Diễn viên Thái Hòa: Tôi không diễn với đời

XUÂN LỘC/DNSGCT| 07/07/2015 01:26

Trong ánh chiều muộn, nét mặt trầm tư của anh bị bóng tối che mất một phần làm cho người đối diện bất ngờ khi bắt gặp một Thái Hòa sâu lắng, nội tâm.

Diễn viên Thái Hòa: Tôi không diễn với đời

Diễn viên Thái Hòa từ sau phim Để mai tính (năm 2010), những phim có mặt anh đều đạt doanh thu rất cao như: Long Ruồi (năm 2011) chạm mốc doanh thu 42 tỉ đồng, Tèo em (năm 2013) và Quả tim máu (2014) đạt khoảng 85 tỉ đồng…

Đọc E-paper

Anh chọc cười khán giả rất có duyên nên phim nào có mặt anh cũng thu hút khán giả đến rạp. Ngay cả những phim không được đánh giá cao về nội dung thì vai diễn của Thái Hòa vẫn gây ấn tượng, khán giả vẫn hào hứng đến rạp xem anh có chiêu hài gì mới. Xem ra, Thái Hòa ngoài đời rất khác so với anh trên phim. Trong ánh chiều muộn, nét mặt trầm tư của anh bị bóng tối che mất một phần làm cho người đối diện bất ngờ khi bắt gặp một Thái Hòa sâu lắng, nội tâm. Anh nói:

Nhiều khán giả cảm thấy thất vọng khi ngoài đời, tôi không phải là người hài hước với những pha chọc cười nghiêng ngả như trên phim. Thật ra, tôi chỉ là một người kiệm lời, nóng tính. Và tôi chỉ diễn trên phim chứ tôi không diễn với đời.

* Một người nam tính như anh mà vào các vai nữ sao “ngọt” quá?

- Đàn ông muốn đóng vai đàn bà hẳn là một thử thách không nhỏ, chỉ riêng chuyện hóa trang cũng đã mất vài giờ. Ban đầu tôi cũng từ chối nhiều lần nhưng sự tin tưởng của đạo diễn khiến tôi cũng muốn thử, không ngờ thành công. Đóng vai đồng tính, về kỹ thuật hình thể thì không khó lắm, nhưng nắm bắt nội tâm, tình cảm của họ mới khó. Tôi cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những người bạn thuộc giới đồng tính. Họ khá cởi mở nên việc nắm bắt về tâm tư, tình cảm của họ cũng không quá khó.

* Một số bộ phim của anh dù đạt doanh thu tốt nhưng không được giới chuyên môn đánh giá cao vì chỉ mới khai thác yếu tố gây cười, đáp ứng thị hiếu của đông đảo người xem là chủ yếu chứ chưa đạt về chất lượng nghệ thuật. Anh nghĩ sao về điều này?

- Chúng ta không nên có cái nhìn phiến diện với dòng phim hài như vậy. Bên cạnh dòng phim nghệ thuật thì phim hài cũng mang lại giá trị giải trí, thư giãn nhất định.

Một lượng lớn khán giả vào rạp không cần những phim có tính giáo dục nặng nề, bài học sâu sắc mà chủ yếu muốn xem phim giải trí nhẹ nhàng, hài hước thì chúng ta cũng cần những bộ phim gây cười để đáp ứng cho họ.

Mặt khác, người làm phim nào cũng muốn sản phẩm của mình thu hút khán giả, nhưng quan trọng không kém là đánh giá của anh em trong nghề và báo giới. Một bộ phim có sự cân bằng giữa yếu tố giải trí và nghệ thuật là mong muốn của chúng tôi nhưng liệu bao nhiêu phim Việt Nam làm được điều này?

Trong những phim từng đóng thì chỉ có phim Quả tim máu cho tôi niềm vui trọn vẹn, còn Tèo emĐể mai tính thì bị báo chí chê tơi tả, thậm chí có cả những bài báo khuyến khích khán giả “tẩy chay” phim, khiến tôi buồn vô cùng. Lửa phậtLấy chồng người ta là hai bộ phim có nội dung tốt, vai diễn của tôi cũng được đánh giá cao nhưng doanh thu lại không như mong đợi. Thật ra, trong lĩnh vực phim ảnh, càng làm càng thấy khó. Mọi tính toán trên phim cũng mơ hồ, chỉ đến khi ra rạp thì mới biết phim có thành công hay không.

 Lĩnh vực phim ảnh càng làm càng thấy khó. Mọi tính toán trên phim cũng mơ hồ, chỉ đến khi ra rạp thì mới biết phim có thành công hay không.

* Thị trường phim Việt Nam đang trong thời kỳ sôi động, ngày càng nhiều phim tự tin tham dự các liên hoan phim quốc tế, anh có nghĩ đây là điều đáng tự hào?

- Tôi nghĩ phim Việt Nam chưa có gì đáng tự hào. Chúng ta không nên chỉ nhìn vào một vài tác phẩm đoạt giải thưởng mà cần có cái nhìn rộng về một nền điện ảnh vững mạnh toàn diện. Xét về doanh thu lẫn chất lượng, chúng ta còn ở “cửa dưới” so với Thái Lan thì không thể nào so sánh với Mỹ và châu Âu.

Nhưng đây là một thị trường có tiềm năng lớn, ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái mà tiềm năng điện ảnh vẫn tăng 30%/năm. Thị trường điện ảnh nước ta hiện nay được xem là thị trường điện ảnh Hàn Quốc mười mấy năm về trước. Nếu đầu tư một cách bài bản, theo kịp thị hiếu khán giả thì điện ảnh nước ta có thể sẽ phát triển không thua kém Hàn Quốc trong tương lai.

* Thái Hòa giờ đây đã là một tên tuổi hài ăn khách, anh đã hài lòng với thành công của mình chưa?

- Người nghệ sĩ nào cũng muốn tên tuổi của mình được nhiều người biết đến. Nhưng khi đã nổi tiếng rồi, tôi thấy mình mất nhiều hơn được, nhất là mất tự do. Tôi không còn được gặp gỡ bạn bè một cách thoải mái, ăn uống ở những nơi mình thích, chuyện đời tư thường bị người ta soi mói, đơm đặt…

Từ khi có chút tiếng tăm, tôi được mời đóng phim nhiều hơn, nhưng tôi cũng không trở thành “diễn viên triệu đô” như cách nhiều người hay gọi đùa. Vài đồng nghiệp thắc mắc sao tôi không nhận ba, bốn phim một lúc để kiếm vài tỉ đồng một cách dễ dàng. Nhưng tôi là người ham chơi, tôi làm việc kiếm tiền nhưng vẫn muốn có thời gian cho gia đình và những chuyến du lịch dài ngày với bạn bè. Tôi còn muốn tham gia đầy đủ hai, ba trận bóng cùng bạn bè trên sân cỏ mỗi tuần và không bỏ sót trận bóng đá nào mình thích trên tivi. Vì vậy, tôi chỉ nhận vai diễn một cách giới hạn và cố gắng làm tốt vai diễn đó để phục vụ người xem.

* Không chỉ kén vai diễn mà anh còn hay tham gia chỉnh sửa kịch bản. Điều này có làm phật lòng biên kịch, đạo diễn?

- Tôi nghĩ diễn viên có trách nhiệm quan trọng không kém gì đạo diễn, biên kịch trong thành công của một bộ phim. Mình dốc hết sức hết lòng với công việc, khi phim ra rạp nếu không thành công như mong đợi thì mình cũng đã cố gắng hết sức. Hơn nữa, nhiều đạo diễn mà tôi làm việc cùng như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Lưu Huỳnh… đều rất hoan nghênh những diễn viên có sự sáng tạo để vai diễn tốt hơn.

Vì vậy đôi khi tôi tham gia từ khâu viết kịch bản, sau khi quay xong tôi thường hào hứng tham gia vào khâu dựng phim xem còn có thể làm tốt hơn không. Làm phim là cuộc chơi của dân nhà giàu, tôi đã được tham gia như một trong những nhân vật quan trọng, đó là một đặc ân của nghề nên cố gắng làm tốt là trách nhiệm mà tôi luôn đặt ra cho mình.

Tôi nghĩ rằng dù kiếm được tiền nhiều đến đâu chúng ta cũng không bao giờ thấy đủ. Ngày xưa, lúc còn đi học, tôi chỉ ước mơ kiếm được năm trăm ngàn đồng một ngày. Đến thời đi làm ở Sân khấu kịch Phú Nhuận rồi đi đóng phim, tôi kiếm tiền nhiều hơn, nhanh hơn nhưng cũng không thấy dư dả gì.

Bởi vậy, tôi học cách nghĩ cuộc sống mình đủ đầy, nhờ vậy mà tôi luôn cảm thấy mình an nhiên, hạnh phúc như hiện tại. Tôi cũng quan niệm, kiếm tiền để phục vụ cho cuộc sống chứ không phải để khư khư cất giữ trong ngăn tủ. Vì vậy, ba năm trước, khi có trong tay tám trăm triệu đồng, tôi mua luôn chiếc xe bằng tất cả số tiền mình có. Tôi cũng giống người giàu có rồi còn gì?

Diễn viên Thái Hòa doanhnhansaigon
Thái Hòa trên màn ảnh sẽ rất khác với con người trầm ngâm, kiệm lời của đời thực.

* Đến bây giờ dù có nhiều tiền hơn anh vẫn đi chiếc xe đầu tiên mình mua được?

- Vì đó là chiếc xe mang lại nhiều may mắn cho tôi. Công việc thì suôn sẻ, cuộc hôn nhân thứ hai của tôi êm đềm hơn, mối quan hệ của tôi với con trai đầu cũng trở nên tốt đẹp. Tôi không phải là người mê tín nhưng tôi tin những điều thuộc về yếu tố tâm linh.

Từ khi bố tôi mất, những điều tâm linh ấy tác động vào tôi sâu sắc, làm tôi thay đổi ít nhiều. Tôi trở nên quan tâm đến người khác hơn, làm từ thiện thường xuyên hơn, không phải để “đánh bóng” tên tuổi, chỉ là cách để cuộc sống của mình trở nên thanh thản, dễ chịu hơn.

Nhưng có những điều tôi vẫn chưa thay đổi được, đó là cách thể hiện tình cảm bằng lời nói với người thân. Vốn là người kiệm lời, tôi không biết phải bày tỏ tình yêu của mình bằng lời như thế nào. Ngày đưa ba tôi vào bệnh viện, tôi chỉ biết đứng yên lặng bên giường bệnh, không đủ dũng cảm để nói “Con thương ba”. Sau khi ông mất, tôi đã cảm thấy vô cùng hối hận.

Dù vậy, đến nay tôi vẫn chưa thể nói “Con thương mẹ”, dù trên màn ảnh, tôi nói lời yêu thương với các cô gái dễ dàng hơn nhiều. Thật may vì tôi đã có thể thường xuyên nói lời yêu thương với hai con trai của mình. Đó là một thói quen mà tôi phải cố gắng duy trì trong gia đình. Người đã từng trải qua một lần ly hôn như tôi thường bị ám ảnh bởi đổ vỡ trong hôn nhân.

Ai cũng có những mưu cầu về hạnh phúc. Cá nhân tôi luôn quan niệm, người đàn ông dù thành công đến đâu cũng cần một mái ấm hạnh phúc cho mình. Sau cuộc đổ vỡ, tôi đã may mắn tìm thấy cuộc sống mới, xây dựng lại một mái ấm cho mình. Tương lai là điều khó nói, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có thể nói tôi đang có một gia đình hạnh phúc.

* Ngày trước, nếu không bị mẹ bắt học về nghệ thuật sân khấu có lẽ anh đã không theo nghiệp diễn. Sân khấu và màn ảnh đã trở thành đam mê của anh từ bao giờ?

- Cái nghề này rất lạ, nó ngấm vào tôi từ lúc nào không biết. Hồi nhỏ cũng có coi phim, học vẽ, học đàn nhưng không nghĩ mình theo nghệ thuật. Đến khi bước chân vào Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, tôi vừa học vừa chơi, đôi lúc cảm nhận sân khấu có vẻ hay hay. Nhưng càng tham gia vào các vở diễn, được đứng trên sân khấu sáng đèn, tôi bỗng cảm thấy mình mê nghề từ bao giờ không hay.

Tôi đã có một tuổi thơ khá dữ dội. Từ lúc năm, sáu tuổi, tôi đã đánh nhau đến chảy máu đầu. Tôi đánh nhau với tụi bạn nhiều đến nỗi bố mẹ tôi quen với cảnh tôi chảy máu, thẹo chằng chịt trên mặt và đầu. Có lẽ nhờ trải qua nhiều vết thẹo như vậy nên về sau, khả năng chịu đựng áp lực, chịu cực khổ của tôi rất tốt.

Thời sinh viên, tôi “cày” ba việc một lúc là làm phục vụ ở quán cà phê, làm công việc hậu đài, sửa ghếở sân khấu hài Phú Nhuận, làm phòng thâu băng vào buổi tối. Có những ngày tôi không ăn gì, chỉ uống trà đá trừ cơm từ sáng đến tối. Có những thời điểm vừa kết thúc cảnh quay ở miền Tây, tôi phải lái xe chạy thật nhanh về sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) để không bỏ lỡ chuyến bay sớm lên Đà Lạt quay tiếp cho một bộ phim khác. Vừa xong cảnh quay của mình, tôi lại quay ngược về miền Tây như một con thoi…

* Anh đi làm nhiều vậy mà vẫn có thời gian đi học để tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh?

- Tốt nghiệp được là nhờ tôi gặp may, chứ thật ra không phải do học hành chăm chỉ. Còn nhớ ngày bạn bè hăm hở đi dự lễ tốt nghiệp, tôi vẫn chưa thể ra trường vì còn nợ môn học lẫn nợ tiền học phí.

Thật may, tôi có dịp được làm việc với thầy Tùng, Hiệu trưởng Trường Sân khấu Điện ảnh trong bộ phim Những đứa con thành phố. Bình thường, thầy không có ấn tượng tốt với một cậu sinh viên hút thuốc và hay quậy phá. Nay có dịp làm việc cùng nhau, thầy mới thấy tôi có năng khiếu nghệ thuật và thái độ làm việc rất tốt, được các anh chị trong đoàn khen ngợi. Nhờ thầy, tôi mới có được giấy chứng nhận tốt nghiệp.

* Anh đã có khoảng thời gian thành công trên Sân khấu kịch Phú Nhuận, được đồng nghiệp và ban giám đốc nhà hát kịch thương, vì sao anh lại bỏ sân khấu để chuyển qua phim trường?

- Thật ra, tôi mê sân khấu kịch hơn màn ảnh phim. Khi đứng trên sân khấu, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của khán giả. Tiếng cười cũng như giọt nước mắt của người xem là một sự cộng hưởng rất lớn, khiến cho tôi hưng phấn để diễn hết mình hơn. Còn ở phim, chỉ khi ra rạp hoặc phát sóng trên truyền hình thì diễn viên mới biết được cái khen, chê của khán giả.

Tôi bỏ sân khấu vì nhiều lý do. Chất lượng kịch nay đã không còn như trước. Sự quan tâm của báo chí và giới phê bình sân khấu kịch giảm sút đáng kể. Một vở kịch hay ngày trước được giới phê bình đánh giá nghiêm khắc, ý kiến khen chê cũng được thể hiện sâu sắc qua hàng chục bài viết trên báo.

Còn nhớ vở Quả tim máu, vở kịch ma đầu tiên xuất hiện trên sân khấu, đã tạo được tiếng vang lớn và lôi kéo đông đảo người xem tới rạp. Tôi và các đồng nghiệp đã tập đến hai năm trời, vừa tập vừa sửa kịch bản hàng trăm lần. Thành công của vở diễn thật sự mang lại niềm say mê và hứng thú đối với nghề.

Những đánh giá từ báo chí, giới phê bình càng cho chúng tôi thêm động lực để cố gắng. Còn nay, một vở kịch chỉ có một vài bài đánh giá, thậm chí đó chỉ là những bài viết giới thiệu là chủ yếu. Kịch ma tràn lan ở các sân khấu trong thành phố, nhưng sức nóng đã giảm sút đáng kể.

* Khó trách khán giả quay lưng vì sân khấu kịch hầu như không có bước đầu tư, làm mới trong nhiều năm gần đây?

- Hầu hết sân khấu kịch quanh thành phố hiện nay đúng là đã quá cũ. Chiếc rèm sân khấu kéo ra kéo vào từ cách đây mấy chục năm vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Nếu được đầu tư đúng mức, hẳn một vở kịch sẽ cho cảm giác sống động hơn cả một bộ phim chiếu màn ảnh rộng. Nhưng trông chờ vào việc hiện đại hóa sân khấu trong giai đoạn này e là chưa thể có được vì cần vốn lớn, trong khi đó nguồn thu từ các vở kịch vẫn chưa có sự bùng nổ.

Lúc này, người có vai trò quan trọng trong việc lôi kéo người xem đến rạp là biên kịch và đạo diễn. Dễ thấy rằng kịch ma nói riêng và kịch sân khấu nói chung càng ngày càng đơn điệu, nhàm chán, biên kịch và đạo diễn chưa thật sự cố gắng trong việc tìm tòi cái mới.

Tôi đang có một số ý tưởng và ấp ủ cho kịch và phim nhưng do chưa có thời gian nên chưa thể thực hiện được. Tôi là người ham chơi, nhận hai vai diễn một lúc đã thấy quá nhiều. Dù rất mê nghề diễn nhưng khi không có thời gian chơi bóng đá, gặp gỡ bạn bè, đi du lịch, tôi cảm thấy mình như không còn thở nổi. Có lẽ phải chờ một vài năm nữa, khi hết thời, tôi sẽ bắt tay vào những dự định ấp ủ lâu nay.

* Đang ở đỉnh cao mà anh đã nghĩ đến chuyện hết thời rồi sao?

- Thời đỉnh cao của diễn viên qua nhanh lắm, ai cũng phải đối diện, không sớm thì muộn. Nghệ sĩ nào cũng cần có sự chuẩn bị để tránh bị sốc khi phải đối mặt với lúc không còn được trọng dụng. Tôi đã từng chứng kiến nhiều người có lẽ vì họ đã trải qua bao nhiêu máu và nước mắt mới đạt được danh vọng nên không đủ bình tĩnh để chấp nhận chuyện “về vườn”.

Nhưng tôi thì khác, tại thời điểm này đã xác định hướng đi cho mình, bằng cách vừa làm vừa học thêm về biên kịch và đạo diễn. Nhưng đến lúc đó, có lẽ tôi sẽ không quên nhiều kỷ niệm trong thời diễn viên, nhớ nhất là những lúc mình bị ghét. Cách đây không lâu, trong một lần tôi ngồi chờ sửa xe, một phụ nữ luống tuổi cứ nhìn tôi trân trân, rồi nói: “Sao ngoài dễ thương mà đóng phim thấy ghét vậy, đã què mà còn âm mưu, thủ đoạn”.

Thì ra chị ấy ghét nhân vật Sáu Tiện (phim Mắt lụa) – một người luôn ganh ghét, đố kỵ với những ai giỏi hơn mình, sẵn sàng đánh đổi uy tín của xưởng dệt làm ra những sản phẩm kém chất lượng vì lợi nhuận. Chị ấy thể hiện thái độ ghét bỏ nhưng tôi vui lắm, vì như vậy chứng tỏ tôi không chỉ thành công với những vai hài.

* Cảm ơn anh về những câu chuyện thú vị.

>Thái Hòa - rong chơi với nghệ thuật

>Bài học thành bại từ nhà biên kịch phim Mad men

>Chàng trai nặng lòng với kịch

>Điện ảnh Việt: Thông minh hay nước mắt, nụ cười?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn viên Thái Hòa: Tôi không diễn với đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO