc, cảnh trí, phục trang.

Cho đến nay, dù có nhiều sân khấu đã thử làm nhưng chưa nơi nào đem đến cho khán giả nhỏ tuổi một không gian lung linh và rộn ràng như vậy.

Những ai biết Huỳnh Anh Tuấn đều thấy rằng, tận cùng trong anh là một tình yêu rất lớn dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc. Hơn hai mươi năm nay, anh chăm chút từng con rối và tận tình đào tạo những lứa diễn viên trẻ.

Anh xót lòng khi có trẻ con Việt Nam chưa được một lần thưởng thức các thể loại múa rối. Anh cũng xót lòng nếu các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc không được quảng bá đến bạn bè quốc tế.

Vậy là, anh “khai sinh” sân khấu múa rối ở Đầm Sen vào những năm 1990, diễn được sáu, bảy năm thì không ký hợp đồng thêm nữa nhưng hiện nay khách tham quan Đầm Sen vẫn thấy các chú rối của anh đi diễu hành, chào đón và chụp hình cùng các bé thiếu nhi.

Năm 2007, anh thành lập Nhà hát múa rối nước Rồng vàng, đặt tại Cung Văn hóa Lao động, nơi mà trước đó mọi người đều cho là “khu đất chết của các sân khấu”. Đến nay, nhà hát này mỗi ngày diễn đều đặn hai suất phục vụ khách trong và ngoài nước, doanh thu đã ổn định.

Ngày khai trương sân khấu Rồng vàng đã nghe Huỳnh Anh Tuấn nói về dự án cho ra đời nhà hát Nón lá, chuyên biểu diễn những tiết mục nghệ thuật đặc trưng của dân tộc như tuồng, ca trù, nhã nhạc cung đình…

Nhiều người nghĩ, anh nói chơi trong lúc hưng phấn vậy mà anh ấp ủ dự án này trong sáu, bảy năm. Đến nay, nhà hát Nón lá đã đi vào hoạt động và một nhà hát nữa chuyên biểu diễn đờn ca tài tử của anh đã ra đời ở Cần Thơ.

Năm nay, sân khấu IDECAF có nhiều hoạt động kỷ niệm 15 năm. Huỳnh Anh Tuấn tất bật với sự kiện này nhưng luôn thấy anh đầy năng lượng. Gầy dựng thành công sân khấu kịch IDECAF và nhà hát Rồng vàng, lẽ ra bầu Tuấn đã có thể thảnh thơi tận hưởng thành quả.

Nhưng, anh là ông bầu lúc nào cũng làm luôn tay luôn chân, lăng xăng như người phụ việc của sân khấu chứ không ngồi một chỗ chỉ đạo. Vừa khởi động dự án này, anh đã ấp ủ một dự án khác thì làm sao an nhàn được.

Gia đình thấy anh vất vả cũng xót nhưng biết làm sao được, công việc hiện tại là cái nghiệp anh phải mang. Cách đây 15 năm, khi thấy anh “cả gan” cầm cố tất cả đồ đạc mình có để thành lập sân khấu kịch IDECAF, gia đình cũng… rầu.

Nhưng giờ đây, mỗi khi họ nhớ lại lúc anh 13, 14 tuổi, thời đó thường xuyên bị cúp điện, anh tìm bìa cứng, tự vẽ những nhân vật trong truyện cổ tích rồi căng miếng vải, thắp đèn dầu, diễn rối (gọi là rối bóng) cho bạn bè trong xóm đến xem, có bán vé hẳn hoi, nhiều người nói vui, từ nhỏ đã vậy Huỳnh Anh Tuấn lớn lên không làm bầu show thì biết làm gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huỳnh Anh Tuấn: Người bị ám ảnh bởi những con rối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO