Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Sự rung động từ miền hoài niệm

HUY SƠN| 06/02/2016 07:16

Xem tranh của Tôn Thất Bằng, điều đầu tiên gợi lên sự rung động chính là ánh sáng ngời ngời rọi về từ miền hoài niệm xa lắc.

Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Sự rung động từ miền hoài niệm

Mái tóc hoa râm, dáng người thấp, đậm và khỏe khoắn, khuôn mặt căng đầy không xuất hiện một nếp nhăn nào dù đã ở tuổi ngũ tuần, thoạt nhìn không ai nghĩ Tôn Thất Bằng là họa sĩ. Thế nhưng, anh là người cầm cọ lâu năm đến mức những móng tay đều đã sần chai.

Đọc E-paper

1. Có một nhà văn từng nói: "Ký ức tuổi thơ là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tác văn học". Với họa sĩ Tôn Thất Bằng, ký ức tuổi thơ cũng là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tác hội họa. Cảm xúc thời ấu thơ xuyên suốt trong các tác phẩm của anh từ những ngày đầu cầm cọ cho đến tận bây giờ.

Xem tranh của Tôn Thất Bằng, điều đầu tiên gợi lên sự rung động chính là ánh sáng ngời ngời rọi về từ miền hoài niệm xa lắc. Tất cả vẫn rất chân thực và sinh động. Ở đó, có những ngày thả diều bên dòng sông Thạch Hãn, phút giây ngẩn ngơ nhìn những chiếc lá bay lơ lửng trên không trung rồi đáp nhẹ xuống bờ sông. Những chiếc lá ấy về sau thường hay xuất hiện trong tranh của Tôn Thất Bằng. "Những tháng năm tuổi thơ sống ở Quảng Trị, những ký ức bên dòng sông Thạch Hãn với biết bao mùa lá đổ khi trời vào Thu vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi", họa sĩ nói.

Tôn Thất Bằng đã vẽ những chiếc lá từ sự mời gọi của ký ức tuổi thơ, và những chiếc lá ấy đã trở thành biểu tượng trong các tác phẩm của anh.

2. Tôn Thất Bằng đến với hội họa bằng cú rẽ ngang đầy thú vị. Trở thành sinh viên Khoa Sáng tác nhạc, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế năm 1986, chỉ tình cờ dự thính một vài buổi giảng về hội họa ở Khoa Mỹ thuật, vậy mà mê! Từ đó, song song với học sáng tác nhạc, Bằng tự mày mò vẽ tranh.

Mười năm sau lần "chạm ngõ” hội họa, vào mùa Thu năm 1997, Tôn Thất Bằng có triển lãm đầu tiên với tên gọi Những khúc đồng dao tại Phòng tranh Tự Do. Mỗi bức tranh anh mang đến triển lãm là một câu chuyện thật về tuổi thơ của mình. Anh mời gọi người xem trở về miền ấu thơ trong trẻo. Miền ấu thơ ấy không còn của riêng anh, mà trở thành không gian chung của nhiều người.

Thời điểm đó không có nhiều triển lãm như vậy, nên Những khúc đồng dao của Tôn Thất Bằng không chỉ nhận được sự đồng điệu nơi người xem mà còn được báo chí và giới chuyên môn đánh giá cao. Bằng nói, điều đó là động lực thúc đẩy anh phải dấn thân nhiều hơn nữa.

3. Gần 30 năm cầm cọ, họa sĩ Tôn Thất Bằng đã có 20 cuộc triển lãm cá nhân tại TP.HCM (1997, 1998, 2000), Brussels - Bỉ (1998), Hồng Kông (2002, 2004), Singapore (2002), Philadelphia - Mỹ (2004)... cùng nhiều cuộc triển lãm nhóm khác. Ra nước ngoài, Tôn Thất Bằng không mong được học hỏi như dân gian đúc kết: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn", mà mỗi lần "xuất ngoại", anh chỉ có tham vọng tìm hiểu xem họa sĩ bản xứ vẽ gì, người Việt mình qua đó vẽ gì. "Tôi chỉ tìm hiểu vậy thôi, còn mình vẫn phải giữ được bản sắc, để không bị lẫn với bất kỳ ai khác", Tôn Thất Bằng cho biết.

Dân nghệ thuật vẫn thường truyền tụng câu nói được xem như "tuyên ngôn" của những người làm nghề nghiêm túc: "Khác biệt hay là chết". Tôn Thất Bằng bảo, anh không cố gắng tìm sự khác biệt, mà sự khác biệt đến với anh một cách tự nhiên.

"Đối với hội họa hay các ngành nghệ thuật khác, mình cứ yêu nó hết mình, tự nhiên đến một ngày nào đó nó sẽ yêu lại mình. Tôi có thể tự tin nói rằng, bây giờ tôi đặt bút xuống vẽ kiểu gì cũng ra chất... Tôn Thất Bằng. Với tôi như vậy là quá đủ!".

Cũng cần nói thêm, vào năm 2006, Tôn Thất Bằng đã sáng tác và đăng ký bản quyền biểu trưng với tên gọi "Khởi nguồn sự sống", trở thành họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam có logo riêng trên tác phẩm. Mỗi khi vẽ xong một bức tranh, anh thường ký tên và vẽ logo "Khởi nguồn sự sống" lên đó. Tôn Thất Bằng làm như vậy để bảo vệ tác phẩm của mình, nhưng cũng chính điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa anh với những họa sĩ khác.

4. Tôn Thất Bằng sinh ra ở Quảng Trị, hiện sống và vẽ tại Đà Nẵng. Hỏi anh vì sao không chọn Sài Gòn như phần đông các nghệ sĩ khác, anh bảo: "Tôi thấy ở Đà Nẵng vẫn tốt hơn. Lâu lâu tôi vào Sài Gòn tổ chức triển lãm, gặp gỡ bạn bè rồi lại ra ngoài đó sáng tác. Tôi không thích sự xô bồ, một nơi để sáng tác cần phải yên tĩnh".

Tôn Thất Bằng vẽ nhiều, tranh bán được cũng nhiều. Anh không chỉ lo được cho mình mà còn lo cho các con du học. Khi được hỏi về điều này, Tôn Thất Bằng chỉ cười: "Bên cạnh tôi có người vợ giỏi lo về kinh tế nên tôi mới yên tâm theo đuổi đam mê. Có lẽ là luật bù trừ, vì vợ tôi vừa đẹp, lại có đầu óc kinh doanh nữa".

>Họa sĩ Hương: “Hãy nghĩ về hòa bình”

>Họa sĩ Đình Cương: Người của ngày hôm qua

>Họa sĩ Huỳnh Phú Hà: “Sáng tác của tôi đều đến từ tình yêu”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Sự rung động từ miền hoài niệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO