DJ Đoàn Trí Minh và quyết tâm "đời thường hóa" nhạc điện tử

HOÀNG LINH LAN| 31/01/2014 00:42

Bén duyên nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm một cách tình cờ, Đoàn Trí Minh đâm ra mê mẩn thứ âm nhạc còn khá lạ lẫm ở Việt Nam.

DJ Đoàn Trí Minh và quyết tâm

Bén duyên nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm một cách tình cờ, Đoàn Trí Minh đâm ra mê mẩn thứ âm nhạc còn khá lạ lẫm ở Việt Nam. Bôn ba ra xứ người, làm đủ nghề để kiếm sống và học tập, Trí Minh ấp ủ dự định đưa dòng chảy âm nhạc đầy mới mẻ, sáng tạo ấy về Việt Nam. Chuỗi 6 năm Hanoi Sound Festival được đón nhận ngày càng nồng nhiệt là minh chứng thuyết phục nhất cho nhiệt huyết của Trí Minh.

Đọc E-paper

Hanoi Sound Stuff Festival

Năm 2007, Trí Minh tham gia các festival âm nhạc tại châu Âu và nhận thấy giới trẻ Việt Nam đang nghe những sản phẩm âm nhạc quá cũ. Vậy là anh quyết tâm mang “sản phẩm mới” về Việt Nam.

Tháng 4/2008, chương trình âm nhạc đương đại đầu tiên với những trải nghiệm âm thanh đa dạng từ minimalism (tối giản), experimental (thể nghiệm), ambient, noise, techno, dance, jazz, acoustic, pop - rock... dành cho giới trẻ ra đời tại Hà Nội với tên gọi Hanoi Sound Stuff Festival (Liên hoan Âm thanh Hà Nội).

Thị trường âm nhạc trong nước còn quá xa lạ với nhạc điện tử/ nhạc thể nghiệm. Nhất là khi nghe nhạc điện tử kết hợp với âm nhạc dân tộc, người ta chẳng thể nào hình dung được nó là “món gì”.

Ngay sau khi Hanoi Sound Festival lần 1 diễn ra, thứ âm nhạc lạ tai đón nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau. Thú vị có, “dị ứng” có, thậm chí “chả ra làm sao” cũng có. Và cũng chính vì sự mới mẻ ấy mà việc thuyết phục các nghệ sĩ quốc tế có tên tuổi đến Việt Nam biểu diễn vô cùng vất vả.

Trước đó gần cả năm, Trí Minh đã phải vừa kể cho họ nghe về Việt Nam, vừa giải thích cho họ hiểu dự định anh ấp ủ. Trong nước, Trí Minh bền bỉ đến với các DJ, các ban nhạc có thiên hướng yêu thích nhạc thể nghiệm.

Anh vào tận giảng đường các trường dạy nghệ thuật để tìm kiếm những gương mặt sinh viên trẻ vận động họ tham gia; tự đứng ra tổ chức các buổi thảo luận, trình diễn nhỏ, các bữa tiệc tại gia làm nơi gặp gỡ, giao lưu với những người đồng chí hướng.

Hỏi động lực nào thôi thúc Trí Minh vượt qua muôn vàn khó khăn như vậy, Trí Minh cười: “Mỗi khi Festival kết thúc, nhìn ánh mắt của các bạn trẻ, tôi thấy tôi đang đưa đến cho các bạn niềm vui bất tận về âm nhạc, chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực”.

May mắn là Trí Minh luôn có được sự hỗ trợ tận tình từ các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm giao lưu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.

Sau 6 năm liền tổ chức, với chương trình ngày càng chất, quy tụ sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ thể nghiệm nổi tiếng thế giới và Việt Nam như Denis Jones, Sivouplay, Timeart Ensemble, Josh Kocepek, DJ Kruise, DJ Slim V..., Trí Minh đã có thể mỉm cười hạnh phúc: “Bây giờ tôi không chỉ làm sản phẩm mới nữa, mà phải làm sản phẩm hay và có chất lượng. Quan niệm khán giả không hiểu là chuyện của họ đã xưa rồi”.

Lấy thể nghiệm nuôi thể nghiệm

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, mọi người đều thành danh, cha là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ Thu Hương, chị là ca sĩ Thanh Lam, nhưng Đoàn Trí Minh (Đoàn Hữu Thắng) không để cái bóng lớn của gia đình che khuất.

Khởi nghiệp, Trí Minh “cả gan” vay 2.000 USD của chị Thanh Lam, nhờ nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa mua cây Roland XP50 từ Đà Nẵng gởi ra Hà Nội. Hằng ngày, ngoài giờ học, Trí Minh ôm “cục cưng” theo nghệ sĩ Quyền Văn Minh lang thang chơi jazz.

Chú đánh ở đâu, cháu theo đó. Cứ thế, hai chú cháu “chinh chiến” khắp các nhà hàng, quán bar ở Hà Nội. Nhưng chơi đều đều mãi cũng chán, Trí Minh bắt đầu thử nghiệm những cái mới và tìm đến nhạc điện tử.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi được chơi nhạc cùng thần tượng Robin Scanner - một trong những nhà làm nhạc điện tử nổi tiếng của Anh, và phù thủy âm thanh Robert Henke - người sáng tạo ra phần mềm mà gần như tất cả các nghệ sỹ sử dụng nhạc cụ điện tử đều chơi trong dự án Giao hưởng đường phố tại Hà Nội”, Trí Minh kể.

Cùng theo đuổi dòng nhạc thể nghiệm lúc đó còn có những cái tên giờ đây đã trở nên quen thuộc như: Kim Ngọc, Sơn X, Vũ Nhật Tân, Nguyễn Mạnh Hùng... Tuy nhiên, khó khăn chung nhất và cơ bản nhất họ vướng phải là dòng nhạc đang theo đuổi không cân bằng được với đòi hỏi của thị trường.

Tiền có quan trọng với những người chơi nhạc thể nghiệm không? Chắc chắn là có, bởi không có tiền, nghệ sĩ chưa biết sẽ trang trải cuộc sống của họ thế nào thì lấy đâu ra chi phí đầu tư cho các dự án?

Mà đâu phải dự án nào cũng sẽ thành công. Bởi như tên gọi của nó, thể nghiệm, tức là có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại.

Thế là Nguyễn Mạnh Hùng xoay qua bán tranh, Vũ Nhật Tân viết báo nuôi nhạc, còn Trí Minh thì bươn chải đủ nghề để kiếm tiền, từ dạy nhạc ở trường quốc tế cho trẻ em 4 tuổi đến người 35 tuổi, làm thông dịch viên, làm người nghiệm thu các dự án đến làm đầu bếp, làm người trông nhà trong những tháng ngày lang thang học hỏi nơi xứ người.

Ở thời điểm hiện tại, bằng những nỗ lực của riêng mình, Trí Minh đã có thể dùng thể nghiệm để nuôi thể nghiệm, bởi anh biết “thương mại hóa” chính thứ nhạc không có giá trị thương mại này. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế, Trí Minh đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, đưa loại nhạc anh đang chơi vào thực tiễn mà vẫn giữ được cá tính của mình.

Thành công anh gặt hái được tại các chương trình “đỉnh” như Đẹp Fashion show, thời trang tóc Davines, nhiều dự án của các nhãn hàng nổi tiếng như Yamaha, Samsung... là minh chứng cho lối đi đúng hướng của anh. Trí Minh khiêm tốn: “Vì tôi may mắn có được những người bạn là nhà tổ chức hiểu mình”.

Trí Minh ấp ủ rất nhiều dự án và kế hoạch cho âm nhạc. Điều đặc biệt là hầu như những dự án trọng tâm của anh đều gắn liền với Hà Nội - nơi anh sinh ra và lớn lên.

Sau “cái bắt tay” với quá khứ trong CD Hanoi Love Stories (Chuyện tình Hà Nội) - hòa trộn âm thanh đường phố Hà Nội với âm nhạc Tây phương, Trí Minh đang tất bật chuẩn bị cho Chuyện Hà Nội, một thể nghiệm giữa lối hát ca trù cổ với nhạc điện tử, cùng với NSND Xuân Hoạch và ca nương Trà My.

Trí Minh cũng đang ôm ấp ý định mang nhạc thể nghiệm vào TP.HCM. Biết đâu một ngày gần đây, song song với Hà Nội sẽ có một liên hoan âm thanh tại Sài Gòn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DJ Đoàn Trí Minh và quyết tâm "đời thường hóa" nhạc điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO